Tiên phong đưa công nghệ thay đổi nếp nghĩ, cách làm trên xứ cù lao

Bình luận · 294 Lượt xem

SÓC TRĂNG Tưới tự động là mô hình không mới ở nhiều địa phương. Nhưng ở xứ Cù Lao Dung, mô hình là tiên phong hướng nông dân đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Tận dụng triệt để công nghệ vào sản xuất

Nằm ở khu vực cuối nguồn sông Hậu, huyện Cù Lao Dung xưa nay ngoài thế mạnh phát triển nuôi tôm nước lợ, khai thác thủy sản ven bờ. Vùng đất này còn được thiên nhiên ưu đãi phù sa bồi lắng, đất đai màu mỡ, cây trái sum suê phát triển.

Xoài cát chu vốn là giống truyền thống, được nông dân Cù Lao Dung trồng lâu đời, tập trung nhiều nhất tại xã An Thạnh 1, hơn 250 ha chiếm trên 50% diện tích xoài toàn huyện.

Như nhiều mặt hàng nông sản khác, giá bán và đầu ra của xoài cát chu thường xuyên biến động. Trước áp lực này, ông Phan Thanh Tòng, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp An Phát, ở ấp An Thường, xã An Thạnh 1 đưa ra quyết định táo bạo, chuyển đổi toàn bộ quy trình canh tác của vườn.

Ông Phan Thanh Tòng, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp An Phát, xã An Thạnh 1 thực hiện chuyển đổi toàn bộ quy trình canh tác của vườn xoài bằng trang thiết bị công nghệ tiên tiến. Ảnh: Kim Anh.

Ông Phan Thanh Tòng, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp An Phát, xã An Thạnh 1 thực hiện chuyển đổi toàn bộ quy trình canh tác của vườn xoài bằng trang thiết bị công nghệ tiên tiến. Ảnh: Kim Anh.

Với sự hỗ trợ từ đề tài nghiên cứu của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng, ông Tòng thực hiện đối ứng 50% vốn, đầu tư nâng cấp toàn bộ trang thiết bị tiên tiến, với mong muốn mang đến giá trị cao hơn cho trái xoài của địa phương.

Trên quy mô 1ha, những trái xoài cát chu được “bảo vệ” bằng những chiếc túi giấy có khả năng chống thấm nước, thay vì sử dụng loại túi lưới thông thường như cách làm trước đây.

Xét về giá trị, mỗi chiếc túi giấy khoảng 1.300 đồng, nhưng có thể tái sử dụng lại từ 3 - 4 vụ mùa. Vì thế, bà con nông dân nếu mạnh dạn đầu tư cho vụ đầu, có thể tiết giảm đáng kể chi phí đầu tư ở những vụ sau. Quan trọng hơn, khi áp dụng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, việc kết hợp bao trái bằng túi giấy sẽ giúp trái xoài lúc thu hoạch giữ được màu vàng đặc trưng, vỏ bóng và chất lượng trái cũng ngọt hơn.

Theo tính toán của ông Tòng, thời điểm trái xoài đạt 60 - 65 ngày, ông bắt đầu bao trái và giữ liên tục từ 40 - 45 ngày có thể thu hoạch. Giá bán chênh lệch gấp đôi so với xoài trồng và chăm sóc theo phương pháp truyền thống, tức 20.000 đồng/kg, cao hơn trước 10.000 đồng/kg.

“Khi tôi sử dụng loại túi này sẽ giữ được độ kín, sâu và côn trùng khó có thể xâm nhập vào chích hút được. Vì thế, khi thu hoạch trái xoài rất đẹp, nên bán được giá cao hơn”, ông Tòng phấn khởi chia sẻ.

Ngoài ra, trong toàn bộ khu vườn, ông Tòng đầu tư cả hệ thống tưới phun tiết kiệm nước, lắp đặt thiết bị đo gió, mưa, độ ẩm và độ pH của đất… Ưu điểm nổi trội của hệ thống này, là có chức năng cân đối liều lượng phân bón, nước tưới, nhờ đó giúp việc sản xuất trở nên khoa học, tối ưu hóa thời gian, tạo thành quy trình sản xuất đồng bộ. Các thông số được cập nhật tự động và chính xác, vì thế bản thân nhà vườn như ông Tòng có thể chủ động hơn trong quản lý sản xuất.

Trải qua 2 vụ ứng dụng hệ thống, ông Tòng đánh giá, năng suất cho trái của khu vườn cao hơn từ 10 - 15% so với các vườn lân cận. Từ hiệu quả này, hiện ông Tòng đang định hướng phát triển và nhân rộng ra cho các thành viên trong HTX.

Hệ thống tưới phun tiết kiệm nước, đi kèm thiết bị cảm biến đo gió, mưa, độ ẩm, độ pH của đất… lần đầu tiên được nhà vườn trồng xoài ở Cù Lao Dung đầu tư. Ảnh: Kim Anh.

Hệ thống tưới phun tiết kiệm nước, đi kèm thiết bị cảm biến đo gió, mưa, độ ẩm, độ pH của đất… lần đầu tiên được nhà vườn trồng xoài ở Cù Lao Dung đầu tư. Ảnh: Kim Anh.

Bên cạnh tập trung nâng cao giá trị nông sản, trên các khu đất trồng xoài, ông Tòng tiến hành đào ao nuôi cá, xây dựng các chòi lá, phục vụ ẩm thực để kết hợp phát triển du lịch sinh thái.

Cách làm này phù hợp với định hướng phát triển du lịch ở huyện Cù Lao Dung. Đồng thời hiện thực hóa mục tiêu xây dựng du lịch xanh, bền vững mà ngành nông nghiệp đang nhắm tới.

Từ ý tưởng của nhà vườn, ông Lê Hoài Thanh, Chủ tịch UBND xã An Thạnh 1 cho biết, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Sóc Trăng xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp là nội dung trọng tâm. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật mới phát triển các mô hình kinh tế vườn. Đồng thời, hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc, chỉnh trang lại vườn cây để kết hợp phát triển du lịch, thu hút khách tham quan.

Về đích trên “đường băng” nông thôn mới

Ứng dụng công nghệ vào quản lý vườn mà ông Phan Thanh Tòng đang triển khai là mô hình chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp đầu tiên ở huyện Cù Lao Dung. Bước tiến này không chỉ xuất phát từ thực tế mong muốn cải thiện thu nhập của nông dân mà còn là khát khao nâng lợi nhuận kinh tế vườn cho thành viên HTX.

Thực tế, những quy trình canh tác ứng dụng công nghệ hay kết hợp phát triển kinh tế vườn và du lịch sinh thái không mới ở một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Thế nhưng trên vùng đất cù lao, vốn còn nhiều khó khăn, cách trở về mặt địa lý, rất cần những nông dân tiên phong đổi mới nếp nghĩ và cách làm để Cù Lao Dung vươn mình trên chặng đường phát triển kinh tế.

Từ vùng cù lao, An Thạnh 1 trở thành xã đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng đạt chuẩn NTM vào năm 2014. Đến năm 2020, một lần nữa An Thạnh 1 về đích đầu tiên trên “đường băng” xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung, cho hay, địa phương là một trong hai vùng trồng cây ăn trái lớn của tỉnh Sóc Trăng. Mía vốn là cây trồng chủ lực, nhưng thời gian qua gặp nhiều bấp bênh. Đi dọc tuyến đường chính dẫn về các xã, những ruộng mía khô héo nông dân không màn thu hoạch.

Dự kiến cuối năm 2023, xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung sẽ trở thành xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ảnh: Kim Anh.

Dự kiến cuối năm 2023, xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung sẽ trở thành xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ảnh: Kim Anh.

Vào khoảng năm 2017, xoài Cát Chu trồng ở xã An Thạnh 1 với sản lượng trên 1.500 tấn/năm, được nhiều thương lái ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp tìm đến đặt hàng thu mua. Qua đó tạo được niềm tin, khích lệ nhà vườn mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất, tạo thu nhập ổn định.

Đồng thời, ngành nông nghiệp huyện cũng thường xuyên mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến liên kết tiêu thụ. Rồi tổ chức hướng dẫn bà con nông dân xây dựng và cấp mã số vùng trồng cho xoài cát chu. Tạo đà lợi thế để xoài cát chu thuận lợi chào hàng ở nhiều thị trường khác nhau, tăng sức cạnh tranh.

Thời gian qua, việc đa dạng các sản phẩm chế biến từ xoài cũng được ngành nông nghiệp chú trọng. Hiện, HTX nông nghiệp An Phát đang sản xuất xoài sấy dẻo và xoài sấy giòn. Sắp tới ngành nông nghiệp huyện Cù Lao Dung tiếp tục hỗ trợ bà con nông dân phát triển thêm dòng sản phẩm nước ép xoài.

Do tiếp giáp với 2 cửa biển Trần Đề và Định An, sản xuất nông nghiệp ở Cù Lao Dung thường xuyên chịu ảnh hưởng của thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số là cần thiết, giúp bà con nông dân chủ động trước thiên tai, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.

Nhiều loại hình du lịch gắn với kinh tế vườn đã được hình thành và trở thành điểm du lịch tiềm năng của huyện Cù Lao Dung. Ảnh: Kim Anh.

Nhiều loại hình du lịch gắn với kinh tế vườn đã được hình thành và trở thành điểm du lịch tiềm năng của huyện Cù Lao Dung. Ảnh: Kim Anh.

Bên cạnh đó, một số xã trên địa bàn huyện thực hiện Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. Từ đây, nhiều loại hình du lịch gắn với kinh tế vườn đã được hình thành và trở thành điểm du lịch tiềm năng của huyện. Có thể kể đến như: Làng du lịch Long Ẩn ở xã An Thạnh 1; Điểm cầu tre xuyên rừng tại An Thạnh 3; Khu bãi bồi xã nằm ở xã An Thạnh Nam…

Bình luận