Yến sào Cần Giờ ngủ quên trên tiềm năng lớn

Bình luận · 261 Lượt xem

Yến sào Cần Giờ được đánh giá có tiềm năng lớn nhưng sản phẩm này vẫn chưa có thương hiệu. Do đó, phát triển thương hiệu này sẽ giúp tạo giá trị gia tăng lớn.

Chương trình cà phê OCOP Cần Giờ với chủ đề: 'Xây dựng thương hiệu yến sào Cần Giờ' thu hút hơn 50 chuyên gia và các doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi, chế biến các sản phẩm từ yến. Ảnh: Lê Bình.

Chương trình cà phê OCOP Cần Giờ với chủ đề: "Xây dựng thương hiệu yến sào Cần Giờ" thu hút hơn 50 chuyên gia và các doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi, chế biến các sản phẩm từ yến. Ảnh: Lê Bình.

Ngày 9/9, UBND huyện Cần Giờ tổ chức chương trình cà phê OCOP Cần Giờ lần 2 với chủ đề: "Xây dựng thương hiệu yến sào Cần Giờ" tại Khu du lịch sinh thái Én Việt (xã Tam Thôn Hiệp).

Chương trình được tổ chức với mục đích thảo luận, trao đổi tìm ra các giải pháp nâng cao chất lượng tổ yến, các sản phẩm chế biến từ tổ yến. Từ đó, giúp thúc đẩy phát triển thương hiệu yến sào Cần Giờ trên địa bàn huyện.

Cần Giờ có truyền thống nuôi chim yến lấy tổ từ năm 2003. Đến nay, huyện có tổng 519 nhà nuôi chim yến (chiếm 75% tổng nhà nuôi chim yến của TP.HCM) tại các xã Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn. Sản lượng yến thô ước đạt 14,96 tấn, trị giá khoảng 250 tỉ đồng/năm. Yến sào là sản phẩm OCOP 4 sao trong tổng số 18 sản phẩm OCOP của Cần Giờ.

Huyện Cần Giờ có khí hậu mát mẻ và thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi yến. Cần Giờ sở hữu diện tích rừng ngập mặn trên 30.000ha, giúp chim yến có một môi trường sống không có nhà máy công nghiệp tỏa khói bụi.

Với hơn 500 nhà nuôi yến lấy tổ, Cần Giờ chiếm tỉ lệ gần 75% tổng nhà nuôi chim yến của TP.HCM. Ảnh: Lê Bình.

Với hơn 500 nhà nuôi yến lấy tổ, Cần Giờ chiếm tỉ lệ gần 75% tổng nhà nuôi chim yến của TP.HCM. Ảnh: Lê Bình.

Tại buổi trao đổi, các chuyên gia cùng nhau đóng góp ý kiến, quan điểm để xây dựng thương hiệuyến sào Cần Giờ được định hình và đi xa hơn.

Về góc độ dinh dưỡng, TS Nguyễn Ngọc Hòa, Giám đốc Trung tâm Phân tích quốc tế, Trường ĐH Công thương TP.HCM cho biết, yến sào chứa nhiều thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe con người.

“Yến sào có hàm lượng dinh dưỡng cao. Nếu chúng ta so sánh với trứng, sữa thì hàm lượng axit amin trong yến cao gấp 17 lần. Qua phân tích, chúng tôi thấy rằng yến Cần Giờ có hàm lượng dinh dưỡng khá cao so với những nơi khác”, TS Nguyễn Ngọc Hòa chia sẻ.

Ở góc độ quảng bá sản phẩm yến sào, ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội công nghệ cao cho rằng Cần Giờ nên tập trung quản lý chất lượng và cải tiến mẫu mã bao bì. Theo đó, các mẫu mã phải bắt mắt, hiện đại nhằm thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

TP.HCM là thị trường lớn nhất cả nước. Đây là nơi tập trung và mong muốn tiêu thụ của mọi sản phẩm tốt nhất. Thế nhưng, khi tìm một sản phẩm của riêng TP.HCM để làm quà tặng thì kiếm mãi vẫn không có. Đây là bài toán mà lãnh đạo thành phố đặt ra.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM: 'Xây dựng thương hiệu yến sào Cần Giờ đòi hỏi sự chung tay, tổng hòa của nhiều lĩnh vực'. Ảnh: Lê Bình.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM: "Xây dựng thương hiệu yến sào Cần Giờ đòi hỏi sự chung tay, tổng hòa của nhiều lĩnh vực". Ảnh: Lê Bình.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, Sở này đang được UBND Thành phố giao lập bản quy hoạch chi tiết vùng nuôi chim yến tại Cần Giờ. Đây sẽ là tiền đề để Thành phố và huyện Cần Giờ xây dựng lộ trình, đầu tư và có những phát triển đúng tầm.

Phải nhìn nhận thực tế, nuôi yến lấy tổ tại Cần Giờ tuy đi trước nhưng về sau so với các địa phương khác trên cả nước. Mặc dù nuôi yến đã lâu nhưng Cần Giờ quên mất câu chuyện xây dựng thương hiệu riêng. Do đó, dù được đánh giá là hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng chẳng mấy ai biết đến yến sào Cần Giờ.

“Nuôi yến Cần Giờ đang ngủ quên trên tiềm năng rất lớn. Chúng ta cần phải có những điểm khác biệt trong việc xây dựng thương hiệu này, cần phải dẹp bỏ những suy nghĩ đã cũ, không còn phù hợp”, ông Phương bày tỏ.

Một trong những thách thức của ngành nuôi yến Cần Giờ là hiện đa phần chỉ sản xuất và bán tổ yến thô. Trong khi đó, giá trị của việc bán những sản phẩm yến chế biến sâu lại cao gấp 10 - 13 lần so với việc bán yến thô như hiện tại. Do đó, đây là vấn đề mà các doanh nghiệp về yến sào tại Cần Giờ cần lưu ý, đầu tư phát triển.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ: 'Việc xây dựng thương hiệu yến sào Cần Giờ cũng là kế hoạch nhằm 'đón đầu' xu thế tiêu dùng và tạo thương hiệu đặc trưng của huyện đảo'. Ảnh: Lê Bình.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ: "Việc xây dựng thương hiệu yến sào Cần Giờ cũng là kế hoạch nhằm 'đón đầu' xu thế tiêu dùng và tạo thương hiệu đặc trưng của huyện đảo". Ảnh: Lê Bình.

Trong những năm gần đây huyện đang nhận được sự quan tâm tập trung từ lãnh đạo các cấp. Đặc biệt, khi dự án siêu cảng trung chuyển quốc Cần Giờ và cầu Cần Giờ đi vào hoạt động sẽ thay đổi diện mạo hoàn toàn của huyện đảo này. Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, việc xây dựng thương hiệu yến sào Cần Giờ cũng là kế hoạch nhằm "đón đầu" xu thế tiêu dùng và tạo thương hiệu đặc trưng của huyện đảo.

"Để làm tốt vai trò xây dựng thương hiệu yến sào Cần Giờ, chúng ta cần phải có Hiệp hội hoặc Chi hội về nuôi yến để làm đầu tàu trong nuôi yến tập trung, tránh sự nhỏ lẻ. Đây cũng là yếu tố để kiểm soát lẫn nhau, cạnh tranh và vươn xa hơn", Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ chỉ đạo.

Khu du lịch sinh thái Én Việt Cần Giờ đang chú trọng việc chế biến sâu và đa dạng hóa các sản phẩm từ yến để thu hút thị trường, tạo giá trị cao. Ảnh: Lê Bình.

Khu du lịch sinh thái Én Việt Cần Giờ đang chú trọng việc chế biến sâu và đa dạng hóa các sản phẩm từ yến để thu hút thị trường, tạo giá trị cao. Ảnh: Lê Bình.

Bình luận