Giá cao, lãi thấp: Người trồng mía buồn!

Bình luận · 7 Lượt xem

Dù giá mía được các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thu mua ổn định và cao hơn năm ngoái, song nông dân thu hoạch mía lại không lãi như kỳ vọng.

Mía đạt năng suất thấp

Những ngày này, vùng trồng mía chủ lực ở tỉnh Khánh Hòa là thị xã Ninh Hòa nông dân đang bước vào mùa thu hoạch rộ niên vụ mía năm 2024 - 2025 sau những ngày dài nghỉ Tết Nguyên Đán Ất Tỵ.

Trên cánh đồng mía Hòn Bồ, chị Vũ Thị Ngọc ở thôn Buôn Tương, xã Ninh Tây cùng 3 lao động đốn 2ha mía nhà mình dưới thời tiết rất thuận lợi vì nắng không gay gắt. Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy ruộng mía thu hoạch của nhà chị Ngọc cây phát triển còi cọc, các lóng mía ngắn.

Chị Ngọc cho biết, mía năm nay sinh trưởng và phát triển kém nên năng suất thấp. Ảnh: KS.

Chị Ngọc cho biết, mía năm nay sinh trưởng và phát triển kém nên năng suất thấp. Ảnh: KS.

Hỏi chị Ngọc mới biết đây là thực trạng chung của bà con trồng mía trên địa bàn bởi năm vừa qua do thời tiết ít mưa nên cây mía chậm phát triển. “Năm vừa qua thời tiết không thuận lợi lắm. Lúc cây mía cần chăm sóc, bón phân vào tháng 4 - 5 thì trời lại không có mưa. Đến tháng 11 lại mưa nhiều làm cây mía bị vàng lá gây sâu bệnh hại”, chị Ngọc than vãn.

Theo chị Ngọc, ruộng mía của chị đất tương đối bằng phẳng, dù đã chăm sóc, bón phân và bơm tưới từ ao trữ nhưng vẫn bị ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây mía, huống hồ ở đây nhiều ruộng mía nằm trên đồi không có điều kiện thuận lợi. Do đó trước Tết nhiều bà con thu hoạch mía năng suất trung bình chỉ đạt từ 50 - 55 tấn/ha, thấp hơn nhiều so với niên vụ trước.

Rời vùng mía Ninh Tây, chúng tôi đến xã Ninh Tân, hiện nhiều nông dân cũng đang thu hoạch để cung ứng mía nguyên liệu cho các nhà máy. Ông Lê Thúc Hải, một nông dân có thâm niên trồng mía ở thôn Nam, xã Ninh Tân cho biết, vụ mía năm nay gia đình trồng 10ha, trong đó có 2ha mía tơ, còn lại là mía lưu gốc từ năm thứ 3 đến năm thứ 5. Đến nay, gia đình ông đã chặt xong khoảng 2ha mía lưu gốc, năng suất chỉ đạt khoảng 40 - 50 tấn/ha, thấp hơn khoảng 10 - 20 tấn/ha so với năm ngoái.

Nguyên nhân mía giảm năng suất, ông Hải cũng cho rằng do thời tiết không thuận lợi, mưa ít. Nhất là từ tháng 9 - 10 là giai đoạn quan trọng nhất của cây mía phát triển nhưng trời chẳng có mưa nên cây thiếu nước để vươn lóng cao.

Mía là cây trồng chủ lực nên gia đình rất chú trọng chăm sóc, bón phân đầy đủ. Nhờ vậy, mọi năm ruộng mía lưu gốc của gia đình ít nhất đạt năng suất khoảng 60 tấn/ha, còn mía tơ đạt 80 tấn/ha. Ấy vậy mà vụ này cây mía đến giờ này thu hoạch mà mía tơ cũng thấp lè tè, chỉ cao bằng một nửa so với năm ngoái. Do đó gia đình có nguy cơ bị phạt vì sẽ không đảm bảo sản lượng khoảng 400 tấn đã đăng ký với nhà máy”, ông Hải bộc bạch.

Ông Trần Thiện Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Khánh Hòa cho biết, niên vụ mía năm 2024 - 2025 toàn tỉnh trồng 7.694ha. Hiện bà con đang bước vào thời gian thu hoạch, năng suất bình quân đầu vụ ước đạt 54 tấn/ha (chữ đường bình quân 9CCS).

Theo ông Hùng, dự kiến năng suất mía năm nay cũng sẽ đạt thấp hơn so với năm trước do tình hình thời tiết đầu năm vừa qua nắng hạn kéo dài, mưa lại muộn nên cây mía phát triển chậm. Thêm vào đó, giai đoạn mía chín bị ảnh hưởng bởi không khí lạnh làm cho cây mía không tích lũy được đường.

Niềm vui không trọn vẹn

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 2 nhà máy đường là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu AgriS Ninh Hòa và Công ty Cổ phần đường Việt Nam liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân trồng mía.

Ông Biện Tuấn An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu AgriS Ninh Hòa cho biết, niên vụ mía 2024 - 2025, Công ty đã đầu tư liên kết với bà con với diện tích hơn 10.900ha tại 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, tăng 400ha so với niên vụ năm ngoái. Riêng tại tỉnh Khánh Hòa, Công ty đầu tư cho vùng mía nguyên liệu với diện tích khoảng 6.000ha.

Nông dân thu hoạch mía cung ứng nguyên liệu cho nhà máy đường. Ảnh: KS.

Nông dân thu hoạch mía cung ứng nguyên liệu cho nhà máy đường. Ảnh: KS.

Từ cuối tháng 12 năm ngoái, Công ty bước vào vụ ép và thu mua mía cho nông dân, đến nay đã thu hoạch được khoảng 15% diện tích. Giá mía hiện Công ty thu mua tại ruộng là 1.210.000 đồng/tấn (10CCS) bao gồm các khoản hỗ trợ, tăng 30 ngàn đồng/tấn so với niên vụ năm ngoái.

Trong khi đó, ông Lê Văn Hậu, Trưởng trạm vùng mía Ninh Hòa thuộc Công ty Công ty Cổ phần đường Việt Nam cho biết, hiện vùng nguyên liệu của nhà máy tại thị xã Ninh Hòa được Công ty đầu tư liên kết với bà con với diện tích trên 1.000ha. Công ty thu mía cho bà con tại bàn cân nhà máy ở huyện Cam Lâm với giá dao động từ 1.385.000 - 1.405.000 đồng/tấn bao gồm khoản tăng bo đầu vụ, bốc xếp, vận chuyển (tương đương so với năm ngoái).

Theo ghi nhận của chúng tôi, dù giá mía được các công ty đường thu mua ổn định và nhích hơn so với năm ngoái, song theo nông dân, do chi phí đầu tư phân, thuốc, cùng với công lao động tăng cao, năng suất mía lại thấp nên vụ này bà con thu hoạch sẽ không lãi mấy.

Ông Sử Hồng Quốc Tịnh, Chủ tịch UBND xã Ninh Tây cũng xác nhận thông tin trên và cho biết, vụ mía năm nay, 1ha bà con chỉ lãi trung bình từ 10 - 15 triệu đồng. Toàn xã Ninh Tây hiện có trên 1.200ha mía, trong đó 90% diện tích bà con cung ứng nguyên liệu cho nhà máy đường của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu AgriS Ninh Hòa.

Theo ông Tịnh, đến nay, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu AgriS Ninh Hòa đã cho bà con thu hoạch khoảng 20% diện tích, năng suất trung bình đạt 56 tấn/ha, chữ đường bình quân 9 CCS. Còn Công ty Cổ phần đường Việt Nam đã cho bà con thu hoạch khoảng 35ha, năng suất trung bình hơn 47 tấn/ha.

Để nông dân yên tâm trồng mía

Hiện nay vùng mía nguyên liệu ở tỉnh Khánh Hòa chủ yếu trồng trên vùng bán sơn địa, phần lớn dựa vào nước trời. Những năm mưa thuận gió hòa, cây mía sinh trưởng, phát triển tốt. Ngược lại, khi cây mía gặp thời tiết khô hạn sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất.

Bà con cho biết, vụ mía năm nay sẽ lãi thấp hơn năm ngoái. Ảnh: KS.

Bà con cho biết, vụ mía năm nay sẽ lãi thấp hơn năm ngoái. Ảnh: KS.

Khó khăn này đã diễn ra nhiều năm trước đây và vụ mía năm nay nông dân lại đối diện với thực trạng này. Điều này đã khiến nhiều nông dân không mặn mà với cây mía. Do đó, toàn tỉnh từng có diện tích mía gần 20.000ha những đến nay chỉ còn 7.694ha. Trong đó điển hình tại Ninh Tân, thời đỉnh điểm vào năm 2013, diện tích mía toàn xã lên tới hơn 1.600ha nhưng đến niên vụ mía 2024 - 2025, theo ông Võ Ngọc Phi Vũ, Chủ tịch UBND xã Ninh Tân chỉ còn 260ha dù cây mía đã từng giúp địa phương này thay da đổi thịt, nhiều bà con vươn lên thoát nghèo.

Đối với các chính sách phát triển cây mía, ông Vũ cho rằng, những năm gần đây các nhà máy đường tuy có quan tâm, nhưng do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên bà con chưa yên tâm đầu tư cho cây mía. Dù quan điểm của lãnh đạo địa phương là thường xuyên chỉ đạo, tuyên truyền, vận động bà con phát triển cây trồng này.

Do đó, để kéo bà con quay lại với cây mía, Chủ tịch xã Ninh Tân đề nghị các nhà máy đường cần quan tâm, nghiên cứu chính sách phù hợp hơn nữa, nhất là giúp bà con giảm công lao động trong khâu sản xuất, thu hoạch. Đồng thời giá mía thu mua cũng cao hơn để bà con yên tâm đầu tư.

Ông Sử Hồng Quốc Tịnh, Chủ tịch UBND xã Ninh Tây cho biết, địa phương xác định mía là cây trồng chủ lực. Tuy nhiên lâu nay bà con trồng mía theo lối quảng canh, chưa thâm canh nên năng suất đạt thấp. Vì vậy ông cho rằng ngoài chính sách hỗ trợ, nâng cao hơn nữa giá mía, các nhà máy đường cũng cần hướng dẫn kỹ thuật canh tác để bà con nâng cao năng suất và thu nhập, yên tâm trồng mía.

Bình luận