Nhận thấy trồng dưa vàng trong nhà lưới đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với nhiều loại cây màu khác được trồng ở ngoài trời, anh Lê Văn Mạnh ở thôn Hải Thành, xã Thọ Hải đã thuê lại 6.000m2 đất trồng lúa kém hiệu quả của người dân trong thôn đầu tư nhà màng để trồng dưa Kim Hoàng hậu. Nhờ có sẵn kinh nghiệm 8 năm tham gia trồng dưa vàng trong nhà lưới tại Khu Nông nghiệp CNC Lam Sơn - Sao Vàng nên vườn dưa của gia đình anh được chăm sóc đúng kỹ thuật, cho sản lượng bình quân đạt 250 tấn/vụ. Với giá nhập cho thương lái ngay tại vườn là 50.000 đồng/kg, mỗi năm trồng 4 vụ dưa, sau khi trừ chi phí đem lại khoản lợi nhuận cho gia đình 1 tỷ đồng.
Năm 2022, được chính quyền xã tạo điều kiện cho tích tụ, tập trung đất đai phát triển nông nghiệp CNC, anh quyết định mở rộng diện tích lên 2,4ha và xây dựng thành 13 nhà màng. Anh Mạnh cho biết: "Để đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng, phủ ni lon và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel cho toàn bộ diện tích này, tôi đã đầu tư 7 tỷ đồng. Công nghệ tưới này giúp cây dưa phát triển đồng đều nhờ nguồn nước, phân bón được chuyển qua hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng gốc dưa, đáp ứng từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng và không bị lãng phí nguồn nước".
Theo anh Mạnh, áp dụng công nghệ tưới này gia đình anh tiết kiệm được khoản chi tiêu khi phải thuê lao động tưới nước. Hơn nữa, do lắp đặt hệ thống tưới nước tự động Timer hẹn giờ tại 13 nhà màng nên anh có thể tưới nước cho cây trồng ở bất cứ đâu vào bất cứ thời điểm nào và điều chỉnh lượng nước phù hợp cho từng thời điểm sinh trưởng của cây...
Nhờ áp dụng nông nghiệp CNC, 2,4ha dưa Kim Hoàng hậu trong nhà màng của anh mỗi năm cho thu hoạch 300 tấn. Hiện nay, tuy giá dưa thấp hơn so với trước nhưng với giá thương lái đang thu mua ngay tại vườn là 40.000 đồng/kg, 2,4ha dưa sau khi trừ chi phí, đem lại khoản thu nhập cho gia đình 3 tỷ đồng/năm.
Anh Mạnh bật mí: "Tôi vừa mở rộng thêm diện tích trồng dưa vàng trong nhà lưới với 10.000m2 tại vùng đất bãi xã Thọ Hải và 1ha đất thuê lại của người dân xã Thọ Phú (Ngọc Lặc). Toàn bộ diện tích này đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, ngoài tết sẽ đưa cây dưa vào trồng”.
Trang trại gà thịt của Công ty CP Nông sản Phú Gia ở xã Xuân Trường là trang trại được áp dụng CNC theo tiêu chuẩn châu Âu với quy trình chăn nuôi khép kín. Ông Lê Minh Tùng, quản lý trang trại cho biết: Gà là vật nuôi dễ gặp nguy hiểm và rủi ro khi thời tiết thay đổi. Nếu nhiệt độ xuống quá thấp, gà sẽ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, dẫn tới còi cọc, chậm lớn hoặc bị chết. Nếu nắng nóng, gà sẽ bị mất nước, suy giảm sức đề kháng và là điều kiện phát sinh các loại dịch bệnh như cúm gia cầm, tụ huyết trùng. Vì vậy, để tránh tác động của thời tiết, ngoài xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, công ty còn lắp đặt hệ thống sưởi và hệ thống làm lạnh luôn đảm bảo “gà được sưởi ấm vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè”. Đồng thời, nguồn thức ăn, nước uống cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh cho gà được quan tâm nên dù chịu tác động của BĐKH, đàn gia cầm quy mô từ 920.000 đến 1 triệu con/năm của trang trại luôn được bảo vệ, đem lại lợi nhuận 1,2 tỷ đồng/năm.
Đánh giá hiệu quả của việc phát triển mô hình nông nghiệp CNC, thích ứng BĐKH trên địa bàn huyện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân Nguyễn Văn Vinh cho rằng: Ngoài tránh được tác động của thời tiết, sâu bệnh do sản xuất ngoài trời, mô hình còn đem lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với sản xuất ngoài trời. Bên cạnh đó, mô hình nông nghiệp CNC trong nhà màng còn là xu hướng tất yếu hướng đến sản xuất nông nghiệp thông minh, phù hợp trước diễn biến phức tạp của BĐKH hiện nay. Vì vậy, để phát triển nền nông nghiệp theo hướng CNC, thích ứng với BĐKH, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân đầu tư phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp CNC, HĐND huyện Thọ Xuân đã ban hành Nghị quyết số 110/NQ-HĐND ngày 19/12/2021, trong đó có nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp CNC trong nhà màng, nhà lưới. Theo đó, mức hỗ trợ 500 triệu đồng đối với diện tích từ 1ha đến dưới 2ha; hỗ trợ 1 tỷ đồng, đối với diện tích từ 2ha đến dưới 5ha; diện tích từ 5ha trở lên hỗ trợ 2 tỷ đồng. Từ chính sách này đã tạo “cú hích” giúp người dân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC, đưa diện tích CNC trên địa bàn huyện đến thời điểm này lên trên 110ha.
Từ hiệu quả việc phát triển nông nghiệp CNC, thích ứng với BĐKH đã góp phần đưa giá trị thu nhập bình quân trên ha đất canh tác của huyện đến thời điểm này đạt 154 triệu đồng/ha/năm.
Bài và ảnh: Minh Lý