Siêu thị, chợ đầu mối lo ngại giá thực phẩm Tết tăng cao vì kẹt xe

Bình luận · 13 Lượt xem

Theo một số doanh nghiệp, hệ thống phân phối tại TP.HCM, nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ Tết phong phú, nhưng lo ngại khó khăn trong khâu vận chuyển, dẫn đến... giá tăng cao.

Sáng 13/1, Đoàn công tác Bộ Công thương do Thứ trưởng Phan Thị Thắng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Công thương TP.HCM và đi kiểm tra tình hình thực tế tại siêu thị MM Mega Market An Phú về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Báo cáo đoàn công tác, các doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn TP.HCM cho rằng, nguồn hàng phục vụ trước, trong và sau Tết không thiếu, có nhiều phương án dự phòng. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại hiện nay là việc vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng đang gặp khó khăn do tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, nhất là trong những giờ cao điểm, ngày cao điểm.

Ông Lê Hoàng Phong, Phó Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, đơn vị đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng dự trữ tại các kho chứa, các xe container chạy gắn điện lạnh xung quanh chợ. Do vậy, khi nguồn hàng thiếu sẽ được bổ sung kịp thời. 

Trong đó, mặt hàng thịt heo về chợ dự kiến tăng cao điểm nhất trong hai ngày (26-27 tháng Chạp) tăng 100%, tương đương từ 10.000-11.000 con/đêm.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là nếu lượng heo nóng giết mổ từ các lò giết mổ về chợ được thông suốt, không bị kẹt xe, không đứt gãy hàng thì giá bình ổn. Nhưng nếu kẹt xe, ách tắc giao thông do buôn bán tự phát ở xung quanh chợ thì giá sẽ “nhảy vọt”.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng kiểm tra nguồn cung thịt heo tại siêu thị MM Mega Market An Phú (TP Thủ Đức). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng kiểm tra nguồn cung thịt heo tại siêu thị MM Mega Market An Phú (TP Thủ Đức). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, đơn vị đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp, xây dựng vùng nguyên liệu để chuẩn bị nguồn hàng hóa bình ổn thị trường với 9 nhóm hàng thiết yếu. 

Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 168 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ được áp dụng, vấn đề ùn tắc giao thông khiến việc vận chuyển hàng hóa, nhất là hàng tươi sống gặp không ít khó khăn.

“Với nhóm hàng thực phẩm công nghệ, hàng phi thực phẩm chúng tôi có thể đưa về và dự trữ tại các điểm bán. Nhưng hàng tươi sống thì phải theo lộ trình bình thường, bao gồm xử lý, đóng gói tại điểm bán. Do đó, nhóm hàng này có nguy cơ tăng giá, thiếu cục bộ do đứt hàng trong thời gian ùn tắc giao thông”, ông Sơn phân tích.

Không những thế, một trong những khó khăn là lượng khách mua hàng, gói quà tặng dịp Tết tăng cao, dẫn đến việc shipper giao hàng với những thùng hàng to dễ bị tuýt còi. Vì vậy, mong Bộ Công thương có ý kiến để tháo gỡ, đặc biệt là cho hoạt động của các đơn vị thương mại.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc thương mại MM Mega Market Việt Nam cũng cho biết, các đối tác của MM Mega Market cũng phản ánh gặp nhiều khó khăn hơn trong vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là từ Bắc vào Nam và ngược lại.

MM Mega Market có các trung tâm trung chuyển hàng tươi và hàng lạnh trên cả nước đang hoạt động hết công suất, tối ưu hóa dịch vụ vận chuyển để mang đến giá hợp lý nhất cho người tiêu dùng. Ngoài ra, MM Mega Market có 1,4 triệu khách hàng thành viên, trong đó, 2.000-3.000 khách hàng mua hàng qua online hàng tuần.

"Chúng tôi không chỉ giao hàng cho khách online mà còn vận chuyển cho các hệ thống nhà hàng, khách sạn với khoảng 3.000-4.000 đơn/ngày. Việc giao hàng đang gặp nhiều khó khăn.

Chúng tôi đã ký kết thêm với các nhà vận tải mới và cam kết tăng 15%-20% đơn hàng dịch vụ online, đáp ứng phần nào nhu cầu của khách hàng”, ông Nguyễn Đức Toàn nói.

TP.HCM hoàn toàn đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Ảnh: Nguyễn Thủy.

TP.HCM hoàn toàn đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Báo cáo về công tác chuẩn bị hàng hóa Tết của TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, tổng số doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường (BOTT) là 69 đơn vị với nguồn vốn chuẩn bị hàng Tết hơn 22.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn 8.000 tỷ đồng là mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Sản lượng hàng thiết yếu chiếm 25%-43% thị phần. Dự kiến tháng Tết cung ứng 8.300 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm...

Các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá một tháng trước Tết và sau Tết. Đặc biệt, trong 3 ngày cận Tết, nhiều chương trình khuyến mãi sâu cho một số mặt như thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả...

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng đánh giá cao công tác chủ động chuẩn bị hàng hóa Tết của TP.HCM.

Lãnh đạo Bộ Công thương cũng ghi nhận khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa tới tay người tiêu dùng. Do đó, bà Phan Thị Thắng đề nghị Sở Công thương TP.HCM tập hợp ý kiến của các đơn vị, tính toán giải pháp hợp lý.

Đoàn công tác kiểm tra việc cung ứng hàng hóa tại chợ Bến Thành. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đoàn công tác kiểm tra việc cung ứng hàng hóa tại chợ Bến Thành. Ảnh: Nguyễn Thủy.

"Nếu thấy cần thiết, Bộ Công thương sẽ báo cáo Chính phủ. TP.HCM cần có ý kiến sớm, sau khi nhận được những kiến nghị này, Vụ Thị trường trong nước sẽ có tham mưu báo cáo Chính phủ kịp thời. Tôi tin việc này thuộc thẩm quyền của địa phương, nhưng nếu cần thiết, Bộ Công thương sẵn sàng tham gia”, bà Phan Thị Thắng nói.

Bà Phan Thị Thắng cũng lưu ý TP.HCM cần tập trung xử lý dứt điểm tình trạng các điểm buôn bán tự phát xung quanh chợ đầu mối nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các thương nhân. 

Bên cạnh đó, các đơn vị cần phối hợp kiểm tra các kho hàng đầu nguồn, nơi tập trung hàng hóa nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân.

Bình luận