Chiều 18/7, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với Tổng hội NN-PTNT Việt Nam, Hội Làm vườn, Hội Khoa học kinh tế NN-PTNT Việt Nam.
Tính đến hết tháng 6/2023, số hội hiện có (gồm Hội, Hiệp hội, Tổng hội, Câu lạc bộ, Liên minh hợp tác xã) do Bộ NN-PTNT quản lý nhà nước gồm có 71 hội hoạt động trong các lĩnh vực: trồng trọt, bảo vệ thực vật; chăn nuôi, thú y; thủy lợi; thủy sản; lâm nghiệp; phát triển nông thôn; và hội hoạt động đa lĩnh vực (6 hội). Trong đó, có 30 hội thuộc lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, chiếm 42%.
10 năm qua, Tổng hội NN-PTNT Việt Nam mở rộng và có tổng cộng 20.076 hội viên, trong đó hội viên tổ chức là 112 hội viên, các hội/hiệp hội là 11 hội viên. Đến nay đã phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức 23 lớp tập huấn tại 17 tỉnh cho 850 cán bộ khuyến nông.
Chương trình “Cầu nông thôn” do Tổng hội khởi động từ năm 2016 đến nay đã vận động xây dựng được hơn 350 cầu và các hệ thống cống với trị giá hơn 330 tỷ đồng; chương trình “Nghĩa tình biên giới” vận động được hơn 5 tỷ đồng hỗ trợ xóa đói giảm nghèo; chương trình “Đền ơn đáp nghĩa” vận động được hơn 44,5 tỷ đồng xây dựng các đền thờ, đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ. Các chương trình đã đem lại diện mạo mới cho các vùng nông thôn còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, Hội Làm vườn Việt Nam có lịch sử hơn 35 năm hoạt động, hiện có 54 Hội Làm vườn cấp tỉnh, 27 hội viên doanh nghiệp, 60 hội viên cá nhân là các nhà khoa học, nhà quản lý đương chức hoặc đã nghỉ hưu. 54 Hội cấp tỉnh nhận được sự quan tâm trải rộng các huyện, xã, thôn, bản, doanh nghiệp, hợp tác xã, câu lạc bộ, hội quán,... với tổng số 662.570 hội viên.
Cùng với đó, từ khi được thành lập vào năm 2016, Hội Khoa học Kinh tế NN-PTNT Việt Nam có các thành viên chuyên gia làm việc đa lĩnh vực. Trong tổng số 185 hội viên chính thức, 34 hội viên có hàm Giáo sư, Phó Giáo sư (chiếm 18,7%); 64 hội viên có học vị Tiến sĩ (chiếm 35,3%); còn lại hội viên là thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân (chiếm 46%).
Đây là đội ngũ có chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm, cống hiến cho sự phát triển nông nghiệp, liên kết chặt chẽ các nhà khoa học và cá nhân nhằm nghiên cứu cơ chế chính sách, thúc đẩy thị trường thương mại trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, 71 hội do Bộ quản lý đã đóng góp tích cực, cùng với Bộ xử lý những vấn đề vĩ mô của ngành; hướng tới mục tiêu phát triển đời sống nông dân; góp phần tích cực vào cơ cấu lại ngành và thực hiện thành công các chiến lược, chương trình, kế hoạch của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Các đại diện cơ quan quản lý trực thuộc Bộ đánh giá cao đội ngũ chuyên gia từ các Hội, Tổng hội trong vai trò cầu nối giữa Nhà nước và nông dân. Đặc biệt là các đóng góp chuyên môn, tư vấn chính sách và các sáng kiến nhằm phát triển ngành NN-PTNT.
Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT mong muốn tiếp tục đồng hành cùng các Hội, Tổng hội để lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm, nghiệp vụ tới địa phương, tận dụng lực lượng chuyên môn cao nhằm củng cố phong trào nông dân tham gia phát triển kinh tế.
Cùng với đó, thúc đẩy chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh hợp tác liên kết sản xuất liên vùng, liên ngành; triển khai các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn mới; tư vấn, phản biện, cập nhật và đối chiếu các chính sách của Việt Nam trong bối cảnh nông nghiệp toàn cầu.