Làng hoa giấy Phù Đổng vươn lên từ nỗi lo ô nhiễm

Bình luận · 10 Lượt xem

Từng một thời, người dân xã Phù Đổng chìm trong nỗi lo ô nhiễm môi trường vì số hộ nuôi bò sữa cứ lớn mãi ra, chạm vào hệ thống kênh thoát nước.

Quyết định lịch sử khi xây dựng nông thôn mới

Trước đây, một số cán bộ, công nhân công tác tại Nông trường Bò sữa Phù Đổng nghỉ hưu đưa bò về nuôi tại gia đình. Đến những năm 2010, Phù Đổng được coi là "thủ phủ bò sữa" của huyện Gia Lâm với quy mô ngót nghét 2.000 con.

Con bò giúp bà con vươn lên làm giàu nhưng lại khiến bầu không khí của xã rộng bậc nhất Thủ đô chìm trong ô nhiễm. Mùi hôi từ các chuồng trại và kênh thoát nước lúc nào cũng khiến mọi người ngột ngạt, nhất là những ngày nắng nóng. Một số hộ xây được hầm biogas còn đỡ, bằng không phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm.

Phù Đổng chọn hoa giấy làm định hướng chính để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp bởi điều kiện tự nhiên thuận lợi. Ảnh: Linh Linh.

Phù Đổng chọn hoa giấy làm định hướng chính để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp bởi điều kiện tự nhiên thuận lợi. Ảnh: Linh Linh.

Bước ngoặt đến vào năm 2010 khi huyện Gia Lâm chọn Phù Đổng là địa phương điểm xây dựng nông thôn mới. Đảng ủy, chính quyền và người dân địa phương dốc sức giải quyết triệt để tiêu chí môi trường. Bàn đi tính lại, Phù Đổng chọn hoa giấy làm định hướng chính để tái cơ cấu sản xuất bởi điều kiện tự nhiên thuận lợi, đất đai màu mỡ được bồi đắp từ phù sa của sông Đuống.

“Đó là một quyết định khó khăn”, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng - ông Nguyễn Văn Tài nhớ lại, bởi hoa giấy vừa manh nha xuất hiện, trong khi bò sữa đã hiện hữu ở vùng đất này từ những năm 1990. Ban đầu, việc trồng hoa giấy chỉ là nghề phụ của một số ít hộ gia đình, và hoa giấy chưa thực sự được thị trường biết đến hay đánh giá cao. Các giống hoa giấy lúc đầu còn đơn điệu, chủ yếu là giống bản địa với màu sắc có phần nhạt nhòa, thiếu sự cuốn hút để cạnh tranh với các loại hoa được ưa chuộng dịp lễ hội như hồng, lan, đồng tiền…

Hơn nữa, kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa giấy chưa phát triển, người dân chủ yếu tự mày mò và học hỏi kinh nghiệm, cộng thêm việc đầu ra cho sản phẩm bấp bênh, vị trí của cây hoa giấy tại xã Phù Đồng có những lúc bị lung lay, khó duy trì.  

Khi những giống mới từ Thái Lan, Ấn Độ được nhập về để chiết ghép, cây hoa giấy Phù Đổng trở nên đa dạng hơn cả về màu sắc và hình dáng. Có những loại cây có thể cho ra 4 - 5 màu hoa sặc sỡ. Ảnh: Linh Linh.

Khi những giống mới từ Thái Lan, Ấn Độ được nhập về để chiết ghép, cây hoa giấy Phù Đổng trở nên đa dạng hơn cả về màu sắc và hình dáng. Có những loại cây có thể cho ra 4 - 5 màu hoa sặc sỡ. Ảnh: Linh Linh.

Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, khi những giống mời từ Thái Lan, Ấn Độ được nhập về chiết ghép, tạo ra nhiều kiểu hoa có hình dáng đặc sắc và màu hoa rực rỡ, cây hoa giấy đã dễ dàng tiếp cận thị trường hơn và ngày càng trở nên phổ biến.

Đến nay, Phù Đổng có hơn 450 hộ trồng hoa giấy và cây cảnh, tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động địa phương. Trải qua quá trình phát triển, đến tháng 11/2020, xã Phù Đổng được công nhận làng nghề cây cảnh hoa giấy. Cây hoa giấy tại xã Phù Đổng đã bền bỉ phát triển với đủ kiểu dáng, màu sắc, thể loại, mang lại sinh kế đáng tự hào cho người dân vùng đất Gióng linh thiêng trong hàng chục năm qua.

Phát triển là thế nhưng những người gắn bó với loại cây nhiệt đới này vẫn ngày đêm tìm kiếm hướng đi mới để “đứa con tinh thần” của họ có thể bám trụ với thị trường đa dạng, đáp ứng nhu cầu thay đổi của người mua.

Chị Hoàng Thị Thu, chủ nhà vườn Ngọc Thu (thôn Phù Đổng 2, xã Phù Đổng) cho biết, hoa giấy là một trong những loài cây cảnh dễ trồng và chăm sóc, sức sống bền bỉ, khả năng chịu hạn tốt và ít sâu bệnh. Chính vì vậy, hoa giấy là lựa chọn phổ biến không chỉ trong trang trí cho nhà cửa, phòng ốc mà còn phục vụ các công trình công cộng, không gian rộng lớn.

Dịp Tết năm nay, chị Thu sở hữu 4 vườn hoa giấy được chia ra thành các khu sản xuất chuyên biệt như khâu giống, phôi, cây non đến cây thành phẩm, vườn luôn sẵn sàng nguồn hàng để cung cấp cho các mối buôn đổ hàng đi khắp khu vực miền Bắc.

Chị Thu nâng niu gốc hoa giấy bonsai phải mất gần 3 năm chăm sóc trước khi đưa vào ghép cành thành phẩm. Ảnh: Linh Linh.

Chị Thu nâng niu gốc hoa giấy bonsai phải mất gần 3 năm chăm sóc trước khi đưa vào ghép cành thành phẩm. Ảnh: Linh Linh.

“Hàng nhà tôi đã xuất đi được khoảng 70% rồi. Năm nay hàng công trình được bán ra nhiều nhất vì giá cả vừa phải và phù hợp với đa dạng nhu cầu. Hàng bonsai giá trị cao hoặc một số cây có thế độc cũng đắt hàng, chủ yếu bán cho khách lẻ có nhu cầu chơi Tết”, chị Thu chia sẻ.

Nhà vườn Ngọc Thu là một trong số ít vườn hoa giấy ở xã Phù Đổng hoạt động theo mô hình khép kín, chủ động từ khâu giống, cây gốc ghép đến cây thành phẩm. Theo chị Thu, đối với hàng bonsai, phải mất từ 2 - 4 năm mới có thể trồng được một gốc hoa giấy đủ yêu cầu để ghép cành theo màu hoa mong muốn, uốn nắn tạo thế cho cây, chờ cây và hoa đủ trưởng thành thêm khoảng 3 - 4 năm nữa. Cây nào không đạt chất lượng, dáng không đẹp, hoa không đậm màu, nhà vườn sẽ phải hủy hoa để chăm sóc, chờ năm sau mới bán.

Kiên cường "vượt nắng, thắng mưa"

Cũng như những làng hoa, cây cảnh nổi tiếng khác ở Hà Nội như Nhật Tân, Tây Tựu, Mê Linh…, bão số 3 và hoàn lưu sau bão quét qua khiến hàng nghìn gốc hoa giấy ở xã Phù Đổng bị thối rễ, chết rũ, chỉ còn lại những cành cây méo mó hình dạng, phủ đầy bùn đất. Nhiều gia đình phải bắt tay "đắp lại những viên gạch đầu tiên" cho vườn hoa trước kia vốn được chăm bẵm, nâng niu qua nhiều năm tháng.

Nhờ đó, chỉ vài tháng sau cơn bão số 3, xã Phù Đổng đã khoác lên mình tấm áo mới đầy sức sống với không khí sôi động, tươi sáng từ các nhà vườn, người mua kẻ bán, xe cộ vận chuyển ra vào, các công trình đường sá gấp rút được hoàn thiện… Người dân nơi đây đã vực dậy sản xuất sau bão và bắt đầu một chặn đường mới, tìm kiếm cách làm mới để sản phẩm hoa của mình tiếp tục chinh phục thị trường Tết.

“Bản thân nhà vườn Ngọc Thu mất khoảng 300 đến 500 triệu đồng, chủ yếu là tiền cây và một số vật tư như chậu, giá đỡ... Nhưng ngay sau đó, vườn đã bắt tay đẩy mạnh sản xuất để kịp thời vụ thị trường dịp Tết”, chị Thu chia sẻ. Bên cạnh đó, để tiết giảm chi phí, nhà vườn đã tận dụng các gốc cũ hoặc tăng giờ làm để lấy công làm lãi.

Chị Thu chia sẻ với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam tại nhà vườn của mình. Ảnh: Linh Linh.

Chị Thu chia sẻ với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam tại nhà vườn của mình. Ảnh: Linh Linh.

Bà chủ nhà vườn có diện tích hoa giấy lớn nhất xã Phù Đổng cho biết, gia đình có truyền thống trồng hoa giấy nên định hướng phát triển trồng cây bền vững, chủ động từ đầu vào đến đầu ra để khẳng định chất lượng, thương hiệu riêng. Bên cạnh đó, chị Thu cũng tự nhủ với bản thân rằng, việc chăm sóc, phát triển cây hoa giấy không chỉ là kinh doanh mà còn là “giữ lửa” cho nghề truyền thống của gia đình và làng xã.

Đây không chỉ là suy nghĩ của chị Thu mà cũng là mong muốn chung của hàng trăm hộ trồng hoa giấy trên địa bàn xã Phù Đổng, những người kế cận các thế hệ đi trước cùng gắn bó với loài cây bền bỉ này. Phó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Tài cho biết thêm, bên cạnh làng nghề hoa giấy, địa phương đã tập trung phát triển gắn với du lịch tâm linh. Du khách đến Phù Đổng có thể được trải nghiệm nghề làm hoa giấy, hoặc tham quan khu di tích Đền Gióng.

Được công nhận làng nghề cây cảnh hoa giấy vào năm 2020, để tiếp tục phát triển, Phù Đổng đang triển khai đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh giai đoạn 2021 - 2025.

Phù Đổng cũng đang phát triển ngành nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái. Năm 2023, Lễ hội cây cảnh, hoa giấy xã Phù Đổng được tổ chức với chủ đề “Sắc hoa trên miền di sản” đã thu hút hàng ngàn lượt du khách. Bên cạnh đó là những điểm nhấn như Khu sinh thái Phù Đổng Green Park đạt chứng nhận OCOP 4 sao, sản phẩm hoa giấy đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Hoa giấy được xem là biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng, hạnh phúc, vì vậy cây hoa giấy bonsai với tán trùm, cành cây khép kín, hoa nở rộ là lựa chọn ưa thích của người chơi hoa. Với quá trình chăm sóc kỹ lưỡng, mất nhiều công sức và thời gian, giá bán hoa giấy bonsai luôn duy trì ở mức cao, từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/chậu. Trong khi đó, cây công trình là những cây được trồng trong chậu nhỏ, có giá từ vài chục đến 200.000 đồng/chậu, thường được bán với số lượng lớn.

Bình luận