Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

Bình luận · 12 Lượt xem

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Sáng 14/1, Bộ NN-PTNT phối hợp Bộ Y tế tổ chức Hội nghị chuyên đề phối hợp đa ngành trong phòng, chống kháng thuốc với chủ đề: Chia sẻ dữ liệu - Dẫn lối tương lai. Sự kiện kéo dài đến 15/1 với sự tài trợ của Quỹ Flemming Fund, UK AID và Tổ chức Family Health International (FHI 360).

Hội nghị nhằm giúp cải thiện chính sách, thúc đẩy trong cách tiếp cận Một sức khỏe, chia sẻ dữ liệu trong phòng chống kháng thuốc, tăng cường ứng dụng công nghệ, phát triển các giải pháp sáng tạo trong hệ thống quản lý kháng sinh và phòng chống kháng thuốc.

TS Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) chia sẻ, trong nhiều năm qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quan trọng rõ ràng về vấn đề phòng chống kháng kháng sinh (kháng thuốc), tiêu biểu là Chiến lược quốc gia về Phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các Bộ, ban, ngành, đặc biệt là Bộ NN-PTNT, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Y tế và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Trước đó, các ngành đã phối hợp xây dựng, triển khai các chương trình phòng chống kháng thuốc, trong đó có Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2021-2025 của Bộ NN-PTNT.

TS Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) nhấn mạnh sự quan trọng của vấn đề con người từ Trung ương đến địa phương, trong đó vai trò thực hiện của địa phương là vô cùng cần thiết trong triển khai phòng, chống kháng thuốc. Ảnh: Linh Linh.

TS Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) nhấn mạnh sự quan trọng của vấn đề con người từ Trung ương đến địa phương, trong đó vai trò thực hiện của địa phương là vô cùng cần thiết trong triển khai phòng, chống kháng thuốc. Ảnh: Linh Linh.

Theo ông Long, trong thời gian qua, việc kiểm soát sử dụng kháng sinh và triển khai các biện pháp phòng chống kháng thuốc đã đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, trong thời gian tới các bên vẫn cần phối hợp để triển khai các nội dung của Chiến lược đề ra.

Theo đó, mặc dù chiến lược phòng, chống kháng thuốc đã được phê duyệt, đã có sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương. Tuy nhiên, công tác phòng, chống kháng thuốc ở Việt Nam mới bắt đầu và còn nhiều vấn đề phải nhìn nhận thẳng thắn và từng bước hoàn thiện kế hoạch để phối hợp thực hiện từ việc quản lý sản xuất, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, trong nuôi trồng thủy sản, chế biến và các khâu, các bước sản xuất nông sản.

Nhiều năm qua, các hoạt động thông tin tuyên truyền được triển khai rộng rãi, nhưng nhận thức của hệ thống chính trị và cộng đồng về vấn đề phòng chống kháng thuốc, sử dụng thuốc hợp lý, có hiệu quả còn đặt ra nhiều câu hỏi lớn cần giải quyết cho thời gian tới. Như vậy, ông Long cho rằng vai trò của truyền thông, nâng cao nhận thức cần được thúc đẩy.

“Trong năm 2025 và những năm tiếp theo, chúng tôi nhấn mạnh sự quan trọng của vấn đề con người từ Trung ương đến địa phương, trong đó vai trò thực hiện của địa phương là vô cùng cần thiết. Chính vì vậy, xây dựng năng lực của hệ thống từ trang thiết bị đến con người, hệ thống giám sát, cảnh báo là thực sự cần thiết. Vấn đề này không chỉ dừng lại ở sử dụng thuốc và phòng chống kháng thuốc mà còn liên quan đến chuỗi sản xuất nông nghiệp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…”, ông Long chia sẻ.

Bộ NN-PTNT đã không cho phép sử dụng kháng sinh với mục đích kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi từ 1/1/2018 và đang trong lộ trình giảm sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi và sẽ cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh với mục đích phòng bệnh trong chăn nuôi kể từ 1/1/2026 theo quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Ảnh: Nhân Dân.

Bộ NN-PTNT đã không cho phép sử dụng kháng sinh với mục đích kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi từ 1/1/2018 và đang trong lộ trình giảm sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi và sẽ cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh với mục đích phòng bệnh trong chăn nuôi kể từ 1/1/2026 theo quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Ảnh: Nhân Dân.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Thú y cũng nhấn mạnh sự cần thiết của phối hợp đa ngành và sự  hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong triển khai Chiến lược về phòng chống kháng thuốc trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, kháng thuốc là mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển của toàn cầu, đòi hỏi phải có hành động đa ngành, khẩn cấp để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố, kháng thuốc là 1 trong 10 mối đe dọa sức khỏe công cộng hàng đầu mà nhân loại phải đối mặt. Việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của các vi sinh vật kháng thuốc.

Ông Khoa nhấn mạnh rằng, tại một số khu vực vùng sâu, vùng xa đã xuất hiện trường hợp trẻ em nhiễm các chủng vi sinh vật kháng thuốc kháng sinh thế hệ mới. Đây là thực trạng đáng báo động, yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều đơn vị, đặc biệt là ngành nông nghiệp, môi trường và các cơ quan y tế, nhằm kiểm soát và hạn chế sự lan rộng của tình trạng kháng thuốc.

Ông cũng cho biết, Việt Nam đang học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia và chuyên gia quốc tế để xây dựng hệ thống dữ liệu về kháng thuốc và sử dụng kháng sinh, bao gồm dữ liệu trong y tế và nông nghiệp. Việc thu thập thông tin về mức độ tiêu thụ kháng sinh sẽ giúp các cơ quan chức năng theo dõi, đánh giá và triển khai các biện pháp can thiệp hiệu quả, tiến tới kiểm soát tình hình kháng thuốc tại Việt Nam một cách bền vững.

Bà Erin Kenney, Trưởng nhóm Chăm sóc sức khỏe toàn dân, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam chia sẻ điểm nhấn tuyên bố chính trị tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc, ít nhất 70% kháng sinh được sử dụng phải nằm trong các nhóm hẹp và 80 quốc gia phải có năng lực thực hiện xét nghiệm vi khuẩn và kháng kháng.

Bình luận