Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

Bình luận · 8 Lượt xem

Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Sau hàng chục năm gắn bó với miền núi Lào Cai, làm đủ nghề mưu sinh, ông Nguyễn Tiến Dũng ở tổ 2 phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai) đã quyết định khởi nghiệp với nghề nuôi dúi má đào ở tuổi ngoài 50. 

Trước đó, ông đã làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Khi ngành khai thác khoáng sản ở Lào Cai thịnh vượng cũng không thiếu dấu chân của ông. Bước ngoặt chuyển sang nuôi dúi má đào dù không liên quan đến những kinh nghiệm ông tích lũy được, song ông vẫn tin có thể thành công vì mình xuất thân từ con nhà nông. 

"Tôi tình cờ thấy mô hình nuôi dúi khi đến chơi nhà người bạn ở dưới xuôi. Sau đó tôi bắt đầu tìm hiểu và thấy nuôi dúi mang lại giá trị kinh tế cao, lại phù hợp với nơi mình sinh sống ở Lào Cai. Vì vậy tôi quyết định đầu tư trang trại nuôi dúi má đào", ông Dũng chia sẻ. 

Cũng theo chủ trang trại này, hiện có 3 loại dúi khá phổ biến gồm dúi mốc, dúi má đào và dúi đột biến. Trong đó dúi đột biến thường được nuôi làm cảnh, trong khi hai loại dúi còn lại được nuôi thương phẩm để lấy thịt. 

Khi thấy nhu cầu tiêu dùng thịt dúi đặc sản ngày càng cao, ông Dũng quyết định chọn nuôi dúi má đào sinh sản cung cấp cho các hộ nuôi thương phẩm. Loài này có ưu điểm vượt trội là dễ thích nghi với môi trường, lớn nhanh, khỏe, ít dịch bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loài dúi khác.

“Việc bán dúi thịt lợi nhuận cũng cao nhưng không thể bằng nuôi dúi má đào sinh sản. Lợi nhuận từ việc bán dúi giống cao hơn hẳn so với gà, vịt, lợn… Chăn nuôi dúi không khó, không tốn nhiều công sức và thời gian bởi mỗi ngày chỉ cần cho ăn một lần, không cần cho uống nước nên chuồng trại luôn khô và tương đối sạch sẽ, không có mùi. Tuy nhiên, vẫn phải vệ sinh chuồng trại để tránh xảy ra dịch bệnh“, ông Dũng cho hay. 

Thịt dúi rất thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao vì thức ăn của chúng chỉ là tre, mía, ngô, khoai... Các loại thức ăn này đều dễ kiếm trong tự nhiên hoặc mua ngoài chợ nên chi phí nuôi rất rẻ.

Mỗi cặp dúi bố mẹ có thể sinh sản từ 3 - 8 con mỗi lứa. Ảnh: Hải Đăng.

Mỗi cặp dúi bố mẹ có thể sinh sản từ 3 - 8 con mỗi lứa. Ảnh: Hải Đăng.

Trong khuôn viên hơn 200m2, trại nuôi dúi má đào của ông Dũng được xây dựng bằng gạch đỏ và lợp mái tôn. Xung quanh trại được trồng những cây gỗ lớn cùng một vài luống rau xanh để có sẵn thức ăn cho dúi.

“Khi dúi đẻ tốt thì có lãi nhiều, nhưng muốn vậy chuồng trại phải tốt. Chuồng trại nên xây ở những nơi mát mẻ. Mùa hè có thể bật thêm điều hòa, bơm nước lên mái để duy trì nhiệt độ khoảng 28 - 30 độ C. Khi chuồng đã mát thì có thể sử dụng quạt để giảm tiêu hao điện năng”, ông Dũng chia sẻ.

Các chuồng nuôi dúi được ông phân chia thành các ô, không xây dựng cầu kỳ, chỉ ghép từ những viên gạch lát sàn 60 x 60 x 60cm. Nhờ được bố trí khoa học nên chuồng nuôi rất thuận tiện cho vệ sinh và cho dúi ăn. Dưới mỗi ô nuôi được rải lót một lớp vôi bột. Lớp lót này giúp phòng chống nhiều loại dịch bệnh, khử trùng một cách tự nhiên…  

Hiện đang vào cuối năm nên trang trại chỉ duy trì khoảng 55 cặp bố mẹ dúi má đào. Các tháng cao điểm trong năm, trang trại có thể nuôi tới 500 cặp dúi để xuất bán dần, tùy thuộc nhu cầu thị trường.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, mỗi cặp dúi má đào bố mẹ có thể sinh sản từ 3 - 8 con/lứa. Tuy nhiên, để đảm bảo cho dúi giống khỏe mạnh, trong 2 năm, ông chỉ cho các cặp bố mẹ phối giống và đẻ tối đa khoảng 5 lứa. 

Sau khoảng 1,5 tháng, con giống có thể xuất chuồng. Mỗi cặp dúi má đào giống (đực và cái) hiện có giá từ 3 - 4 triệu đồng. Còn cặp dúi bố mẹ có giá khoảng 25 triệu đồng.

Trung bình hằng năm, ông xuất chuồng khoảng 3 đợt giống, thu về khoảng 600 - 700 triệu đồng/đợt. Thời gian còn lại, con giống được bán lẻ cho những hộ mới nuôi hoặc muốn thử nghiệm mô hình chăn nuôi này. 

Hiện nay, trang trại của ông Dũng là cơ sở liên kết của Hợp tác xã Dúi giống Đức Giang tại Lào Cai. Hợp tác xã hiện liên kết với khoảng 200 trang trại ở các tỉnh, thành. Riêng trang trại của ông Dũng do tham gia vào Hợp tác xã nên được chọn làm cơ sở sản xuất giống và có thể bán đi được nhiều nơi.

Theo ông Dũng, ưu điểm khi tham gia Hợp tác xã là được thụ hưởng nhiều lợi ích hơn tự nuôi nhỏ lẻ vì trong chuỗi liên kết có thể được giới thiệu khách hàng, được chuyển giao kỹ thuật nuôi và hỗ trợ xử lý dịch bệnh. Có nhiều hộ khi tham quan mô hình của ông đã bỏ trâu, bò sang nuôi dúi vì thấy hiệu quả rõ rệt, trong khi thời gian thu hồi vốn nhanh.  

Bình luận