Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Bình luận · 14 Lượt xem

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2024, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với HTX Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm và phát triển khuyến nông đô thị.

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm của xã Văn Đức thu hút được nhiều khách tham quan. Ảnh: Hải Tiến.

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm của xã Văn Đức thu hút được nhiều khách tham quan. Ảnh: Hải Tiến.

Hiệu quả sản xuất tăng 15 - 17%

Mô hình được thực hiện với diện tích 24ha gieo trồng các loại rau, cải xanh (3ha), cà chua (3ha) và cải bắp (18ha). Các hộ tham gia mô hình được tập huấn quy trình sản xuất VietGAP trên cây rau, được hỗ trợ hạt giống cà chua, cải xanh, cải bắp, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón theo quy định. Cùng với đó, HTX còn đối ứng vốn làm thêm 2.500m2 nhà lưới trồng rau, tưới nước phun mưa theo công nghệ Israel và hơn 100m2 nhà mái lá trưng bày các loại nông cụ cổ truyền ở nước ta như cày, bừa, liềm, hái, quang, sọt, thúng, nia, nong, dần, sàng, rổ, rá, cối xay, áo mưa, cối giã gạo.

Hiện cây rau đang trong thời kỳ sinh trưởng sinh thực, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh hại, sẽ cho thu hoạch vào cuối tháng 12/2024. Dự kiến năng suất các loại rau sẽ tăng quân bình khoảng 10,5% so với sản xuất ngoài mô hình.

Mô hình đã được ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với HTX Nông nghiệp Tạ Vững (Lục Nam, Bắc Giang). Trong đó, rau cải xanh đã thu hoạch xong, cho năng suất 25 - 27 tấn/ha, doanh thu/ha canh tác/vụ đạt 210 - 230 triệu đồng, lãi thuần 100 - 110 triệu đồng/ha. Ước năng suất của các loại rau còn lại như cải bắp trên 35 - 38 tấn/ha, doanh thu 170 - 180 triệu đồng/ha, lãi thuần 90 - 110 triệu đồng/ha; cà chua đạt từ 48 - 50 tấn/ha, doanh thu khoảng 320 - 350 triệu đồng/ha, lợi nhuận 140 - 160 triệu/ha. Bước đầu, mô hình đã thu hút được một số du khách đến tham quan, trải nghiệm canh nông, giúp tăng khả năng mở rộng quy mô sản xuất và tiêu thụ, tăng hiệu quả sản xuất trong mô hình từ 15 - 17%.

Các vườn sản xuất cải bắp VietGAP trong mô hình. Ảnh: Hải Tiến.

Các vườn sản xuất cải bắp VietGAP trong mô hình. Ảnh: Hải Tiến.

Bà Đinh Thị Luyến, cán bộ chỉ đạo kỹ thuật của HTX Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức cho biết, năng suất rau trong mô hình cao hơn ngoài sản xuất đại trà là do được điều tra, phát hiện sâu bệnh sớm, phun thuốc phòng trừ kịp thời khi vết bệnh mới phát sinh, sâu non đang tuổi 1. Nhờ đó, tỷ lệ sống của cây giống sau trồng đạt tối đa, cây rau không bị giảm tốc độ sinh trưởng, sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, bán được giá cao hơn.

Bà Đinh Thị Trang trồng 2.160m2 cải xanh, thu hoạch được 5.500kg rau, tương đương năng suất đạt 25,4 tấn/ha, xuất hết cho siêu thị Aeon, cân đối thu chi cho thấy hiệu quả sản xuất tăng 15,5% so với các hộ trồng cải xanh ngoài mô hình. Theo bà Trang, đáng kể nhất trong trồng rau VietGAP là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học, sau phun thuốc (sinh học) người không thấy mệt mỏi, chán ăn.

Chung nhận xét với bà Trang, ông Đặng Xuân Phúc (trong mô hình) trồng 3.420m2 (9,5 sào) cải bắp từ giữa tháng 10, hiện cây rau đang cuốn bắp nhanh, dự kiến sẽ cho thu hoạch từ 30/12/2024 - 05/01/2025, năng suất rau chắc chắn đạt 1,3 tấn/sào (36 tấn/ha). Rau của ông Phúc cũng đã được HTX Nông nghiệp Tạ Vững ký hợp đồng bao tiêu trọn gói.

Ông Phúc cho rằng, thu nhập của người làm nghề nông thường không cao, hiệu quả sản xuất bấp bệnh, nếu không đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm làm nông để nâng cao giá trị thu nhập/ha canh tác thì vựa rau Văn Đức sẽ dần bị mai một.

Nhân dân các địa phương trong khu vực đến tham quan mô hình sản xuất cà chua VietGAP gắn với du lịch trải nghiệm ở xã Văn Đức. Ảnh: Hải Tiến.

Nhân dân các địa phương trong khu vực đến tham quan mô hình sản xuất cà chua VietGAP gắn với du lịch trải nghiệm ở xã Văn Đức. Ảnh: Hải Tiến.

Khai thác tiềm năng du lịch địa phương

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức cho biết, từ lâu, HTX đã có ý tưởng gắn các vùng sản xuất rau xanh trong xã với du lịch nông nghiệp trải nghiệm nhưng chưa biết bắt đầu làm từ đâu. Phải tới năm 2024, được Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn triển khai thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm và phát triển khuyến nông đô thị, HTX mới quyết định đầu tư làm thêm nhà lưới, nhà trưng bày nông cụ nhằm thu hút nhân dân trong vùng, nhất là các cháu thanh, thiếu niên sống trên địa bàn Hà Nội tới tham quan, thực hành trồng, chăm sóc các loại rau để nâng cao hiểu biết về quá trình phát triển của nền nông nghiệp nước nhà. Qua đó, giúp các cháu thấy được sự vất vả của nghề nông và trân quý những người đang một nắng hai sương, làm ra các loại nông sản thiết yếu trong bữa ăn hàng ngày của gia đình. Đồng thời còn góp phần hướng nghiệp cho các cháu và thúc đẩy tiêu thụ rau trên địa bàn.

Văn Đức là địa phương giàu truyền thống cách mạng. Xã Văn Đức đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Mới đây, xã còn được UBND thành phố Hà Nội công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu. Cạnh đó, địa bàn xã cũng có rất nhiều di tích lịch sử như đền thờ Chử Đồng Tử (một trong Tứ thánh bất tử của Phật giáo Việt Nam), được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia; đình Chử Xá và lăng Chử Cù Vân (thờ thân phụ và thân mẫu Đức Thánh Chử Đồng Tử); đình Trung Quan được Bộ Văn Hoá - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật; 4 cây sung và cây vối cổ thụ được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Làng Chử Xá (xã Văn Đức) còn là nơi sinh ra Đức Thánh Chử Đồng Tử, hàng năm, vào ngày 18 tháng giêng dân làng Chử Xá vẫn tổ chức Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung nhằm tôn vinh vẻ đẹp của tình yêu lứa đôi. Lễ hội này cũng được nhà nước xếp hạng di tích văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.

Hai cây vối trên địa bàn xã Văn Đức được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Ảnh: HTX Văn Đức.

Hai cây vối trên địa bàn xã Văn Đức được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Ảnh: HTX Văn Đức.

Đặc biệt, xã Văn Đức còn nằm ở vị trí ven sông Hồng, có bến phà Văn Đức thuận tiện cho liên thông đường thuỷ với các địa phương đồng bằng Bắc bộ; có xe buýt từ nội đô kết nối với trung tâm xã, dễ dàng cho đi lại bằng đường bộ.

Là xã nông thôn mới kiểu mẫu, Văn Đức có hạ tầng giao thông nông thôn và nội đồng rất tốt, có ao hồ, khuôn viên cây xanh sạch đẹp, thơ mộng... tạo nên khung cảnh trên bến dưới thuyền sầm uất, sinh động, cuốn hút mọi du khách đến tham quan. Đây là những nền tảng vững chắc cho phát triển sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm và phát triển khuyến nông đô thị bền vững.

Xã Văn Đức có khoảng 230ha chuyên canh rau các loại, mỗi năm sản xuất được khoảng 30.000 tấn rau củ quả như cà chua, cà tím, cải bắp, cải thảo, su hào, súp lơ, ngô ngọt, bầu, bí, mướp... Trong đó có 30ha rau VietGAP, còn lại đều sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ đó, mùa nào thức ấy, Văn Đức đều có rau an toàn xuất bán ra thị trường.

Ngoài ra, HTX Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức còn liên kết với thị xã Mộc Châu (Sơn La) để thu mua, cung ứng cho người tiêu dùng các sản phẩm rau trái vụ ở đồng bằng sông Hồng không có hoặc khan hiếm.

Ông Trần Xuân Điệu, Chủ tịch UBND xã Văn Đức đánh giá, mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm đã góp phần tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ, khả năng cạnh tranh và xúc tiến thương mại rau xanh tại khu vực nội đô nói riêng, toàn thành phố Hà Nội nói chung.

Bình luận