Tại tỉnh Sơn La, Dự án GREAT giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2017-2022, tổng vốn đầu tư trên 202 tỷ đồng. Giai đoạn này, dự án cùng với các đối tác đã áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo có hiệu quả để xây dựng, phát triển hệ thống thị trường trong các ngành hàng nông nghiệp, du lịch và gia tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt phụ nữ dân tộc thiểu số.
Trong lĩnh vực du lịch, triển khai trên địa bàn huyện Mộc Châu, dự án hỗ trợ vận hành mô hình du lịch cộng đồng bản Tà Số, xã Chiềng Hắc; hỗ trợ 17 hộ làm dịch vụ homestay tại bản Vặt, xã Mường Sang nâng cấp mô hình du lịch cộng đồng; hỗ trợ kỹ thuật vận hành chợ đêm du lịch tại thị trấn Nông trường Mộc Châu. Đồng thời, xây dựng và xuất bản cuốn sách “Cẩm nang du lịch Mộc Châu”, “Quy trình phát triển du lịch cộng đồng”, Website “Du lịch Tà Số”. Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý, làm dịch vụ các tổ, nhóm homestay, văn nghệ... Mô hình và các hoạt động dự án đã góp phần thúc đẩy du lịch cộng đồng, tạo việc làm và tăng thu nhập cho các hộ, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế địa phương.
Bên cạnh kết quả đạt được, bài học từ đại dịch Covid-19 và kinh nghiệm của Dự án GREAT giai đoạn 1 cho thấy, các khoản đầu tư vào du lịch cộng đồng và hộ gia đình tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không có sự phối hợp và liên kết chặt chẽ với các hoạt động đầu tư khác của nhà nước và khu vực tư nhân. Do đó, Dự án GREAT giai đoạn 2 sẽ tập trung vào việc tạo ra những cơ hội bền vững, giúp mang lại lợi ích lâu dài cho phụ nữ dân tộc thiểu số về thu nhập và việc làm ổn định.
Dự án GREAT 2, được triển khai từ năm 2023-2027, vốn đầu tư hơn 250 tỷ đồng, trong đó vốn ODA không hoàn lại 236 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh 1,5 tỷ đồng. Dự kiến hơn 15.000 phụ nữ; trong đó, có 70% là phụ nữ dân tộc thiểu số tại tỉnh Sơn La sẽ hưởng lợi. Dự án có 3 hợp phần chính: Phát triển hệ thống thị trường lĩnh vực nông nghiệp và du lịch; chiến lược hỗ trợ tiếp cận tài chính, chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp do nữ làm chủ, truyền thông thay đổi hành vi; hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách.
Hoạt động đầu tiên Dự án GREAT giai đoạn 2 triển khai trong tháng 9 vừa qua là việc tổ chức Hội thảo “Quản lý điểm đến du lịch phát triển bền vững”. Tại hội thảo, các đại biểu là đại diện các doanh nghiệp, HTX kinh doanh dịch vụ du lịch, đại diện cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, nông nghiệp của tỉnh, giảng viên ngành Du lịch và Khởi nghiệp, Viện kinh doanh Quản trị, Trường Đại học VinUniversity, đại diện Công ty TNHH Clickable... đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình quản lý điểm đến hiệu quả, phát triển du lịch bền vững. Trong đó, tăng cường hiệu quả đầu tư du lịch thông qua gắn kết giữa doanh nghiệp và cộng đồng địa phương, giữa ngành du lịch và nông nghiệp; có 3 trụ cột cơ bản để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, gồm: Bảo vệ môi trường; tôn trọng cộng đồng địa phương; tạo ra lợi ích kinh tế công bằng. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối các tuyến, điểm du lịch; giúp nâng cao năng lực cộng đồng, vì các làng du lịch cộng đồng thường thiếu khả năng thiết kế và vận hành các dịch vụ du lịch và lưu trú, rất cần phải có sự hướng dẫn thực hành bởi các chuyên gia du lịch trong các dự án.
Với 12 khu du lịch, điểm du lịch đã được công nhận; trong đó, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu và vùng lòng hồ thủy điện Sơn La được quy hoạch vào hệ thống du lịch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã giúp cho du lịch của tỉnh khẳng định trên bản đồ du lịch Việt Nam. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, Sơn La đón khoảng 5 triệu lượt du khách, doanh thu gần 6.000 tỷ đồng, mức tăng trưởng 13%/năm. Mục tiêu, lộ trình cụ thể, đối tượng mà dự án GREAT 2 đã và đang triển khai, sẽ góp phần thay đổi tư duy, tăng cường sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, HTX. Từ đó, những khó khăn dần được tháo gỡ, thúc đẩy du lịch địa phương ngày càng phát triển, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế.