Để liên kết '4 nhà' trong nông nghiệp thực sự hiệu quả?

Bình luận · 26 Lượt xem

Theo các chuyên gia, hiệu quả từ việc liên kết “4 nhà” trong nông nghiệp (Nhà nước – Nhà khoa học – Doanh nghiệp – Nông dân) rất quan trọng, tuy nhiên cần phải có sự đồng bộ, trong đó vai trò của Nhà nước là rất quan trọn

Góp ý tại Diễn đàn Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2025, được tổ chức sáng nay (19/12), ông Ngô Xuân Chinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, IASVN) nêu quan điểm, hiện nay Việt Nam hướng tới nền kinh tế phát triển bền vững, Net zero như cam kết của Chính phủ đến 2050. "Tuy nhiên, để xây dựng nền nông nghiệp bền vững không phát thải thì phải hướng tới phát triển bền vững ở những mặt gì?", ông Chinh đặt câu hỏi.

-9442-1734596280.jpg

Để xây dựng nền nông nghiệp bền vững không phát thải cần hướng tới phát triển bền vững và có cam kết dài lâu, dài hạn...

Theo ông, việc hướng tới phát triển vững nhưng thực tế có duy trì và cam kết đó có dài hạn hay không, đó mới là yếu tố quan trọng. Điều này mang tính chất đặc thù từ kinh tế, xã hội, chính trị, địa lý văn hóa... để làm sao có thể xây dựng chiến lược kế hoạch phát triển bền vững phù hợp với quốc gia. Theo đó, các nguyên tắc cơ bản về phát triển bền vững, gồm:

Thứ nhất, nguyên tắc phát triển bền vững hiện nay cần thực hiện trên nguyên tắc về sự ủy thác của nhân dân, đó là nguyên tắc làm sao thay mặt nhân dân trong từng giai đoạn thực hiện điều này. Nguyên tắc này rất quan trọng, đảm bảo việc thực hiện xuyên suốt để phát triển bền vững.

Thứ hai, nguyên tắc bình đẳng giữa thế hệ. Ví dụ với ĐBSCL chúng ta thấy rằng trước đây là lũ về, còn nay là thiếu nước. Bình đẳng giữa các thế hệ cho thấy nếu chúng ta không áp dụng nguyên tắc này mà cứ khai thác hết tài nguyên khoáng sản không dành cho con cháu thì đến 2050 con cháu chúng ta hoặc thế hệ xa hơn nữa không còn gì để ứng phó và phát triển.

Thứ ba, các nguyên tắc như nguyên tắc phòng ngừa rủi ro, phân quyền, ủy quyền, người sử dụng phải trả tiền.... Ví dụ các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng ngừa sâu bệnh hại, nhưng khi gây ô nhiễm thì người sử dụng đã trả tiền hay chưa. Nguyên tắc này chính là việc bán tín chỉ carbon chúng ta đang hướng tới.

Việt Nam là đất nước sản xuất nông nghiệp, có diện tích lúa nước, diện tích rừng, hệ sinh thái nông nghiệp rộng lớn. Chúng ta hướng tới thực hiện 1 triệu ha trồng lúa theo đề án Chính phủ đề ra, thực hiện theo cam kết giảm phát thải ròng bằng 0, đặc biệt sẽ tiết kiệm được tài nguyên.

"Việc đưa vào xử lý rơm rạ tại đồng ruộng hiện đã có chế phẩm xử lý vi sinh chỉ xử lý trong 5-7 ngày đã trở thành phân bón tái sử dụng lại cho đất... ĐBSCL trước đây có lũ về thì có tầng mùn, nay thì như sông Hồng, nếu không đưa phân hữu cơ vào tái sử dụng đất sẽ có nguy cơ bạc màu", ông Chinh nói thêm.

Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, đã đến lúc đặt bài toán phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới Net zero là làm sao để hiện thực hóa được. Đây là bài toán cần thời gian lâu dài, bền bỉ.

Theo chia sẻ của ông Huỳnh Văn Thòn, Lộc Trời đã rất thành công với mô hình cánh đồng mẫu lớn nhưng hiện nay cũng vẫn còn nhiều lúng túng khi thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa phát thải thấp. Ông cho rằng, nguyên nhân là do việc thực hiện chưa đồng bộ cả về quản lý, cơ chế chính sách và vẫn mạnh ai nấy làm.

Từ thực tế đó, ông Thòn đưa ra hai kiến nghị. Thứ nhất, cần thiết có sự tham gia chỉ đạo, lãnh đạo như một người “nhạc trưởng” để triển khai và hiện thực hóa các chương trình đã đề ra. Thứ hai, là vấn đề chính sách cho vay, đặc biệt là cho vay nhanh chóng và thuận lợi với người nông dân. Ông cho rằng có như vậy mới từng bước để hiện thực hóa mục tiêu đang được đề ra.

Đại diện từ các hợp tác xã tại Long An, ông Trần Hoài Bảo – Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Long An, cho biết, khi nghe đề án 1 triệu hecta lúa bản thân rất vui mừng và Liên minh Hợp tác xã tỉnh Long An đã chủ động thực hiện các diện tích canh tác theo chương trình này. Việc thực hiện còn nhiều khó khăn nhưng Liên minh đã mạnh dạn để từng bước đưa các hợp tác xã vào thực hiện.

Từ thực tế triển khai, ông Trần Hoài Bảo đưa ra 2 đề xuất. Thứ nhất, chủ trương chính sách cần đồng bộ triển khai nhịp nhàng. Bên cạnh đó, việc triển khai liên kết 4 Nhà trong nông nghiệp cần thực hiện tốt hơn. “Dù công tác triển khai liên kết 4 Nhà đã nói nhiều nhưng còn lỏng lẻo và chưa hiệu quả, đa số là mạnh ai nấy làm” – ông Bảo nói.

Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Long An, để đảm bảo quyền lợi của nhà nông, địa phương rất cần việc kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc cung cấp đầu vào và bao tiêu đầu ra, trong đó đặc biệt cần đảm bảo minh bạch nguồn gốc vật tư kỹ thuật, phân bón, giá thành,... đầu vào đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn. Ông Bảo đồng thời nêu ví dụ về “nạn” phân bón giả, cơ cấu phân bón không phù hợp và giá thành cao...

Câu chuyện này theo ông Bảo đã nói nhiều nhưng vẫn chưa có sự liên kết tốt và việc cung cấp đầu vào và đầu ra phải cùng có trách nhiệm.

Đưa ra góp ý thêm về câu chuyện liên kết 4 Nhà, theo PGS. TS Nguyễn Văn Sánh, đầu tiên là phải có cấu trúc thị trường. Mỗi sản phẩm, cá, tôm... dù sản phẩm đó có là sản phẩm OCOP hay không thì cũng phải cần tiềm năng thị trường, đối thủ cạnh tranh, hạ tầng thị trường và chính sách. Những yếu tố này thuộc về Nhà nước phải làm.

“Đối với doanh nghiệp là câu chuyện cạnh tranh, với nông dân là lợi nhuận. Do đó, yếu tố thị trường, vai trò của Nhà nước là rất lớn, tạo ra khung chính sách và đầu tư hạ tầng thị trường, có như vậy cơ hội của doanh nghiệp và người nông dân mới có thể thực hiện được”, PGS. TS Nguyễn Văn Sánh chia sẻ.

Cũng theo PGS. TS Nguyễn Văn Sánh, để có thể đo được hiệu quả thị trường thì dù sản xuất sản phẩm nào cũng cần phải có chất lượng đồng nhất, lượng đủ. Thời điểm thị trường càng cao thì giá thành càng hạ. Đây là công việc mà các nhà khoa học phải làm để nghiên cứu cấu trúc thị trường và thực hiện thị trường. Nếu làm được như vậy, sự tham gia của “4 nhà” và chức năng của từng nhà mới rõ ràng.

Hồng Hương

Bình luận