'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vùng cam Hà Giang

Bình luận · 13 Lượt xem

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có múi (Viện Nghiên cứu Rau quả) phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Giang tìm giải pháp khắc phục vùng cam suy thoái.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có múi (Viện Nghiên cứu Rau quả) phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang vừa tổ chức hội thảo đầu bờ, tham quan mô hình áp dụng quy trình sản xuất cam bền vững, khắc phục suy thoái, tăng hiệu quả kinh tế. Hội thảo cung cấp thông tin về đề tài nghiên cứu hiện trạng và giải pháp khoa học giúp phát triển bền vững cây cam ở địa phương.

Những nguyên nhân suy thoái

Thứ nhất là do giống. Người trồng cam tại Hà Giang đa số tự chiết cành để trồng hoặc mua cây giống bằng cành chiết, cây giống được nhân bằng phương pháp ghép mắt nhưng giống không rõ nguồn gốc, cây giống được làm trong bầu nhỏ khiến bộ rễ bị xoắn ngay từ ở vườn ươm.

Cây dùng làm gốc ghép không phải là cây bưởi chua hay trấp chua, cành chiết và mắt ghép không khai thác trên những vườn cây đầu dòng, vườn cây ưu tú. Do đó, sau khi trồng ra ngoài sản xuất cây cam phát triển bình trường nhưng sau trồng từ 3 đến 5 năm, cây bắt đầu có hiện tượng vàng lá, thối rễ.

Nguyên nhân suy thoái thứ hai liên quan đến quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam. Theo TS Cao Văn Chí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có múi (Viện Nghiên cứu Rau quả), tại Hà Giang, đất trồng cam ở chu kỳ 2 và 3 không được cải tạo trước khi trồng chu kỳ mới; một số diện tích đất người dân trồng tự phát, không nằm trong vùng quy hoạch trồng cam.

Ngoài ra, người trồng cam vẫn còn áp dụng kỹ thuật trồng sâu làm cho cây cam bị nghẹt rễ, kém phát triển ngay từ những năm đầu thời kỳ kiến thiết cơ bản.

"Người trồng không chặt rễ cọc trong thời kỳ kiến thiết cơ bản (2 - 3 năm đầu sau trồng), để rễ cọc cây cam phát triển tự nhiên, rễ cọc cây cam phát triển mạnh trong những năm đầu gặp mạch nước ngầm dẫn đến hiện tượng bị thối rễ cọc, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây", TS Chí cho biết thêm.

Cũng phải kể đến việc các vườn cam không đảm bảo được nước tưới đủ ẩm trong mùa khô, vào mùa khô thường để bộ rễ tơ của cây cam bị khô và hỏng. Do đó khi vào mùa mưa, bộ rễ tơ đã bị hỏng, bị nấm bệnh và tuyến trùng tấn công gây hại.

Với vấn đề phân bón, người trồng cam đa phần vẫn sử dụng phân bón đơn, tỷ lệ các gia đình trồng cam chuyển sang dùng phân bón hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng và phân bón tổng hợp thường xuyên còn ít, do đó cây bị thiếu dinh dưỡng.

Trong quá trình chăm sóc, người dân chưa sử dụng phân chồng hoai mục để cải tạo đất hoặc có sử dụng nhưng phân chuồng chưa qua ủ hoai mục hoặc có ủ nhưng không đúng kỹ thuật, khi bón vào đất nguồn nấm bệnh và tuyết trùng gặp điều kiện thuận lợi nhân nhanh và tấn công bộ rễ tơ cây cam làm cho bộ rễ tơ cây cam bị thối và cây sinh trưởng, phát triển kém.

Khảo sát vườn cam sành của gia đình bà Hoàng Thị Tuyên (xã Yên Hà, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang). Ảnh: CVC.

Khảo sát vườn cam sành của gia đình bà Hoàng Thị Tuyên (xã Yên Hà, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang). Ảnh: CVC.

Bên cạnh đó là việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ. Điển hình là người dân chưa am hiểu về thuốc bảo vệ thực vật, còn sử dụng những thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, sử dụng với liều lượng cao, không theo hướng dẫn của nhà sản xuất, dùng những loại thuốc bảo vệ thực vật không đăng ký sử dụng trên cây cam.

Ngoài ra, người trồng còn sử dụng thuốc trừ cỏ thường xuyên trong vườn cam, sau mỗi lần dùng thuốc trừ cỏ làm cho bộ rễ tơ của cây cam bị tổn thương, không hút được nước và dinh dưỡng, tạo điều kiện cho nấm bệnh và tuyến trùng gây hại bộ rễ tơ khiến cây sinh trưởng, phát triển kém.

Liên quan đến vấn đề sâu bệnh hại, nghiên cứu cho thấy vùng cam Hà Giang hiện có 18 loài sâu và 10 bệnh gây hại. Một số đối tượng gây hại nặng là bệnh vàng lá thối rễ, bệnh Tristezra, bệnh Greening, bệnh loét, thối mốc lục, nhện đỏ, sâu vẽ bùa, rầy chổng cánh, bọ trĩ...

Trong đó có 3 bệnh nguy hiểm nhất gây tình trạng suy thoái vùng cam Hà Giang là vàng lá thối rễ, bệnh Tristezra, bệnh Greening, 3 bệnh này làm suy giảm năng suất từ 20,2% - 26,6%.

Giải pháp cho cam Hà Giang

Trước tình hình trên, TS Cao Văn Chí cho rằng, cần bổ sung thêm và duy trì một số giống cam chất lượng cao vào cơ cấu giống cam tại Hà Giang như giống cam chín sớm CS1, cam Xã Đoài, cam chín muộn V2, cam đường Canh.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai, lựa chọn cây đầu dòng, vườn cây ưu tú có năng suất cao, chất lượng tốt để phục vụ cho công tác nhân giống cam sạch bệnh.

Song song đó, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất giống bằng phương pháp vi ghép đỉnh sinh trưởng tạo cây S0 sạch bệnh để phục vụ công tác sản xuất cây giống sạch bệnh trong nhà lưới, hạn chế bệnh Greening và Tristeza trên cây cam.

Về vấn đề chăm sóc, TS Cao Văn Chí nhấn mạnh, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ trong vườn cam, chỉ làm sạch bằng phương pháp thủ công. Đất trồng cam phải được cải tạo thường xuyên, bón bổ sung phân hữu cơ vi sinh, vôi bột, lân hàng năm. Với phân NPK, có thể sử dụng để bón lót sau khi thu hoạch quả hoặc bón thúc trong giai đoạn ra hoa, đậu quả.

Về nước, nên ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm để quản lý độ ẩm. Điều tiết nước trong vườn cây cam cần hợp lý, nhất là vào thời kỳ ra hoa đậu quả cần phải giữ đủ ẩm khi vườn khô và thoát nước kịp thời khi trong vườn đọng nước.

Trong các giải pháp phòng trừ bệnh hại, TS Cao Văn Chí chia thành 2 trường hợp. Đối với vườn cam bị vàng lá, thối rễ với mật độ thấp, cần thoát nước tốt, làm sạch cỏ theo tán cây, bỏ cành khô, sâu hại và đảm bảo độ ẩm cho cây trong ngày nắng nóng.

Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có múi (Viện Nghiên cứu Rau quả) làm việc với Hợp tác xã sản xuất cam VietGAP ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Ảnh: CVC.

Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có múi (Viện Nghiên cứu Rau quả) làm việc với Hợp tác xã sản xuất cam VietGAP ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Ảnh: CVC.

Về thuốc, có thể phun và tưới thuốc trừ nấm bệnh Aliette 800WG, Alpine 80WG và Ridomil Gold 68WG lên cây cam và toàn bộ vùng đất trồng cam. Ngoài ra, có thể tưới thuốc trừ nhóm rệp sáp hại rễ Movento 150OD của Công ty Bayer, tuyến trùng hại rễ Syngenta Tervigo của Công ty Syngenta vào trong đất.

Cùng với đó, tưới phân kích rễ theo hình tán cây cam để bộ rễ tơ mới phát triển (có thể sử dụng phân bón TrimixDT Super Roots hoặc Trimix DT02 của Công ty Điền Trang, Bioking, đạm cá…).

Với vườn cam bị vàng lá, thối rễ với mật độ cao, cần tiêu hủy ngay những cây bị vàng lá, thối rễ nặng không có khả năng hồi phục, sau đó rắc vôi bột, tưới thuốc trừ nấm, thuốc trừ rệp sáp và tuyến trùng vào khu vực cây bị tiêu hủy để khống chế nguồn bệnh, rệp sáp và tuyến trùng lây lan.

Để cây cam Hà Giang phát triển ổn định và bền vững, vấn đề thị trường tiêu thụ cũng cần được quan tâm hơn.

Cụ thể, cần quản lý tốt chỉ dẫn địa lý cho các vùng cam tập trung. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân buôn bán cam trên địa bàn các vùng cam trọng điểm ký cam kết không thu mua cam kém chất lượng từ nơi khác vào địa bàn trà trộn với sản phẩm của vùng cam trọng điểm để tiêu thụ kiếm lời.

Khai thác tốt tiềm năng, xây dựng vùng sản xuất cam hàng hóa, gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, trong đó lấy du lịch dịch vụ, nông nghiệp chất lượng cao làm nền tảng.

Khuyến khích, định hướng cho các hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, AseanGAP, EuroGAP nhằm bảo đảm chu trình sản xuất khép kín theo hướng sản xuất sạch và an toàn để đưa quả cam vào các siêu thị lớn và xuất khẩu trong tương lai.

Đối với giải pháp về công nghệ, cần áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất cây cam. Ví dụ như cải tạo đất, áp dụng kỹ thuật trồng nổi, áp dụng kỹ thuật chặt rễ cọc của cam trong quá trình kiến thiết cơ bản. Ngoài ra, cần cắt tỉa tạo tán theo dạng hình chữ Y, cắt hạ tán với những vườn cây cam già cỗi, trên 10 năm tuổi.

Bình luận