Thứ trưởng cho biết, những năm qua Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường sức khỏe và phúc lợi động vật; đồng thời phối hợp các quốc gia trong việc kiểm soát rủi ro sức khỏe động vật thông qua phương pháp tiếp cận Một sức khỏe.
"Là một thành viên của Tổ chức Thú y thế giới, Việt Nam đã và đang đưa các mục tiêu nêu trên vào nhiệm vụ quốc gia, cụ thể hóa trong các văn bản như Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản; cũng như trong các chiến lược phát triển chăn nuôi, thủy sản; các chương trình, kế hoạch quốc gia về phòng, chống dịch bệnh động vật", ông nói.
Từ năm 2003, Việt Nam đã chú trọng và chủ động kiểm soát các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, cũng như vấn đề kháng kháng sinh trong nông nghiệp. Sau 20 năm, Khung đối tác Một sức khỏe Việt Nam về các vấn đề này được nâng lên một tầm cao mới, bằng cách phối hợp đa ngành, với sự đồng chủ trì của 3 Bộ là: Tài nguyên và Môi trường, Y tế; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo Thứ trưởng, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ban hành Kế hoạch quốc gia Một sức khỏe đa ngành về phòng, chống bệnh dịch từ động vật sang người, trong đó quy định cụ thể các nhiệm vụ, mục tiêu của khung đối tác trong giai đoạn 5 năm; cũng như xác định rõ vai trò của các bên liên quan trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Thông qua mục tiêu hành động của Tổ chức Thú y thế giới gồm: tính minh bạch, thông tin khoa học, đoàn kết quốc tế, an toàn vệ sinh, thúc đẩy dịch vụ thú y, an toàn thực phẩm và phúc lợi động vật, Việt Nam đã nhận nhiều hỗ trợ kỹ thuật.
5 nhóm nhiệm vụ được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến liệt kê. Đó là: Tổ chức 4 lần đánh giá năng lực ngành thú y; Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chặt chẽ; Tăng cường năng lực phòng thí nghiệm, sản xuất vacxin phòng bệnh động vật; Phối hợp tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của Tổ chức Thú y thế giới tại Việt Nam; Hợp tác quốc tế, thúc thẩy thương mại.
"Với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cùng sự nỗ lực không ngừng và không ngại thay đổi của ngành thú y, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong thời gian qua", lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.
Hiện Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, kể cả các bệnh nguy hiểm, lây sang người như bệnh cúm gia cầm, dại, tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi. Cùng với đó, Việt Nam đã xây dựng hơn 2.300 cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và nghiên cứu, sản xuất trên 16.000 loại thuốc thú y và vacxin phòng bệnh cho động vật, đáp ứng hơn 80% nhu cầu.
Đặc biệt, năm 2022, Việt Nam đã phối hợp các nhà khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ nghiên cứu và sản xuất thành công vacxin Dịch tả lợn Châu Phi.
Nhờ làm tốt công tác thú y, ngành chăn nuôi Việt Nam có tốc độ phát triển trung bình từ 5-6%/năm. Tính đến cuối năm 2022, tổng đàn gia cầm khoảng trên 550 triệu con, tổng đàn lợn ước đạt 26,3 triệu con và đàn trâu bò hơn 6,6 triệu con, sản lượng thủy sản tăng trưởng trung bình 3-4%/năm.
Để hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng như công tác thú y giữ đà phát triển, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị Tổ chức Thú y thế giới 5 vấn đề. Trong đó, ông lưu ý việc kiểm soát tốt tình trạng kháng kháng sinh và nghiên cứu, sản xuất các loại vacxin quan trọng.
Nhân dịp Đại hội đồng lần thứ 90, Thứ trưởng cảm ơn Tổ chức Thú y thế giới đã tạo ra cơ chế, diễn đàn để các quốc gia trên toàn thế giới đồng lòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe động vật.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cam kết tiếp tục ủng hộ và triển khai lồng ghép tốt các nhiệm vụ, mục tiêu của Tổ chức Thú y thế giới về công tác thú y vào cơ chế hoạt động quốc gia; đồng thời sẵn sàng chào đón và mở rộng hợp tác về bảo vệ sức khỏe động vật và con người.
MH (Tổng hợp)