Rào cản đầu tư vào nông nghiệp: Những nút thắt cần tháo gỡ

Bình luận · 11 Lượt xem

Để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, Việt Nam cần thu hút mạnh mẽ hơn nữa đầu tư của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thiếu quy hoạch, khó khăn trong tiếp cận đất đai và vốn đang là những trở ngại lớn.

Vẫn còn khoảng trống đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam

Mặc dù nông nghiệp Việt Nam đạt được những thành tựu đáng kể trong những năm gần đây, với sự tăng trưởng về sản xuất và xuất khẩu, thì số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này vẫn còn khiêm tốn so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Theo bà Lê Nguyễn Thiên Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách, Nghiên cứu trưởng Chuỗi Chiến lược Dữ liệu Quốc gia, thành tựu của nông nghiệp Việt Nam có sự đóng góp to lớn của doanh nghiệp, nhưng số lượng doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp trong ngành trực tiếp sản xuất nông nghiệp chỉ đạt 1,08 tỷ đồng, trong khi doanh nghiệp trong ngành chế biến sản phẩm nông nghiệp đạt 3,2 tỷ đồng lợi nhuận bình quân/năm...Song theo ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp, cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp chưa đủ mạnh, sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà nông còn chưa thật sự tốt, dẫn đến việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế.

Theo bà Huỳnh Bích Ngọc, Tổng giám đốc tập đoàn Thành Thành Công: Chúng ta vẫn còn rất nhiều mục tiêu phải làm để có được một nền tảng nông nghiệp bền vững. Đặc biệt trong các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, số lượng doanh nghiệp đầu tư còn hạn chế về số lượng cũng như kinh nghiệm. Hiện nay, cả nước có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Việc cơ cấu lại sản xuất sản phẩm nông nghiệp diễn ra theo hướng chuyển dần từ hộ sản xuất sang hình thức hợp tác xã, doanh nghiệp, nhưng với tốc độ chuyển dịch còn khá chậm. Điều này cho thấy, mặc dù có sự tăng trưởng về doanh thu của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng lợi nhuận và sự tham gia của doanh nghiệp vào các khâu sản xuất trực tiếp vẫn còn nhiều hạn chế.

Rào cản nào đang kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp?

Việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp đang gặp phải nhiều khó khăn, trở thành rào cản lớn cho sự phát triển bền vững của ngành. Theo bà Lê Nguyễn Thiên Nga, hiện nay, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất. Quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là quy hoạch các vùng nguyên liệu, chưa được triển khai một cách hiệu quả và ổn định, gây cản trở cho việc lập kế hoạch sản xuất dài hạn.

Quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn của doanh nghiệp. Việc tiếp cận đất đai thông qua các hình thức như nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất còn gặp nhiều vướng mắc.

 Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất.
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất.

Bên cạnh đó, do thiếu các quy định cụ thể về định giá tài sản trên đất nông nghiệp, khiến việc xác định giá trị tài sản bảo đảm trong cho vay gặp khó khăn, hạn chế khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp.

Ngoài ra, hệ thống thuế và phí trong nông nghiệp hiện nay còn nhiều bất cập. Các quy định về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu chưa thực sự khuyến khích sản xuất trong nước, mà còn tạo ra nhiều rào cản đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các loại phí như phí kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, phí kiểm dịch thú y... cũng làm tăng đáng kể chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

Để tháo gỡ những nút thắt trên, bà Lê Nguyễn Thiên Nga cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng xây dựng hệ thống dữ liệu thống nhất về quỹ đất nông nghiệp, vùng nguyên liệu, tạo cơ sở khoa học cho quy hoạch và quản lý sử dụng đất hiệu quả. Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách tạo điều kiện cho việc chuyển đổi và tích tụ đất nông nghiệp, đảm bảo cân đối lợi ích của các bên liên quan. Thí điểm các mô hình tích tụ đất quy mô lớn tại một số địa phương để nhân rộng kinh nghiệm. Ban hành các chính sách ưu đãi mạnh mẽ để thu hút đầu tư vào nghiên cứu, phát triển giống cây trồng mới, công nghệ bảo quản và chế biến, xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực khoa học công nghệ, kết quả nghiên cứu của các viện, trường.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người dân, hợp tác xã, hiệp hội, doanh nghiệp. Bộ đề xuất cơ chế chính sách và biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, các nhân là thành viên phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ chuyển đổi số và đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, thương mại nông, lâm, thủy sản...

Hải Yến
Bình luận