Trung Quốc đang bước vào kỳ nghỉ dài nhất trong năm. Trip.com, công ty vận hành nền tảng đặt phòng Ctrip lớn nhất đất nước tỷ dân cho biết lượng đặt chỗ cho chuyến du lịch nước ngoài của khách Trung cao gấp gần 20 lần so với cùng kỳ nghỉ lễ năm ngoái.
Sau khi Thái Lan thông báo chương trình miễn thị thực, lượng đặt phòng khách sạn của khách Trung Quốc tại xứ Chùa vàng tăng 6.220 % so với cùng kỳ năm ngoái. Thái Lan được dự đoán là điểm đến hàng đầu của du khách Trung Quốc trong kỳ nghỉ lần này, theo sau là Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Australia và Vương quốc Anh.
Tháng 9, chính phủ Thái Lan công bố chính sách miễn thị thực (visa) cho khách du lịch Trung Quốc và Kazakhstan, áp dụng từ 25/9 đến 24/2 năm sau. Chính sách này được đưa ra đúng thời điểm "tuần lễ vàng" của người dân Trung Quốc. Tuần lễ vàng là kỳ nghỉ lễ dài nhất ở Trung Quốc kết hợp Trung thu và quốc khánh, bắt đầu từ 29/9 và kéo dài tới 6/10.
Gary Bowerman, người sáng lập Check-in Asia, công ty nghiên cứu và tiếp thị du lịch, cho rằng chiến lược miễn thị thực mới của Thái Lan tạo hiệu ứng tốt khi hướng đúng dịp cao điểm tuần lễ vàng của người Trung Quốc, kỳ nghỉ Giáng sinh, Tết Nguyên đán sắp tới.
Không chỉ nới lỏng chính sách visa, các quan chức Thái Lan có những động thái cụ thể thể hiện mong muốn thu hút khách Trung Quốc. Hôm 25/9, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin và các quan chức du lịch ra sân bay Suvarnabhumi (sân bay quốc tế Bangkok) chào đón, tặng quà du khách Trung Quốc vừa đáp chuyến bay đến từ Thượng Hải.
Ông Srettha tin tưởng động thái nới lỏng chính sách visa "thúc đẩy nền kinh tế một cách đáng kể".
"Chúng tôi mong muốn đón nhiều du khách Trung Quốc hơn nữa, không chỉ tại các thành phố lớn như Chiang Mai, Bangkok, Pattaya và Phuket. Hy vọng du khách sẽ ghé thăm cả các thị trấn nhỏ, có thời gian lưu trú dài và tăng chi tiêu", thủ tướng Thái Lan nói.
Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan, quốc gia này đón gần 11 triệu lượt khách Trung Quốc trong năm 2019, chiếm hơn 1/4 tổng lượng khách quốc tế. Trong 9 tháng đầu năm 2023, khách Trung Quốc chỉ còn 2,2 triệu lượt.
Trong 7 tháng đầu năm, Trung Quốc lần đầu tiên vắng mặt trong danh sách các thị trường lớn nhất gửi khách đến Thái Lan sau một thập kỷ, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan công bố hồi tháng 8.
Đầu năm, nhiều người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc bày tỏ lo ngại khi đến thăm Thái Lan, vì tin đồn du khách có thể bị bắt cóc và đưa qua biên giới để làm việc trong các trung tâm lừa đảo ở Myanmar hoặc Campuchia. Hashtag "tại sao mọi người không muốn đi du lịch Thái Lan" thu hút 420 triệu lượt xem trên Weibo và là chủ đề thảo luận sôi nổi hàng đầu trên trang mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc này hồi tháng trước. Nhiều người dùng nói họ sợ bị dụ vào các cơ sở lừa đảo. Một số cho rằng quá trình cấp thị thực thời điểm đó mất quá nhiều thời gian.
Sisdivachr Cheewarattanaporn, chủ tịch Hiệp hội Đại lý du lịch Thái Lan, nói "những tin tiêu cực về du lịch Thái Lan" đã hối thúc chính phủ xây dựng lại niềm tin của khách Trung Quốc. Ông nói thêm những tin đồn "sai sự thật" và các hoạt động bất hợp pháp đó đang diễn ra ở Myanmar và Campuchia chứ không phải Thái Lan. Bỏ qua chuyện tăng trưởng chậm những tháng qua, ngành du lịch Thái Lan đang đặt cược vào sự bùng nổ du khách Trung Quốc trong các kỳ nghỉ lễ sắp tới.
"Tình hình đang tốt hơn, các công ty du lịch đã sẵn sàng đón khách", Sisdivachr nói.
Không riêng Thái Lan, các nước Đông Nam Á hy vọng thị trường Trung Quốc đóng góp cho sự phục hồi ngành du lịch. Tuy nhiên, kể từ khi mở cửa đầu năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc trì trệ, đồng nhân dân tệ xuống giá, người dân hạn chế du lịch nước ngoài. Các điểm đến khu vực Đông Nam Á phụ thuộc nhiều vào nguồn khách Trung phải giảm bớt kỳ vọng và chuẩn bị cho một chặng đường dài hơn để phục hồi.
Người sáng lập công ty nghiên cứu du lịch Check-in Asia nói xu hướng du lịch nước ngoài của người Trung Quốc thay đổi nhiều sau đại dịch. Lượng lớn du khách nước này đang tìm kiếm những trải nghiệm du lịch khác biệt với ngân sách thấp