Dịch tả heo Châu Phi là mối quan tâm hàng đầu của nhà khoa học

Bình luận · 28 Lượt xem

Dịch tả heo Châu Phi lây lan nhanh, tỷ lệ chết cao gây ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhà khoa học, người chăn nuôi.

Gây ảnh hưởng sâu rộng tới kinh tế nông nghiệp

Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, hiện các loại dịch bệnh nguy hiểm phổ biến là các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, viêm da nổi cục trâu bò, cúm gia cầm, dịch tả ở Châu Phi và bệnh dại động vật. Đó là các dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Đối với bệnh dịch tả heo Châu Phi, xảy ra tại Việt Nam trong 100 năm qua đã có khoảng 4.000 nghiên cứu trên thế giới nhưng chưa vacxin. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và sự chung tay của các nhà khoa học ngành thú y, vacxin thương hiệu Việt Nam đầu tiên trên thế giới đã ra đời.

Theo TS. Nguyễn Văn Vui, Trưởng Bộ môn Chăn nuôi - Khoa Nông nghiệp và Thủy sản - Trường Đại học Trà Vinh, bệnh dịch tả heo Châu Phi là một trong những dịch bệnh được ưu tiên quan tâm hàng đầu của các nhà chăn nuôi cũng như nhà khoa học. 

Nguyên nhân, do bệnh có tính lây lan nhanh, tỷ lệ gây chết cao ở heo, nhất là người chăn nuôi chưa chú trọng chọn vacxin để phòng bệnh. Chính vì lý do đó, các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu các biện pháp phòng bệnh cũng như phát triển thêm các vacxin.

Các bệnh khác như lở mồm long móng, viêm da nổi cục, cúm gia cầm cũng như bệnh dại cũng là các bệnh rất nguy hiểm. Tuy nhiên, đối với các bệnh này hiện tại đã có biện pháp phòng cũng như kiểm soát hiệu quả hơn.

TS Nguyễn Văn Vui lấy ví dụ, đối với bệnh lở mồm long móng hoặc viêm da nổi cục, chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn vật nuôi và ảnh hưởng đến nền kinh tế. Còn đối với bệnh dại tác động chủ yếu lên chó mèo và tiềm ẩn nguy cơ lây sang người, nếu chưa được tiêm phòng đầy đủ.

Do đó, dịch tả heo Châu Phi được xem là ưu tiên cao nhất đối với tỉnh Trà Vinh vì nó ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế và khó kiểm soát.

TS. Nguyễn Văn Vui, Bộ môn Chăn nuôi, Khoa Nông nghiệp và Thủy sản, Trường Đại học Trà Vinh. Ảnh: Minh Đảm.

TS. Nguyễn Văn Vui, Bộ môn Chăn nuôi, Khoa Nông nghiệp và Thủy sản, Trường Đại học Trà Vinh. Ảnh: Minh Đảm.

Tăng cường chủ động giám sát dịch bệnh

Với những mức độ nguy hiểm như trên, tỉnh Trà Vinh thực hiện Kế hoạch 80 của Sở NN-PTNT ban hành ngày 25/1/2024 về phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh nguy hiểm trên động vật trên cạn và thủy sản.

Để chủ động phát hiện kịp thời các loại dịch bệnh, ông Trương Công Lý, Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh - Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh cho biết, đã phối hợp với các đơn vị và các địa phương liên quan tổ chức thực hiện nhiều biện pháp.

Thứ nhất, chủ động giám sát dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi, đến từng ấp khóm. Đồng thời thông tin tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi để phát hiện sớm và kịp thời xử lý. Tiến hành lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh và khoanh vùng xử lý ngay khi dịch bệnh xảy ra, không để dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trên diện rộng.

Thứ hai, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện lấy mẫu giám sát định kỳ lưu hành virus đối với các bệnh như dịch tả heo Châu Phi, viêm da nổi cục trâu bò, cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc… để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Lấy mẫu giám sát tiêm phòng để đánh giá mức độ bảo hộ của vacxin đối với đàn vật nuôi. Ngoài ra, còn lấy mẫu giám sát tại các cơ sở vùng an toàn dịch bệnh. Kết quả lấy mẫu từ đầu năm đến nay, kết quả 4 mẫu dương tính với virus dịch tả heo Châu Phi và các bệnh khác cơ bản âm tính, ổn định.

Ngành chức năng Trà Vinh thực hiện công tác dập dịch tả heo Châu Phi. Ảnh: Minh Đảm.

Ngành chức năng Trà Vinh thực hiện công tác dập dịch tả heo Châu Phi. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Trương Công Lý cho biết thêm, đối với quá trình kiểm soát dịch bệnh trong vận chuyển mua bán. Đặc biệt là vận chuyển gia súc gia cầm từ bên ngoài vào, ngành chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đội kiểm tra liên ngành để kiểm tra trên các trục lộ giao thông.

Kiểm tra ở các trạm kiểm dịch đầu mối để phát hiện các trường hợp vận chuyển không phép. Xử lý rốt ráo tất cả các trường hợp đó để đảm bảo an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao nhận thức cộng đồng

Nhận xét về công tác phòng chóng dịch bệnh tại ĐBSCL nói chung cũng như tại Trà Vinh nói riêng, ông Nguyễn Văn Vui cho rằng, nhìn chung đã đạt được những tiến bộ đáng kể nhưng vẫn đối mặt với những thách thức.

Về công tác phòng chống dịch đã đạt được một số thành tựu đáng chú ý. Về việc phòng ngừa cũng như giám sát dịch bệnh, các cơ quan địa phương đã chủ động trong việc tiêm phòng vacxin trên đàn gia súc, gia cầm đối với các bệnh truyền nhiễm. Hệ thống giám sát, kiếm soát dịch bệnh được thực hiện thông qua việc đặt các chốt dịch để ngăn chặn việc vận chuyển gia súc từ các vùng này sang vùng khác.

Chính quyền địa phương các cấp đã tổ chức việc tuyên truyền cho người dân biết về tình hình dịch bệnh, cũng như đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi. Qua đó, giúp cho người dân biết được cách vệ sinh chuồng trại cũng như kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là nâng cao kiến thức về việc tiêm phòng vacxin phòng bệnh cho vật nuôi.

Đối với tỉnh Trà Vinh cũng như các tỉnh ĐBSCL, khi dịch bệnh nguy hiểm xảy ra, các cấp chính quyền đã phản ứng nhanh, kịp thời khoanh vùng tiêu diệt ổ dịch hạn chế lây lan sang các vùng lân cận.

Bình luận