Giảm chi phí nhờ áp dụng kỹ thuật mới
Ứng dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước và ngập khô xen kẽ (AWD - Alternative Wet and Dry technology) nhằm giúp giảm chi phí sản xuất cho nông dân, là giải pháp tiết kiệm năng lượng trong tưới nước phục trong canh tác lúa. Thông qua việc giảm số lần bơm nước và lượng nước tưới vào ruộng trên một diện tích nhất định, từ đó tiết kiệm chi phí nguyên liệu xăng dầu và năng lượng điện phục vụ tưới tiêu. Vì vậy, việc triển khai áp dụng các mô hình tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm cho lúa là vô cùng có ý nghĩa. Nhiều năm nay, nông dân An Giang được tập huấn nắm vững kiến thức kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trong canh tác lúa và từng bước áp dụng thành công vào sản xuất lúa như quy trình “1 phải 5 giảm” góp phần giảm chi phí tăng lợi nhuận.
Kể từ vụ đông xuân 2023, ông Nguyễn Văn Bé, nông dân xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn tham gia thí điểm trồng 1ha lúa áp dụng tưới tiết kiệm nước cho lúa, kết hợp ứng dụng “1 phải 5 giảm” và “3 giảm 3 tăng” theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp An Giang. Kết quả cho thấy việc áp dụng tưới tiết kiệm nước cho lúa giúp quản lý tốt ở mặt sâu bệnh, tiết kiệm nguồn nước ngọt, lúa xanh tốt phát triển mạnh, nhẹ công chăm sóc… Đặc biệt hơn là giảm lượng phân bón khoảng 25 - 30% so với canh tác truyền thống, thay vì trước đây trung bình chi phí cho vụ lúa đông xuân thường tốn khoảng 1,6 - 1,8 triệu đồng/công, nhờ áp dụng mô hình mới này chi phí giảm xuống còn khoảng 1,2 - 1,3 triệu đồng/công.
Đánh giá tính hiệu quả của mô hình, ông Bé tự hào nói, áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trên đồng ruộng nên năng suất luôn cao và giảm được chi phí ở khâu thuê người bơm nước và giảm bón phân, giảm 1 - 2 lần phun xịt sâu bệnh so với ruộng canh tác theo truyền thống. Điển hình như vụ lúa đông xuân vừa rồi, gia đình ông Bé thu hoạch 1ha lúa, năng suất đạt 1,1 - 1,2 tấn/công, còn vụ hè thu đạt năng suất 850 - 900 kg/công, bán giá từ 6.700 - 6.800 đồng/kg. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, gia đình ông Bé còn lãi khoảng 40%/vụ.
Ông Nguyễn Văn Bé cho biết, từ khi thấy việc áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước cho lúa đem lại hiệu quả thiết thực, cho nên bước sang vụ lúa đông xuân năm 2024, gia đình ông mở rộng hết diện tích đất của gia đình là 3ha để áp dụng kỹ thuật mới này vào đồng ruộng.
Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, cho biết, hiện nay, sản xuất nông nghiệp đang phải đương đầu với hàng loạt thách thức dưới tác động của biến đổi khí hậu, cụ thể là nguồn tài nguyên nước đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trước bối cảnh đó, phát triển kỹ thuật tưới nước tiết kiệm nhằm khai thác sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước trong nông nghiệp đã trở thành xu thế chung của nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Ứng dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước giúp giảm chi phí sản xuất cho nông dân, là giải pháp tiết kiệm năng lượng trong canh tác lúa, thông qua việc giảm số lần bơm nước và lượng nước tưới vào ruộng trong mỗi đợt bơm tưới, từ đó tiết kiệm chi phí nguyên liệu xăng dầu và năng lượng điện phục vụ tưới tiêu.
Nông dân An Giang cũng được tập huấn nắm vững kiến thức kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trong canh tác lúa và từng bước áp dụng thành công vào sản xuất lúa như quy trình tác lúa theo “1 phải 5 giảm” góp phần giảm chi phí tăng lợi nhuận.
Theo ông Thọ lý giải, canh tác lúa theo giải pháp tưới ướt khô xen kẽ một cách hợp lý, có thể giúp người trồng lúa giảm lượng khí phát thải nhà kính từ 20 - 30% so với để ngập nước liên tục. Tỷ lệ giảm này có giá trị rất lớn vì sản xuất lúa gạo đang phát thải khí mêtan chiếm đến 15 - 25% lượng khí mêtan toàn cầu. Giải pháp tiếp theo là giảm lượng phân đạm vô cơ để giảm phát thải oxit nitơ. Phân đạm vô cơ được thay bằng phân bón hữu cơ, cũng có nghĩa sử dụng triệt để rơm rạ để làm phân bón. Việc này đem lại lợi ích kép, vì không còn tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng nên cũng giảm phát thải khí các bon.
Một giải pháp mới được khuyến cáo nhiều nhất
Kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, ngập khô xen kẽ do Viện nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) chuyển giao cho Cục Bảo vệ thực vật năm 2005 và được triển khai thử nghiệm thành công tại An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ và nhiều vùng trong cả nước. Kỹ thuật này được xem là biện pháp cho hiệu quả cao (giảm được 25 - 50% số lần tưới và giảm tỷ lệ đổ ngã) và được khuyến cáo nhiều nhất. Ở ĐBSCL, một số nơi có địa hình cao thường thiếu nước vào mùa khô, trồng lúa tiết kiệm nước được xem như là một phương thức canh tác mới có triển vọng.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV An Giang cho biết, An Giang là một trong những tỉnh có sản lượng lúa lớn nhất ở vùng ĐBSCL và cả nước với sản lượng trên 4,2 triệu tấn lúa hàng hóa/năm. Bước đầu An Giang đã ứng dụng hiệu quả chương trình “3 giảm 3 tăng” năm 2001. Từ năm 2005 nhờ sự chuyển giao kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trên ruộng lúa của IRRI, An Giang đã triển khai công nghệ này và đã xây dựng đề án tưới tiết kiệm nước trên lúa nhằm giúp nông dân giảm thêm chi phí tưới nước trong canh tác lúa.
Chương trình tưới tiết kiệm nước được thực hiện đầu tiên ở ĐBSCL tại phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên, do Chi cục Trồng trọt - BVTV An Giang thực hiện trong vụ thu đông 2005 với 19 nông dân được mời làm thí nghiệm về biện pháp kỹ thuật mới cho cây lúa kết hợp “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”. Bằng việc đặt ống theo dõi mực nước trong ruộng và áp dụng biện pháp tưới ướt khô xen kẽ.
Qua các năm thực hiện chương trình, bà con nông dân đã đánh giá lợi ích chung của chương trình mang lại như cây lúa cứng cáp hơn, bông lúa dài và nhiều hạt chắc hơn, giảm được sự đổ ngã của cây lúa do rễ ăn sâu hơn, giảm được số lần bơm nước, giảm chi phí đầu vào trong sản xuất lúa. Vì vậy năng suất cao hơn 0,5 tấn/ha so với ruộng nông dân sản xuất bình thường.
Từ đó, diện tích ứng dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trên lúa ngày càng được mở rộng. Tính đến nay đã có hàng trăm ngàn lượt hộ nông dân đã ứng dụng với diện tích trên diện tích khoảng 500 ngàn ha.
Kết quả khảo sát trong vụ đông xuân gần đây tại An Giang, số lần bơm nước trên ruộng trình diễn là 6,5 lần/vụ so với ruộng đối chứng 7,8 lần/vụ, trung bình giảm 1,3 lần/vụ; trong vụ hè thu số lần bơm nước là 6,3 lần/vụ so với ruộng đối chứng 7,3 lần/vụ, số lần bơm nước trung bình giảm 1 lần/vụ. Tiết tiết kiệm tiền bơm nước hơn 117.000 đồng/ha trong vụ đông xuân và 90.000 đồng/ha trong vụ hè thu, lúa vẫn phát triển tốt, hạn chế được sự đổ ngã do rễ ăn sâu hơn, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trong canh tác lúa.
Đối với các cánh đồng thuộc diện trong các trạm bơm điện, áp dụng tưới tiết kiệm nước giảm trung bình 1 lần bơm nước/vụ, tương đương 117.000 đồng/ha. Hiện nay, với diện tích 230.000 ha/vụ đông xuân cả tỉnh được phục vụ tưới tiêu bởi các trạm bơm điện, có áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước thì kết quả mang lại tiết kiệm được trên 22 tỷ đồng chi phí xăng dầu.