Nghệ An phải có bộ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao

Bình luận · 8 Lượt xem

Giai đoạn 2024 – 2030 Nghệ An sẽ chi hơn 39 tỷ đồng để nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp, đây là nội dung mang tính then chốt.

Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, hiện toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 174.000ha rừng keo, diện tích khá quy mô nhưng đa phần là rừng nguyên liệu gỗ nhỏ, chất lượng, năng suất rừng trồng chưa cao.

5 năm trở lại người trồng rừng hoang mang tột độ khi một số dòng keo hom biểu hiện thoái hóa, dễ bị dịch bệnh tấn công, dần dà kéo theo tình trạng chết róc, hoặc sinh trưởng chậm, cho sản lượng thấp. Trong khi đó thị trường cây giống nhộm nhoạm, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh tự phát mọc lên nhưng việc kiểm soát gần như bỏ ngỏ, thành thử chẳng biết đường nào mà lần.

Số đông chuyên gia đánh giá, ngành lâm nghiệp Nghệ An có nhiều dư địa để “hóa rồng” trong tương lai, điều này càng được kiểm chứng thông qua việc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Bộ ngay trên địa bàn tỉnh này.

Lý thuyết là thế nhưng để vươn mình thành thủ phủ lâm nghiệp của toàn vùng Bắc Trung Bộ, thậm chí là cả khu vực miền Bắc, trước mắt Nghệ An phải có cho mình bộ giống cây lâm nghiệp xứng tầm. Dẫu khó nhưng có thể làm được, tham vọng của tỉnh được chứng minh qua Đề án nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp giai đoạn 2023 – 2030. Mục tiêu chung là nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp theo hướng cải thiện phẩm chất di chuyền, tăng năng suất, chất lượng rừng trồng, phát triển theo vùng sinh thái.

Cải thiện chất lượng nguồn giống là điều bắt buộc. Ảnh: KL.

Cải thiện chất lượng nguồn giống là điều bắt buộc. Ảnh: KL.

Đến năm 2030 sẽ thiết lập hệ thống nguồn giống đảm bảo chất lượng di truyền, nâng tỷ lệ cây giống được kiểm soát nguồn gốc đạt 95%, sinh khối rừng trồng tăng trưởng từ 20 – 25m3/ha/năm.

Cùng với đó sẽ tăng cường quản lý nhà nước thực hiện kiểm tra, kiểm soát giống và hoạt động sản xuất, cung ứng, sử dụng cây lâm nghiệp theo quy định. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý gắn với hoạt động nghiên cứu, chọn tạo. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống hoàn thiện hạ tầng, cơ sở vật chất. Đặc biệt là đưa vào vận hành trung tâm sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao thuộc Khu lâm nghiệp công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ và hệ thống các vườn ươm vệ tinh.

Từ cơ sở đó, Nghệ An phấn đấu đến năm đáp ứng khoảng 41.500.000 cây giống các loại/năm và 1.500.000 – 2.000.000 cây giống lâm sản ngoài gỗ để kết hợp trồng dưới tán rừng.

Để chủ trương đi đến được đích, từ kết quả đánh giá thực tiễn mới đây UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 2889/QĐ-UBND ngày 30/10/2024 “Phê duyệt điều chỉnh Đề án nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp giai đoạn 2024 – 2030 nhằm thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.

Nghệ An xác định cần trên 39 tỷ đồng để thực hiện Đề án này, trong đó xây dựng hệ thống vườn ươm “ngốn” phần lớn kinh phí với 33,2 tỷ đồng, rải cho 3 hạng mục trọng tâm là xây dựng vườn ươm; cải tạo, nâng cấp vườn ươm cây lâm nghiệp; hỗ trợ cây giống chất lượng cao (cây mầm mô về chăm sóc, huấn luyện) để trồng rừng. 

Bình luận