Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên xung quanh vấn đề này.
Chi phí sản xuất cao, chất lượng gạo còn thấp
Phú Yên được biết đến là vựa lúa của miền Trung, nơi có diện tích đồng bằng lớn với đất đai màu mỡ và khí hậu 2 mùa rõ rệt. Tỉnh này có hệ thống sông suối dày đặc, nguồn nước tương đối dồi dào nên thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp nói chung và ngành sản xuất lúa gạo nói riêng.
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình thủy lợi như hệ thống thủy nông Đồng Cam, hệ thống thủy lợi Tam Giang, 51 hồ chứa, 1.156 km kênh mương và nhiều trạm bơm, đập dâng các loại cơ bản cung cấp đủ nước sản xuất các loại cây trồng ngắn ngày, trong đó đảm bảo cung cấp đủ nước sản xuất khoảng 55.000 ha lúa/năm.
Phú Yên có 2 vụ sản xuất lúa chính là đông xuân và hè thu, với địa hình tương đối bằng phẳng, phân bố chủ yếu tại các huyện, thị xã như Tây Hòa, Phú Hòa, Đông Hòa, Tuy An, là điều kiện thuận lợi để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung với quy mô lớn. Một số giống lúa đặc sản vẫn được địa phương lưu giữ và sản xuất như các giống lúa gạo đỏ (Tàu Cúc, Bát Quạt, Đuôi Nai) đem lại sự khác biệt và giá trị gia tăng cao.
Phú Yên cũng là một trong các tỉnh có năng suất lúa bình quân hàng năm cao nhất vùng Duyên hải Nam Trung bộ, bình quân đạt 70 tạ/ha, góp phần ổn định an ninh lương thực của tỉnh và khả năng xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, ổn định phục vụ chế biến các sản phẩm lúa gạo khi có các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết giá trị lúa gạo trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những tiềm năng và thành tựu đạt được, sản xuất lúa tại Phú Yên còn tồn tại, hạn chế gì, thưa ông?
Đó là diện tích đất sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, bình quân khoảng 500 m2/thửa/hộ nên chúng tôi gặp rất khó khăn trong việc ứng dụng cơ giới hóa, cũng như vận động nông dân tham gia ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất theo chuỗi… Chính vì vậy chất lượng lúa gạo của tỉnh chưa đáp ứng với nhu cầu thị trường tiêu thụ hiện nay, sản xuất chủ yếu phục vụ mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực tại địa phương, chưa chú trọng đến các thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu.
Mặt khác, cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh chưa đồng đều, tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu như gieo sạ, phun thuốc, bón phân, phơi sấy… chiếm tỷ lệ thấp; việc đầu tư về công lao động thủ công dẫn đến tăng giá thành sản xuất, tăng tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch, làm giảm tính cạnh tranh đối với sản phẩm lúa gạo của tỉnh.
Trong cơ cấu giống lúa của tỉnh, các giống lúa có năng suất cao chiếm tỷ trọng cao (79%). Nhưng việc sản xuất những giống chất lượng cao, giống lúa đặc sản phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh chưa được người dân quan tâm và chú trọng.
Chưa hết, tuy tỷ lệ gieo sạ giống lúa đạt tiêu chuẩn tại các địa phương đã được cải thiện, nâng cao song vẫn còn một bộ phận nông dân sử dụng lúa thịt để gieo sạ dẫn đến chất lượng lúa gạo bị giảm sút. Nông dân vẫn gieo sạ với lượng giống khá dày khoảng 120-150 kg/ha khiến chi phí đầu tư đầu vào như giống, phân bón, thuốc BVTV… tăng cao.
Đặc biệt, tỉnh Phú Yên chưa có doanh nghiệp lớn tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo, các chuỗi liên kết hiện có chủ yếu ở quy mô nhỏ và thiếu tính bền vững. Các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thực sự đóng vai trò là đầu mối liên kết giữa tổ chức, doanh nghiệp với người dân.
Việc xây dựng thương hiệu gạo trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, đầu tư nhưng chưa phát triển mạnh, chưa thu hút được các doanh nghiệp có tiềm năng tham gia đầu tư xây dựng thương hiệu gạo của tỉnh.
Tìm giải pháp giảm chi phí đầu vào
Trước những khó khăn, tồn tại trên có thể nhận thấy rằng sản xuất lúa gạo của tỉnh Phú Yên chưa phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có. Vậy để giải quyết những tồn tại, hạn chế này tỉnh Phú Yên đã và đang triển khai các giải pháp gì, nhất là giảm chi phí đầu tư đầu vào, thưa ông?
Hiện chúng tôi đang xúc tiến, đẩy nhanh việc dồn điền đổi thửa để tăng quy mô sản xuất/hộ. Cùng với đó tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các giải pháp giảm giá thành sản xuất lúa gạo như áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh trong sản xuất lúa như IPM, ICM, "3 giảm, 3 tăng"; nâng cao tỷ lệ sử dụng lúa xác nhận, giảm mật độ gieo sạ, bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đặc biệt là ứng dụng máy bay không người lái (drone) vào các khâu gieo sạ, bón phân, phun thuốc BVTV… Đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất lúa.
Triển khai thực hiện các chính sách như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Nghị định số 98 của Chính phủ và Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 10/7/2020 của HĐND tỉnh nhằm mở rộng quy mô sản xuất lúa thông qua đẩy mạnh tích tụ ruộng đất.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang rà soát, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả theo Nghị quyết số 01/2023 ngày 21/4/2023 của HĐND tỉnh. Cũng như củng cố và nâng cao năng lực sản xuất giống lúa đạt tiêu chuẩn của Trung tâm Giống nông nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm cung cấp đủ nguồn giống lúa đảm bảo chất lượng, tiến tới xây dựng thương hiệu hạt gạo Phú Yên.
Đặc biệt vào tháng 7/2022, tỉnh Phú Yên và Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, TP Cần Thơ đã ký kết bản ghi nhớ về đầu tư cánh đồng lúa chất lượng cao, theo hướng hữu cơ phục vụ xuất khẩu.
Kỳ vọng dự án liên kết 15.000 ha lúa
Ông có nói tỉnh và doanh nghiệp có bản ghi nhớ đầu tư cánh đồng lúa chất lượng cao, theo hướng hữu cơ phục vụ xuất khẩu, vậy hiện nay tiến độ triển khai đã thực hiện ra sao, thưa ông?
Trên cơ sở nội dung bản ghi nhớ, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 169 ngày 19/9/2022, trong đó đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban ngành triển khai thực hiện.
Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã đề xuất dự án vùng liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, thu mua, chế biến xuất khẩu gạo tỉnh Phú Yên có tổng mức đầu tư khoảng 590 tỷ.
Dự án dự kiến liên kết vùng nguyên liệu khoảng 15.000 ha tại các huyện, vùng trọng điểm sản xuất lúa các huyện: Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An, thị xã Đông Hòa và TP Tuy Hòa, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị chuỗi lúa gạo phục vụ nội địa và chế biến xuất khẩu; xây dựng thương hiệu gạo mạnh của doanh nghiệp, của tỉnh và quốc gia.
Ngày 8/5/2023, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Phú Yên cũng đã có tờ trình xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy về chủ trương đầu tư dự án và đã được Thường trực Tỉnh ủy thống nhất cho phép triển khai thực hiện. Và, ngày 20/6, UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản 757 quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An.
UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục đầu tư và đầu tư hoàn thành đưa dự án vào hoạt động trong vòng 30 tháng kể ngày có văn bản chấp thuận chủ trương dự án, trong đó thời gian đầu tư xây dựng hoàn thành dự án là 18 tháng. Do đó, dự án này chúng tôi rất kỳ vọng khi triển khai và đi vào hoạt động sẽ thổi luồng gió mới vào sản xuất lúa gạo của tỉnh Phú Yên.