Không mở rộng diện tích dù giá nông sản xác lập kỷ lục

Bình luận · 7 Lượt xem

Dù giá các mặt hàng nông sản tăng kỷ lục trong thời gian qua nhưng người dân cần thận trọng, không nên mở rộng diện tích, tập trung canh tác theo hướng bền vững.

Nhiều nông sản giá cao kỷ lục

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, nhiều ngành hàng nông sản giá bán đang ở mức cao như: Cà phê 115.000 đồng/kg nhân, hồ tiêu hơn 143.000 đồng/kg, mủ cao su 45 triệu đồng/tấn, chanh leo dao động 20.000 – 50.000 đồng/kg, sầu riêng 60.000 – 80.000 đồng/kg, chuối già hương Nam Mỹ 3.800 đồng/kg… Giá nông sản tăng kỷ lục là điều kiện thuận lợi để nâng cao thu nhập cho người dân, HTX và doanh nghiệp.

Giá cà phê liên tục tăng cao trong thời gian qua. Ảnh: Tuấn Anh.

Giá cà phê liên tục tăng cao trong thời gian qua. Ảnh: Tuấn Anh.

Năm 2024, tỉnh Gia Lai đạt tổng giá trị xuất khẩu nông sản hơn 800 triệu USD với các sản phẩm chủ lực là cà phê đạt hơn 620 triệu USD, cây ăn quả (chanh leo, sầu riêng, chuối…) đạt hơn 150 triệu USD…

Phấn khởi sau vụ thu hoạch cà phê, ông Nguyễn Văn Thiện (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) cho biết, gia đình có khoảng 1.400 cây cà phê, năm nay thời tiết bất lợi khiến năng suất không đạt như kỳ vọng, chỉ được khoảng hơn 10 tấn tươi. Tuy nhiên, đúng thời điểm thu hoạch, thương lái đến thu mua với giá 31.000 đồng/kg tươi, gia đình thu về hơn 300 triệu đồng. Đây là mức giá cao kỷ lục, thậm chí tăng hơn 3 lần so với 2 năm về trước, gia đình rất phấn khởi.

Trước đó, với 60 cây sầu riêng, gia đình ông Thiện cũng thu hoạch được hơn 10 tấn quả. Thương lái đến thu mua với giá 65.000 đồng/kg, mang lại cho gia đình hơn 600 triệu đồng. Không riêng gia đình ông Thiện, rất nhiều hộ dân trên địa bàn đang có một mùa vụ thắng lợi khi giá các mặt hàng nông sản vượt xa mong đợi.

Tương tự, gia đình ông Hoàng Văn Thành (xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa) cũng rất phấn khởi khi đúng vào vụ thu hoạch cà phê của gia đình thì giá tăng cao. Gia đình có hơn 1ha cà phê, thu hoạch được gần 4 tấn nhân. Thương lái đến thu mua với giá 130.000 đồng/kg.

“Với những người trồng cà phê, năm nay gần như đều có một mùa vụ thắng lợi. Riêng với gia đình tôi dự kiến sẽ thu về khoảng hơn 400 triệu đồng. Chưa năm nào gia đình có thu nhập cao đến như vậy”, ông Thành hồ hởi cho biết.

Ông Nguyễn Tấn Công, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa) cho biết, đến thời điển hiện tại, vẫn còn rất nhiều hộ dân đang trong quá trình thu hoạch cà phê. Năm nay, giá các mặt hàng nông sản tăng cao kỷ lục nên người dân trong vùng rất háo hức. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Công, mức giá này chỉ tăng đột biến và kéo dài trong bao lâu thì chưa thể biết được bởi phải phụ thuộc vào thị trường, tình hình cung, cầu.

Không mở rộng diện tích, tập trung canh tác bền vững

Theo ông Nguyễn Tấn Công, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang, để các mặt hàng nông sản phát triển ổn định, người dân cần tập trung canh tác theo hướng bền vững, trồng đa canh để tránh rủi ro.

“Không tăng diện tích một cách ồ ạt và khai thác quá mức vì sẽ khiến cây trồng phát triển không ổn định, đất đai bị thoái hóa. Điều này sẽ làm cho ngành hàng nông sản phát triển không bền vững và không có lợi về lâu dài cho người dân”, ông Công chia sẻ.

Cũng theo ông Công, với việc giá cà phê tăng cao như hiện nay, người dân sẽ lại ồ ạt trồng, giống như bài học về cây hồ tiêu cách đây 15 năm đã phát triển diện tích quá nóng khiến ngành hàng này thất bại nặng nề.

Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Sản xuất - Thương Mại - Dịch vụ - Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (HTX Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) cho rằng, giá các mặt hàng nông sản dù tăng cao nhưng đến thời điểm nào đó sẽ “hạ nhiệt”.

Sầu riêng năm nay cũng có mùa vụ thành công. Ảnh: Tuấn Anh.

Sầu riêng năm nay cũng có mùa vụ thành công. Ảnh: Tuấn Anh.

Với giá tăng cao như hiện nay, người dân đổ xô trồng cà phê, kéo theo sốt giá cây giống. Điều này không chỉ gây bất lợi cho người dân mà còn phá vỡ cấu trúc của cả ngành nông nghiệp.

“Để phát triển bền vững các mặt hàng nông sản, cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền nhằm tuyên truyền, khuyến cáo người dân, không nên chạy đua theo tín hiệu thị trường trước mắt để mở rộng diện tích. Bài học về cây chanh dây là ví dụ điển hình, ồ ạt mở rộng diện tích, sau đó bị vỡ trận vì giá thu mua quá thấp, người dân thất bại cay đắng”, ông Thanh chia sẻ.

Với việc các mặt hàng nông sản tăng cao kỷ lục, tỉnh Gia Lai đã đưa ra giải pháp phát triển bền vững. Ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, địa phương sẽ ổn định diện tích cây trồng theo kế hoạch, tránh chạy theo giá thị trường gây mất cung cầu sản phẩm. Đồng thời, tăng cường quản lý và phát triển, sử dụng vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ nhằm đảm bảo chất lượng nông sản.

Đặc biệt, Gia Lai sẽ phát triển mạnh việc kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với chế biến, tiêu thụ nhằm tạo ra sản lượng lớn theo tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hướng đến thị trường xuất khẩu.

Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường đào tạo và tuyên truyền về các quy định, tiêu chuẩn và thủ tục xuất khẩu của thị trường nước ngoài. Đồng thời nâng cao hiệu quả hệ thống cung cấp thông tin, bao gồm giá cả, cung cầu và cập nhật chi tiết các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật và các hàng rào kỹ thuật của thị trường nước ngoài.

Bình luận