Cam Gia Luận bên bờ vực tuyệt chủng vì dịch bệnh

Bình luận · 15 Lượt xem

Tôi đứng bần thần bên túp lều hoang trong vườn cam Gia Luận vàng úa của anh Vũ Hoài Nam, nguyên Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cát Hải, TP Hải Phòng.

Hoang tàn những vườn cam

Dù anh Vũ Hoài Nam đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhưng vẫn không thể cứu nổi vườn cam Gia Luận của mình. Ở đối diện là vườn cam của anh Trần Quang Quỳnh rộng cả ha cũng đang trong tình trạng tương tự.

Cam Gia Luận là đặc sản của đảo Cát Bà, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể và từng là nguồn thu nhập chính của khoảng 120 hộ ở đây sau khi huyện Cát Hải (TP Hải Phòng) thí điểm hỗ trợ, khôi phục lại nghề trồng cam truyền thống.

Anh Vũ Hữu Ngần - Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Luận (huyện Cát Bà) cho biết, trước đây tổng diện tích cam của xã vào khoảng 25 - 30ha, được người dân trồng cả trong làng lẫn ngoài thung, áng. Đỉnh cao nhất là quãng năm 2016 - 2017 sản lượng cam Gia Luận lên tới 200 tấn/năm. Với giá bán 25 - 30.000đ/kg, đã có nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm mà điển hình như gia đình ông Vũ Hữu Dũng thu 500 - 600 triệu đồng/năm. Nhưng trước đó bệnh greening đã xuất hiện và ngày một lan rộng hơn. Nhiều đoàn nhà khoa học trong cũng như ngoài nước đã về đây phục tráng giống rồi hướng dẫn bón phân, tưới nhỏ giọt nhưng kết quả không mấy thành công, bệnh vẫn hoàn bệnh.

Anh Vũ Hữu Ngần - Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Luận bên một cây cam chết khô. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Vũ Hữu Ngần - Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Luận bên một cây cam chết khô. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bản thân gia đình Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Luận trước đây cũng trồng tới 200 gốc cam nhưng chỉ trong hai năm 2015 - 2016 đã bị chết hết. “Cam trồng chỉ được 2 - 3 năm đầu là tốt, đến năm 3 - 4 hễ bắt đầu có quả là bị bệnh, trồng mới lại bị tiếp”, anh Ngần kể.

Trước khi bão Yagi kéo đến, diện tích cam Gia Luận trong làng gần như đã bị xóa sổ hoàn toàn, chỉ còn khoảng 5 - 6ha ở ngoài thung, áng như Áng Sâu, Tùng Xép, Áng Dài, Áng Nội, Áng Kê… Những diện tích này nằm dưới chân các núi đá xa, đi thuyền cả tiếng mới cập bờ rồi lại phải leo bộ một quãng lâu mới đến nhưng cũng có hiện tượng nhiễm bệnh greening lác đác.

Ông Nguyễn Văn Chạm, Nguyễn Tiến Sâm, Nguyễn Tiến Úy, Nguyễn Văn Sướng có từ vài trăm đến cả ngàn gốc cam, có cây tuổi đời 25 - 30 năm to như cây vải, trước đây mỗi vụ thu vài tạ quả nhưng cũng dần trở thành tàn tạ khi mắc bệnh greening. Bão Yagi vừa qua đã bẻ gãy hoặc làm bật gốc nhiều cây chỉ là một cú đấm bồi, "hạ knock out" cam Gia Luận khiến năm nay mất mùa nặng, tổng sản lượng ước chỉ được khoảng 10 tấn, đẩy giá bán lên tới 50.000đ/kg.

Chùm cam hiếm hoi còn sót lại trong vườn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chùm cam hiếm hoi còn sót lại trong vườn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sẽ thay cam Gia Luận bằng cam Cao Phong?

Vừa trò chuyện chúng tôi vừa len lỏi trong những vườn cam đang chết với những cành khô trơ trụi lá, trên đó đeo những quả đã chuyển sang màu đen sì. Tìm mãi, cuối cùng anh Ngần cũng hái được đôi ba quả chỉ to như cái chén và đưa cho tôi. Trông chúng rất giống quả cam Canh nhưng vị lại hoàn toàn khác, không ngọt nhạt mà ngọt chua và đằm hậu, tức sau khi ăn hương vị vẫn còn lưu lại lâu trên đầu lưỡi.

Với khẩu vị người thành phố thì thích cam Canh nhưng với khẩu vị người dân trên đảo Cát Bà lại rất thích cam Gia Luận. Vào mùa cam chín, trong các đám cưới, hội hè, cỗ bàn ở Cát Bà đều có cam Gia Luận bày trên mâm cỗ. Người ta đã từng khảo sát 50 người dân ở đảo, họ đều trả lời chỉ thích và quen ăn cam Gia Luận chứ không mua bất cứ loại cam nào khác, mặc dù giá có đắt hơn đi chăng nữa. 

Mùa thu hoạch của cam Gia Luận vào cuối thu, đầu đông. Trong cái hanh hao, khô khát của tiết trời thì vị ngọt chua có hậu của loại cam này rất thích hợp với khẩu vị của những người biết ăn của chua. Khi chín quả cam Gia Luận hằn rõ số múi qua lớp vỏ màu gấc đẹp mắt và rất mỏng nên người dân trên đảo còn gọi nó là cam giấy. Lạ lùng là cùng một hòn đảo nhưng giống cam bản địa này chỉ trồng ở Gia Luận mới cho mùi vị đặc trưng đó, mang ra các xã khác trồng thì vị đã biến chuyển nhiều, không còn được ưa chuộng nữa.

Anh Vũ Hữu Ngần - Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Luận bên một cây cam bị bệnh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Vũ Hữu Ngần - Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Luận bên một cây cam bị bệnh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xã Gia Luận đang có kế hoạch thay thế cây cam bản địa bằng cây cam Cao Phong của tỉnh Hòa Bình. Tôi hỏi có còn hi vọng gì cho cây cam Gia Luận thì anh Ngần trả lời rằng: “Nếu cam ở ngoài thung, áng giữ được 5 - 10 năm nữa, trong khi cam ở trong làng hủy hết đi, ngắt quãng chu kỳ bệnh thì có khả năng trồng lại được. Trước đây hầu như nhà nào trong xã cũng có cam nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 15 hộ, tổng diện tích khoảng 5 - 6ha còn tạm cho thu hoạch, còn số đang trong tình trạng sắp bị hủy bỏ khoảng 10ha. Nói chung, việc phục hồi cây cam Gia Luận rất khó khăn. Trong áng một số hộ dân đã ghép cành cam trên gốc cây bưởi. Khi trồng lại, gốc bưởi tuy khỏe nhưng cũng không cứu được mắt cam ghép khỏi bị bệnh”.

Bình luận