Buổi gặp và làm việc diễn ra nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ sang dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - GCC và thăm song phương Ảrập Xêút.
Sau chuyến thanh tra chuỗi sản xuất cá tra tại Việt Nam vào tháng 12/2017, Ảrập Xêút ban hành Chỉ thị số 21174 ngày 23/1/2018 tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam.
Ngay sau khi nhận được Chỉ thị nêu trên, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (trước đây là Cục Quản lý Chất lượng nông, lâm, thủy sản) thuộ Bộ NN-PTNT đã chủ động gửi nhiều văn bản tới phía Ảrập Xêút, đồng thời cung cấp đầy đủ kết quả khắc phục, các thông tin liên quan.
Sau nhiều nỗ lực trao đổi, đàm phán, ngày 22/9/2020, phía Ảrập Xêút thông báo dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thủy sản khai thác tự nhiên của Việt Nam. Đến nay, Ảrập Xêút đã chấp thuận danh sách 38 doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu thủy sản khai thác sang Ảrập Xêút. Tuy nhiên, Ảrập Xêút vẫn áp dụng lệnh đình chỉ nhập khẩu thủy sản nuôi của Việt Nam.
Để giải quyết vấn đề này, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã có các văn bản gửi Tổng cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Ảrập Xêút (SFDA) đề nghị sớm thông báo kế hoạch thanh tra thực tế tại Việt Nam đối với chuỗi sản xuất xuất khẩu cá tra sang nước này, làm cơ sở xem xét cho phép các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản nuôi vào Ảrập Xêút.
Đầu năm nay, Bộ NN-PTNT cũng có thư gửi SFDA đề nghị cử Đoàn công tác sang Việt Nam đánh giá thực tế hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đối với chuỗi sản xuất thủy sản nuôi (tôm nuôi, cá tra) trong thời gian sớm nhất, trên cơ sở đó sớm dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu đối với thủy sản nuôi của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, tại buổi gặp với phía SFDA, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị SFDA xem xét về việc cử ngay đoàn kỹ thuật sang kiểm tra các vùng nuôi trồng thủy sản và cơ sở chế biến sản phẩm thủy sản để đánh giá và công nhận theo chuỗi các sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang Ảrập Xêút. Trước mắt, đề nghị SFDA dỡ bỏ lệnh cấm cho sản phẩm tôm nuôi của Việt Nam và tiến tới dỡ bỏ toàn bộ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu đối với thủy sản nuôi của Việt Nam.
Thứ trưởng cũng đề nghị SFDA cung cấp đầy đủ quy định liên quan đến kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản nhập khẩu, bao gồm cả quy định chứng nhận Halal cho phía Bộ trong thời gian sớm nhất.
Trong thời gian tới, hai bên tiến tới ký kết Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về an toàn thực phẩm trong chuỗi sản xuất thủy sản để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước thúc đẩy thương mại. Bên cạnh đó, tăng cường trao đổi thông tin nhằm xúc tiến thương mại đối với một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như gạo, thủy sản, chè, cà phê, thịt gà chế biến và mật ong, mặt hàng Ảrập Xêút có thế mạnh gồm phân bón vô cơ và hữu cơ…, thông qua việc tổ chức các hội thảo, hội chợ và diễn đàn doanh nghiệp nhằm thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp hai nước.
Về phía SFDA, ông Hisham Saad Aljadhey nhất trí sẽ cử đoàn kỹ thuật sang Việt Nam trong thời gian sớm nhất trong năm 2023, cùng phối hợp chặt chẽ xây dựng chương trình làm việc với các địa phương và nhà máy sản xuất thủy sản.
Với đề xuất của Việt Nam, SFDA cho biết hai bên sẽ dự thảo và tiến tới ký kết Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về an toàn thực phẩm trong sản xuất thủy sản làm cơ sở cho các doanh nghiệp hai bên thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng thủy sản.
Ông Hisham Saad Aljadhey ủng hộ và sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Việt Nam để cung cấp thông tin và hướng dẫn xây dựng các tiêu chuẩn về sản phẩm Halal nhằm tạo điều kiện cho các mặt hàng sản xuất theo tiêu chuẩn Halal vào Ảrập Xêút và các thị trường Trung Đông khác.
Ông đề nghị hai bên thúc đẩy xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Ảrập Xêút trong thời gian tới.
Linh Linh