Chăn nuôi Nghệ An đạt được những chỉ tiêu quan trọng

Bình luận · 27 Lượt xem

Đối diện với hàng loạt khó khăn, thách thức nhưng ngành chăn nuôi Nghệ An vẫn đạt được những thông số ấn tượng trong năm 2024 mang tính bản lề.

Xét cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan, năm 2024 ngành chăn nuôi Nghệ An nói chung, Trung tâm giống chăn nuôi nói riêng đối mặt với không ít rào cản. Biến đổi khí hậu kéo theo nắng nóng kéo dài bất thường, tạo điều kiện cho dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi.

Nỗi lo càng chất chồng khi hình thức chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ của Nghệ An duy trì mức cao, chiếm trên dưới 70% tổng đàn, phần đa không đảm bảo kiểm soát dịch bệnh, vô hình trung làm giảm mạnh số lượng đàn lợn nái của toàn tỉnh, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thụ tinh nhân tạo (TTNT).   

Giữa bộn bề thách thức nhưng UBND tỉnh, Sở NN-PTNT, các ban ngành cấp tỉnh đã quan tâm đầu tư và chỉ đạo thông qua Nghị Quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2022 – 2025, kết hợp thế mạnh về diện tích tự nhiên cùng lực lượng lao động dồi dào đã góp phần giảm tải áp lực ngàn cân cho ngành chăn nuôi Nghệ An, từ đó tạo động lực thúc đẩy cần thiết để hoàn thành những chỉ tiêu đặt ra.

Đại biểu tham quan, đánh giá mô hình chăn nuôi gà hữu cơ tại địa bàn xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu. Ảnh: TL.

Đại biểu tham quan, đánh giá mô hình chăn nuôi gà hữu cơ tại địa bàn xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu. Ảnh: TL.

Trong năm 2024, Trung tâm giống chăn nuôi Nghệ An tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phối giống trâu, bò trên 2 phương thức: Áp dụng TTNT đối với vùng đồng bằng và núi thấp; phối giống bằng nhảy trực tiếp tại vùng núi cao.

Qua kiểm đếm toàn tỉnh, đã phối giống TTNT được 22.392 liều với gống bò lai Brahman Mỹ, 9.903 liều bò lai Brahman Úc, 13.950 liều bò BBB, 4.000 liều tinh trâu, tất cả đều đạt 100% KH.

Với phương pháp phối giống bằng nhảy trực tiếp, Trung tâm đã hỗ trợ mua 20 con bò đực giống, 85 con trâu đực giống phục vụ công tác phối giống nhảy trực tiếp cho các vùng miền núi như Quế Phong, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Tương Dương.

Xây dựng mô hình, chuyển giao tiến bộ khoa học là điểm sáng trong năm qua của Trung tâm giống chăn nuôi Nghệ An, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân tại khu vực miền Tây.

Trong năm 2024 Trung tâm giống chăn nuôi Nghệ An đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình. Ảnh: TL.

Trong năm 2024 Trung tâm giống chăn nuôi Nghệ An đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình. Ảnh: TL.

Trước tiên là mô hình chăn nuôi phát triển gà thịt tại xã Mậu Đức (huyện Con Cuông) với quy mô 100 con/ hộ, thu hút 12 hộ tham gia. Kế đó là mô hình phát triển chăn nuôi lợn thịt cũng tại huyện Con Cuông với 7 hộ hưởng lợi, mỗi hộ nuôi 3 con. Hay như mô hình cải tạo đàn bò bằng TTNT giống bò thịt chất lượng cao tại các xã Yên Hợp, Châu lộc, Châu Cường của huyện Quỳ hợp quy mô lên đến 196 con.

Tín hiệu tích cực cũng đến từ mô hình xử lý tuần hoàn chất thải chăn nuôi lợn thương phẩm tại địa bàn 2 xã Nghi Lâm, Nghi Văn của huyện Nghi Lộc với quy mô 60 con chia đều cho 2 hộ; tương tự là công tác xử lý tuần hoàn chất thải chăn nuôi gà thương phẩm triển khai tại 3 hộ chăn nuôi thuộc xã Nghi Đồng, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc; xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu với tổng số lượng hơn 10.000/mô hình.

Từ nền tảng đang có, Trung tâm giống chăn nuôi Nghệ An xác định “xây dựng mô hình, chuyển giao tiến bộ khoa học” vẫn là nội dung trọng tâm trong năm 2025.

Bình luận