Nuôi hươu kết hợp trồng tiêu

Bình luận · 12 Lượt xem

Từ kinh nghiệm trồng tiêu kết hợp nuôi dê, người dân huyện biên giới Bù Đốp đang chuyển sang kết hợp mô hình trồng tiêu kết hợp nuôi hươu.

Trước đây, anh Nguyễn Văn Quế ở thôn 2, xã Thiện Hưng từng gắn bó với nghề trồng tiêu nuôi dê. Có thời điểm, chuồng dê của gia đình anh lên đến hàng trăm con. Thế nhưng, do giá thịt dê xuống thấp, lợi nhuận không đáng kể, anh quyết định chuyển đổi sang mô hình nuôi hươu sinh sản kết hợp lấy nhung.

Tận dụng chuồng trại sẵn có và vườn tiêu hơn 1.500 trụ, chủ yếu trồng bằng trụ sống như keo và cẩm lai - thức ăn khoái khẩu của hươu, ban đầu anh Quế nuôi thử nghiệm 6 con hươu để nắm bắt tập tính sinh trưởng của chúng. Sau nhiều năm, đàn hươu đã phát triển lên hơn 20 con, trong đó có 8 con đực đang cho khai thác nhung.

Theo anh Quế, hươu là loài dễ nuôi. Để chăn nuôi hiệu quả, chuồng hươu cần thiết kế thoáng mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông, đảm bảo ánh sáng. Ngoài ra, hươu đực được nuôi riêng từng chuồng để tránh việc tấn công nhau vào mùa sinh sản, gây thương tích. Để giữ vệ sinh trại hươu, anh Quế dùng tro trấu trộn lẫn xơ dừa làm đệm lót cho các ô chuồng sạch sẽ, cách 5-6 tháng thay mới một lần.

"Để nuôi hươu đạt hiệu quả, nguồn thức ăn phải đầy đủ và đảm bảo độ tươi xanh, mỗi ngày cho ăn hai lần vào các buổi sáng và chiều. Đặc biệt, giai đoạn hươu lấy nhung cần bồi bổ thức ăn có hàm lượng tinh bột cao để nhung đạt trọng lượng lớn, bán được giá", anh Quế chia sẻ.

Để hươu dễ tiêu hóa, anh Quế xây nhuyễn thức ăn phối hợp với men vi sinh. Ảnh: Trần Trung.

Để hươu dễ tiêu hóa, anh Quế xây nhuyễn thức ăn phối hợp với men vi sinh. Ảnh: Trần Trung.

Anh Quế cho biết thêm, hươu là loài dễ nuôi, ít tốn chi phí nhờ tận dụng nguồn thức ăn sẵn có. Hươu đực 24 tháng tuổi có thể bắt đầu khai thác nhung. Mỗi năm, nhung hươu đạt trọng lượng từ 250-800g, tùy vào thời gian nuôi và chế độ chăm sóc.

Đặc biệt, càng nuôi lâu chồi nhung càng nhiều, lợi nhuận càng cao. Nhung hươu có giá trị dinh dưỡng cao, dùng để chế biến các sản phẩm đông y và thực phẩm bổ dưỡng. Giá nhung hươu trên thị trường dao động từ 23-25 triệu đồng/kg.

Ngoài khai thác nhung, anh còn nuôi hươu sinh sản để cung cấp giống. Hươu cái mang thai khoảng 7,5 tháng, mỗi năm đẻ một con. Hươu giống 6 tháng tuổi được bán với giá 15-17 triệu đồng/con, trong khi thịt hươu có giá 450.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, với 1.500 trụ tiêu vụ vừa qua đem lại thu nhập cho gia đình anh hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Với mô hình kết hợp này, sau khi trừ chi phí, anh Quế lãi khoảng 300 triệu đồng/năm.

Chuồng hươu được anh Quế thiết kế thông thoáng, cùng đệm lót sinh học giúp hươu mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Ảnh: Trần Trung.

Chuồng hươu được anh Quế thiết kế thông thoáng, cùng đệm lót sinh học giúp hươu mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Ảnh: Trần Trung.

"Hươu ăn ít, chỉ bằng 1/3 lượng thức ăn của dê nên tiết kiệm đáng kể chi phí chăn nuôi. Để đảm bảo sức khỏe đàn hươu, tôi thường thêm muối hoặc đá liếm để bổ sung khoáng chất. Trong trường hợp hươu bị bệnh tiêu hóa, tôi dùng các biện pháp dân gian như cho ăn lá ổi hoặc chuối xanh để chữa trị. Nhờ chăn nuôi an toàn, không dùng hóa chất, sản phẩm tới đâu đều được đặt hàng tới đó, không phải lo chuyện đầu ra", anh Quế chia sẻ.

Ông Phạm Đình Thoại, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Hưng, cho biết đặc tính hươu cũng gần giống với dê nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn. Mô hình này khá thuận lợi với những hộ nuôi dê. Đặc biệt, mô hình nuôi hươu rất phù hợp với các hộ dân có diện tích đất nhỏ. Chỉ cần 2-3 sào đất là có thể trồng cỏ, xây dựng chuồng trại.

"Đây không phải mô hình mới, nhưng nếu hộ dân biết cách đầu tư đúng hướng, chăm chỉ chịu khó, thì rất dễ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Thành công của mô hình anh Quế là cơ sở để bà con nông dân trong xã và những vùng phụ cận có điều kiện học hỏi, mạnh dạn chuyển đổi đầu tư chăn nuôi nhằm mang lại hiệu quả cao trên cùng đơn vị diện tích canh tác",  ông Phạm Đình Thoại nhấn mạnh.

Bình luận