Giải pháp phát triển bền vững cho cây bưởi đặc sản Hà Nội

Bình luận · 28 Lượt xem

Chỉ từ năm 2020 tới nay diện tích bưởi của Hà Nội đã đạt 7.840 ha, sản lượng 114.998 tấn, giá trị 2.299 tỷ đồng/năm, tăng 402 tỷ đồng so với 4 năm trước.

Hà Nội có kho báu về các nguồn gen bưởi

GS.TS Vũ Mạnh Hải bảo với tôi rằng Hà Nội đang sở hữu một kho báu là các nguồn gen giống bưởi đặc sản, nếu biết cách khai thác thì kho báu ấy sẽ giúp cho nông dân Thủ đô làm giàu.

Theo ông Hải, lưu vực sông Đáy của thành phố được các nhà khoa học coi là một trong những cái gốc phát tích ra các giống bưởi hết sức đa dạng. Bên cạnh bưởi Diễn đã vô cùng nổi tiếng còn có những giống bưởi khác gồm bưởi đường La Tinh tại xã Đông La, bưởi Quế Dương, bưởi đường Cát Quế tại xã Cát Quế, bưởi đường Hiệp Thuận tại xã Hiệp Thuận, bưởi đào chín sớm Song Phượng tại xã Đồng Tháp, bưởi Tam Vân tại xã Vân Hà, bưởi Thồ Phú Xuyên tại xã Bạch Hạ, bưởi chua đầu tôm tại xã Sài Sơn, bưởi đỏ Đông Cao tại xã Tráng Việt…

Nhờ vậy mà Hà Nội có thể rải vụ trà sớm cuối tháng 8 - 9 gồm các giống bưởi Thồ, bưởi Cát Quế và các giống bưởi chua; trà trung tháng 10 - 11 gồm các giống bưởi Tam Vân, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi đường Quế Dương, bưởi đường La Tinh, bưởi tháng 10, bưởi Hoàng; trà muộn tháng 12 - 1 năm sau gồm các giống bưởi Diễn, bưởi đỏ bánh men. Chúng đủ để đáp ứng đa dạng về khẩu vị, thị hiếu của người tiêu dùng và có những thời điểm khi các vùng khác không có bưởi thì thực sự là một thứ quả quý và hiếm.

Bưởi Thồ Bạch Hạ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bưởi Thồ Bạch Hạ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo bà Hoàng Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội, thành phố thời gian qua đã xây dựng được 12 nhãn hiệu, 1 chỉ dẫn địa lý, đứng đầu so với các tỉnh, thành trong vùng. Đi theo hướng sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng, hiện khoảng 30% diện tích bưởi ở Hà Nội đã áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, nhờ đó mà không những quả bưởi không bị ế như nhiều tỉnh, thành lại còn được giá hơn. Điển hình như trước khi làm hữu cơ quả bưởi của xã Yên Sở huyện Hoài Đức chỉ bán được 25.000 đồng nhưng nay đã bán được 40.000 đồng và luôn trong tình trạng không đủ để cung cấp theo đặt hàng của khách. 

Để thúc đẩy xúc tiến thương mại cho quả bưởi đặc sản của Hà Nội từ năm 2021-2024, Trung tâm đã triển khai hỗ trợ được 10 cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Tổ chức được 12 đoàn cho hơn 360 người tham gia là các doanh nghiệp, hội phụ nữ, công đoàn ngành, người tiêu dùng tham quan chuỗi sản xuất tiêu thụ bưởi tại các xã Nam Phương Tiến - huyện Chương Mỹ; Cát Quế, Yên Sở - huyện Hoài Đức; Vân Hà, huyện Phúc Thọ.

Qua đó góp phần thay đổi nhận thức và tư duy tiêu dùng về sản phẩm bưởi hữu cơ, VietGAP. Hỗ trợ 120.000 tem Qrcode, 4.500 thùng, 70.000 túi đựng sản phẩm để truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Hỗ trợ quản lý vùng trồng bưởi EGAP sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ cho các xã Yên Sở - huyện Hoài Đức, Nam Phương Tiến - huyện Chương Mỹ, Thượng Mỗ - huyện Đan Phượng.

Cận cảnh múi bưởi Thồ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh múi bưởi Thồ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tiềm năng cũng như thách thức

Với vai trò có tính chất về địa lý – kinh tế, Hà Nội có sức thu hút, gia tăng mối quan hệ gắn kết trong phát triển nông nghiệp theo mô hình chuỗi khép kín với các tỉnh, thành. Quy mô dân số dự kiến đến năm 2030 của thành phố sẽ đạt hơn 10 triệu người, là thị trường tiêu thụ ổn định với nhu cầu về quả tươi rất lớn, đặc biệt là các loại sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hà Nội còn là nơi tập trung nhiều cơ sở đạo tạo, cơ sở quản lý, phát triển nông nghiệp, nhiều cán bộ có chuyên môn cao trong lĩnh vực trồng trọt, góp phần không nhỏ trong phát triển sản xuất cây ăn quả nói chung và cây bưởi nói riêng. Cây bưởi cũng rất thích hợp trong việc phát triển sản xuất theo hướng đa giá trị như phục vụ nhu cầu du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm đồng thời góp phần bảo vệ không gian xanh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho thành phố.

Bưởi đỏ Tráng Việt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bưởi đỏ Tráng Việt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tuy nhiên cũng có không ít thách thức với việc sản xuất bưởi đặc sản của Hà Nội như quy mô nhỏ lẻ, manh mún khó hoặc không áp dụng được đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, gián tiếp làm giảm năng suất, chất lượng quả và tăng giá thành sản xuất, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong giai đoạn từ năm 2015-2020 cây bưởi được phát triển nóng khiến tỷ trọng diện tích bưởi non tăng lên dẫn đến chất lượng giảm. Nhiều tỉnh, thành lân cận cũng phát triển mạnh bưởi khiến giá quả xuống thấp, khó tiêu thụ dẫn đến tình trạng một số nhà vườn ở Hà Nội không chăm sóc hoặc chặt bỏ cây để chuyển sang các loại cây trồng khác.

Thêm vào đó, trong số các giống bưởi đang trồng tại Hà Nội hiện nay, bưởi Diễn chiếm tỷ lệ lớn nhất 86,6% dẫn đến gây áp lực lên tiêu thụ dịp cuối năm. Việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu qua các thương lái theo hình thức thuận mua vừa bán, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và các doanh nghiệp nên đầu ra chưa ổn định, giá bán chưa cao.

Thu hái bưởi dịp cuối năm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thu hái bưởi dịp cuối năm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xác định rõ những tiềm năng và thách thức ấy, thành phố định hướng giữ ổn định diện tích bưởi xung quanh 7.800 ha để nâng cao chất lượng và đa dạng cơ cấu giống bưởi để rải vụ thu hoạch như bưởi Thồ, bưởi Diễn, bưởi chua đầu tôm, bưởi Tam Vân, bưởi Đường Cát Quế, bưởi La Tinh, bưởi đỏ Tráng Việt, bưởi đỏ bánh men, bưởi đường Hiệp Thuận…

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm và áp dụng các kỹ thuật mới, giải quyết các vướng mắc trong sản xuất, tiến đến hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật cụ thể cho từng giống bưởi; mở rộng diện tích áp dụng chuẩn VietGAP, hữu cơ; minh bạch, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong điều kiện biến đổi khí hậu; chú trọng khâu bảo quản quả.

Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về quản lý, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin, giới thiệu sản phẩm. Xây dựng và phát triển kênh phân phối chính thức và uy tín như siêu thị; hình thành một số cửa hàng cung ứng sản phẩm theo chuỗi. Liên kết với các doanh nghiệp, kết hợp giữa sản xuất gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm.

Các giải pháp về tuyên truyền và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm bưởi: Cập nhật thông tin về thị trường, dữ liệu sản xuất giúp người tiêu dùng và người sản xuất thuận lợi trong tìm hiểu thông tin nhanh chóng kịp thời và đầy đủ cho các nhà vườn để có định hướng sản xuất đúng. Quảng bá, giới thiệu sản phẩm bưởi thông qua các trang thương mại điện tử, mạng xã hội. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bưởi, đồng thời khuyến khích nông dân liên kết thành lập các tổ hợp tác, HTX sản xuất, kinh doanh bưởi. Vận động doanh nghiệp, nông dân tham gia làm thành viên của các chuỗi liên kết theo từng khâu (từ cung ứng vật tư đầu vào đến sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến và tiêu thụ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sản xuất theo VietGAP, hữu cơ, sinh thái) nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, an toàn và có tính cạnh tranh.

Bình luận