Sẵn sàng tiếp đón những bạn trẻ yêu nông nghiệp
“Có nhiều bạn bè quốc tế nói với mình họ muốn đến Gia Lai để được xem quy trình trồng và sản xuất cà phê. Mình thấy, đó là một trải nghiệm thú vị mà ai cũng một lần nên thử trong đời. Bạn tới đây, bạn được học rất nhiều thứ về nông nghiệp, được trải nghiệm những công việc mà một người nông dân làm. Song, bạn cũng nên chuẩn bị sẵn tinh thần không ngại khó, ngại khổ vì không phải công việc nào cũng đơn giản. Nếu đã sẵn sàng thì cứ đăng ký đến nông trại, tụi mình luôn sẵn sàng tiếp đón những bạn trẻ yêu nông nghiệp bền vững” - chị Trần Thị Kim Phùng Thủy - Chủ Nông trại Moon’s Coffee Farm (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) ngỏ lời. |
Nông trại Moon’s Coffee Farm là nơi mở chương trình tình nguyện viên nông nghiệp đầu tiên tại Pleiku nói riêng và Gia Lai nói chung. |
Nông trại Moon’s Coffee Farm là nơi mở chương trình tình nguyện viên nông nghiệp đầu tiên tại Pleiku nói riêng và Gia Lai nói chung. Theo chị Thủy, năm 2019, các dịch vụ lưu trú, trải nghiệm làm nông nghiệp và tìm hiểu đời sống của người nông dân ở vùng chuyên canh sản xuất cà phê được hình thành ở nông trại. Khi bắt đầu mở rộng diện tích lên 1 ha và chuyển dần sang phương thức canh tác bền vững, chị Thủy bắt đầu mở chương trình tiếp nhận tình nguyện viên. Chị Thuỷ nói rằng đây là cách đưa bạn bè quốc tế biết nhiều hơn đến những nét văn hóa cà phê của Việt Nam cũng như từng bước khẳng định vị thế của hạt cà phê chất lượng cao Việt Nam trên thị trường. Chị Thuỷ đăng thông tin tuyển tình nguyện viên qua trang web Workaway và khi các bạn nước ngoài có nhu cầu sẽ đăng ký. Các tình nguyện viên sẽ trải qua 3 bước tuyển dụng chặt chẽ trước khi tới với nông trại. Thông qua dự án “Tình nguyện viên trao đổi giá trị”, mỗi năm, nông trại của chị Thủy đã tiếp nhận hàng chục tình nguyện viên về với mảnh đất Pleiku. Trong đó có những bạn trẻ từ Đức, Pháp, Thuỵ Sĩ,... đến để thực hành và trải nghiệm cách làm nông nghiệp hiện đại. Qua nhiều năm vận hành, nông trại của chị Thủy đã đón hơn 200 tình nguyện viên trong nước và quốc tế. |
Mỗi năm, nông trại của chị Thủy đã tiếp nhận hàng chục tình nguyện viên về với mảnh đất Pleiku; trong đó có những bạn trẻ từ Đức, Pháp, Thuỵ Sĩ,... đến để thực hành và trải nghiệm cách làm nông nghiệp hiện đại.
“Chương trình tình nguyện viên trên nông trại đang là xu hướng của nhiều người trẻ như một dạng du lịch trải nghiệm. Ở đó, chủ nhà và tình nguyện viên đều được cho đi và nhận lại. Những tình nguyện viên đến đây hầu hết là những người yêu thiên nhiên, yêu nông nghiệp. Họ mong muốn được trải nghiệm cuộc sống của một người nông dân, học cách sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp bền vững. Làm tình nguyện viên ở các nông trại còn là cơ hội để các bạn trẻ tìm hiểu văn hóa, lối sống, trải nghiệm cuộc sống nông dân và giao lưu kết bạn với những tình nguyện viên khác” - chị Thủy cho hay. |
Tại nông trại, các tình nguyện viên sẽ được miễn phí toàn bộ chi phí sinh hoạt, ăn ở hàng ngày, kể cả cà phê, wifi,... Đổi lại, các nông dân đặc biệt này sẽ làm việc từ 6 đến 8 tiếng/ngày. |
Chia sẻ cụ thể hơn về dự án “Tình nguyện viên trao đổi giá trị”, chị Thuỷ cho biết tại nông trại, các tình nguyện viên sẽ được miễn phí toàn bộ chi phí sinh hoạt, ăn ở hàng ngày, kể cả cà phê, wifi,... Đổi lại, các nông dân đặc biệt này sẽ làm việc từ 6 đến 8 tiếng/ngày để chăm sóc vườn tược, vật nuôi, trồng cây, thu hoạch cà phê, chăm sóc nhà cửa tại nông trại. Các tình nguyện viên sẽ có nhiều ngày “sắm vai” nông dân thực thụ trên những trang trại cà phê, có thêm kiến thức trong các công đoạn chế biến rang, xay và nếm ngửi hương vị đậm đà của những ly cà phê Gia Lai. Sau khi được thử nếm, học cách phân biệt các loại hạt cà phê ưu thế của mảnh đất Gia Lai, các bạn cũng được thưởng thức hương vị của những hạt cà phê vừa rang, một thức quà ngon khó cưỡng từ cao nguyên. Chị Thuỷ còn trực tiếp hướng dẫn các tình nguyện viên đi thu hoạch cà phê, cách phân biệt để thu hái những quả đã chín đỏ, để lại những trái xanh cho lần thu hoạch tiếp theo. Chị Thuỷ cho biết:“Tình nguyện viên nông nghiệp là một xu hướng song không phải ai muốn cũng có thể làm được. Mỗi lần tuyển tình nguyện viên, chúng tôi thường phải trao đổi rõ ràng trước khi tiếp nhận để các bạn có những trải nghiệm tốt nhất. Nhiều bạn hoàn toàn không có chút kinh nghiệm gì nhưng có tinh thần hòa nhập rất tốt. Nhưng cũng có những bạn chưa chuẩn bị cho mình kĩ năng để sống trong môi trường tập thể, đa dạng quan điểm và nhiều thử thách. Bí quyết để có thể có những trải nghiệm hay là thái độ cởi mở, chân thành, chủ động, biết lắng nghe và tôn trọng sự khác biệt”. |
Các tình nguyện viên sẽ có nhiều ngày “sắm vai” nông dân thực thụ trên những trang trại cà phê. |
Trải nghiệm không chỉ để chữa lành
Không ngại khó, không ngại khổ, không đơn giản là việc trải nghiệm để chữa lành, những bạn trẻ quốc tế muốn đến nông trại để được học hỏi về nông nghiệp, hiểu về thiên nhiên và con người của mảnh đất Việt Nam. Những tình nguyện viên trong nông trại trước đó có thể là một nghiên cứu sinh, một hướng dẫn viên du lịch hay một người viết sách,... song khi trở thành tình nguyện viên, họ đều giống nhau ở chỗ sẵn sàng tối giản, sẵn sàng hoà nhập và chia sẻ về mình. |
Các tình nguyện viên quốc tế ở đây gọi mình là “thợ đụng”, bởi không những trải nghiệm về cà phê mà các bạn còn đụng gì làm nấy.
Trải nghiệm từ hạt cà phê tươi cho đến ly cà phê, Anna - một bạn trẻ đến từ nước Đức cho rằng, rất thú vị và rất nhiều năng lượng để bắt đầu một ngày mới. Anna và những người bạn của mình đã thay đổi cách nhìn về cà phê Việt Nam nói riêng và cà phê chất lượng cao nói chung. "Dù rất thích uống cà phê nhưng tôi không biết được rằng, có biết bao nhiêu công đoạn mà người nông dân đã trải qua để có được thành phẩm là những ly cà phê thơm ngon. Lần đầu tiên được tận tay làm những công việc của một người nông dân thực thụ, tôi thấy được phần nào sự vất vả của nông dân làm cà phê, minh chứng là việc di chuyển khó khăn trên các khu vườn đồi dốc, những giọt mồ hôi mà người nông dân bỏ ra để đổi lấy những ly cà phê ngon" - Anna chia sẻ. Ở đây, Cecilia (quốc tịch Pháp) gọi mình là “thợ đụng”, bởi cũng như các tình nguyện viên khác, không những trải nghiệm về cà phê, Cecilia còn đụng gì làm nấy, từ việc cho gà ăn, chẻ củi, trồng cây, hay thậm chí dọn phân bò,… Không ngần ngại việc gì, Cecilia nói rằng bản thân đã học được rất nhiều thứ, làm được rất nhiều việc. “Khi tham gia tình nguyện viên tại Moon’s Coffee Farm, mình được thỏa mãn với niềm đam mê làm nông nghiệp, được giao lưu gặp gỡ và tìm hiểu nhiều điều mới mẻ ở vùng đất xinh đẹp này. Mỗi ngày, chúng mình có sự chia sẻ, giao lưu văn hóa, trao đổi về nông nghiệp bền vững. Mình đặc biệt yêu quý mảnh đất Pleiku này” - Cecilia tâm sự. |
Maddy Wilson - cô gái 25 tuổi đến từ Anh đã chọn Moon’s Coffee Farm làm điểm đến trong hành trình khám phá của mình.
Trước khi biến mình thành một nông dân trong trang trại cà phê, Maddy Wilson - cô gái 25 tuổi đến từ Anh - làm việc cho một quỹ từ thiện chuyên đề xuất tài trợ cho những bệnh nhân ung thư. Maddy Wilson nói rằng bạn biết đến Việt Nam qua những tiết học lịch sử ở trường. Những tò mò về đất nước nhỏ bé này càng lớn dần lên khi bạn bè chia sẻ trải nghiệm thú vị về du lịch Việt Nam và Maddy Wilson mong muốn được đến đất nước xinh đẹp này một lần. Và Maddy Wilson đã chọn Moon’s Coffee Farm làm điểm đến đầu tiên trong hành trình khám phá của mình. “Dù không có chủ đích chữa lành, nhưng từ lúc đặt chân tới đây, tâm hồn và cơ thể như được hoà mình với thiên nhiên, được hít thở không khí trong lành, nghe tiếng chim hót, sống thật chậm để cảm nhận mọi thứ. Dường như những ngày ở đây mình được sạc đầy lại năng lượng của chính mình” - Maddy Wilson chia sẻ. |
Còn đối với anh bạn Jakob tới từ Thuỵ Sĩ, đây cũng là một trong những trải nghiệm thú vị của anh khi lần đầu tiên đến với Việt Nam. Jakob nói rằng: "Tôi uống cà phê mỗi ngày nhưng lại không hề biết hạt cà phê được làm ra như thế nào. Sau quá trình sinh sống ở đây, tôi sẽ không giữ cho riêng mình mà sẽ mang về nước và chia sẻ với những người bạn thân thiết của mình, rằng đằng sau ly cà phê là bao công đoạn cũng như sự vất vả của người nông dân. Lúc ở đây cùng các tình nguyện viên đến từ nhiều quốc gia, chúng tôi cũng đã trao đổi văn hóa bằng cách phân công nấu ăn từng ngày, nấu các món đặc trưng của nước mình, với nguyên liệu từ chính nông trại mình đang làm việc. Đây quả thật là một trải nghiệm tuyệt vời”. |
Bên cạnh việc được trải nghiệm làm nông nghiệp, các tình nguyện viên còn được giao lưu, chia sẻ những nền văn hoá đến từ nhiều đất nước trên thế giới. |
Tình nguyện viên nông nghiệp là một xu hướng đang được các bạn trẻ quan tâm song không phải ai muốn cũng có thể làm được. Bí quyết để có thể có những trải nghiệm hay ho là thái độ cởi mở, chân thành, chủ động, biết lắng nghe và tôn trọng sự khác biệt." Chị Trần Thị Kim Phùng Thủy |