Agribank thúc đẩy kinh tế vườn ở Tiên Phước

Bình luận · 27 Lượt xem

Vốn vay từ Agribank giúp nhiều nông dân ở huyện Tiên Phước (Quảng Nam), mở rộng mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, chuyển mình từ nông nghiệp truyền thống đến mô hình kinh tế vườn hiện đại.

Đòn bẩy từ vốn ngân hàng

Trong bối cảnh chuyển đổi nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam, Tiên Phước nổi bật như một điển hình trong việc phát triển kinh tế vườn. Với đặc thù là vùng đất có tiềm năng lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, Tiên Phước đã và đang phát triển mạnh mẽ mô hình kinh tế vườn. Trong quá trình đó, sự đồng hành của Agribank Tiên Phước đã đóng góp không nhỏ vào thành công này. Đặc biệt, thông qua các chương trình cho vay ưu đãi, Agribank đã tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, vươn lên làm giàu từ mảnh đất quê hương.

Tiên Phước là huyện nằm trong vùng trung du của Quảng Nam, nổi bật với thế mạnh phát triển nông - lâm nghiệp, đặc biệt là kinh tế vườn. Các mô hình phát triển cây ăn quả như măng cụt, sầu riêng, bưởi da xanh hay các cây công nghiệp khác… đã trở thành những “hạt giống” quý giúp người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ sản xuất nông nghiệp. Một trong những yếu tố quan trọng giúp nông dân Tiên Phước thành công chính là sự hỗ trợ về vốn tín dụng từ Agribank.

mô hình kinh tế vườn của ông Ngô Minh Hoà ở thôn Trà Lai, xã Tiên Mỹ
Mô hình kinh tế vườn của ông Ngô Minh Hoà (thứ 2 từ phải sang) ở thôn Trà Lai, xã Tiên Mỹ.

Trong những năm qua, Agribank Tiên Phước đã triển khai nhiều chương trình vay vốn ưu đãi, đồng hành cùng người dân trong việc chuyển đổi cây trồng, mở rộng quy mô sản xuất và ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Một trong những câu chuyện điển hình là mô hình kinh tế vườn của ông Ngô Minh Hoà ở thôn Trà Lai, xã Tiên Mỹ.

Nhờ vào khoản vay 200 triệu đồng từ Agribank, ông Hoà đã đầu tư trồng các loại cây ăn quả như măng cụt, sầu riêng, mít, bòn bon, cau… Những loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng của Tiên Phước và phát triển rất tốt, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông.

Không chỉ dừng lại ở đó, ông Hoà còn học hỏi kỹ thuật canh tác mới, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cho các sản phẩm trong vườn. Hiện nay, vườn cây của ông cho thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng mỗi năm.

ông Lâm Quang Bình ở thôn 5, xã Tiên Hiệp, cũng là một trong những nông dân được hưởng lợi từ nguồn vốn vay của Agribank.
Ông Lâm Quang Bình (phải) ở thôn 5, xã Tiên Hiệp cũng là một trong gương sáng về kinh tế vườn ở huyện Tiên Phước.

Tương tự như ông Hoà, ông Lâm Quang Bình ở thôn 5, xã Tiên Hiệp, cũng là một trong những nông dân được hưởng lợi từ nguồn vốn vay của Agribank. Với khoản vay 120 triệu đồng, ông Bình đã đầu tư vào mô hình kinh tế vườn kết hợp trồng rừng, chăn nuôi và trồng cây ăn quả... Mô hình này đã giúp gia đình ông phát triển vườn rừng kết hợp với trồng chuối, cam, bưởi, sầu riêng và nhiều loại cây ăn quả khác.

Nhờ vào việc áp dụng hệ thống tưới tiêu tiết kiệm và kỹ thuật canh tác hợp lý, vườn của ông Bình phát triển xanh tốt, cho thu nhập ổn định. Hiện nay, gia đình ông thu lãi hơn 300 triệu đồng mỗi năm từ vườn cây ăn quả và chăn nuôi.

Kinh tế vườn điểm sáng ở Tiên Phước

Tiên Phước đang dần trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là mô hình kinh tế vườn, không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững cho vùng đất này. Đến nay, toàn huyện đã có hơn 450 vườn mẫu, 20 trang trại đạt tiêu chí sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, có những vườn cây ăn quả có giá trị cao như măng cụt, sầu riêng, bưởi da xanh, cam, cau. Những sản phẩm này không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.

Tiên Phước đang dần trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là mô hình kinh tế vườn.
Tiên Phước đang là điểm sáng về phát triển kinh tế vườn ở Quảng Nam.

Đặc biệt, vườn cây ăn trái Tiên Phước còn được phát triển theo mô hình sinh thái đa cây, đa con, trong đó có các cây đặc sản như tiêu, thanh trà, dó, sầu riêng… Đây không chỉ là sản phẩm nông sản chất lượng cao mà còn là sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), được chế biến thành những sản phẩm tiêu biểu của ngành công nghiệp nông thôn. Việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cũng giúp Tiên Phước nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Trong những thành công đó, Agribank Tiên Phước đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn tín dụng cho các mô hình kinh tế vườn, giúp người dân tiếp cận các chương trình vay vốn ưu đãi để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

Ông Đỗ Hoàng Phương, Giám đốc Agribank Tiên Phước chia sẻ, chúng tôi luôn chú trọng phối hợp với chính quyền địa phương và các hội đoàn thể đặc biệt là hội nông dân để triển khai các hoạt động vay vốn hiệu quả. Nguồn vốn được thẩm định và giải ngân kịp thời, giúp nông dân mạnh dạn đầu tư vào những mô hình sản xuất mới, có hiệu quả.

Với mục tiêu tiếp tục đồng hành cùng người dân, Agribank Tiên Phước cam kết sẽ duy trì hỗ trợ vốn cho các mô hình sản xuất nông nghiệp, mở rộng các chương trình vay vốn để thúc đẩy phát triển kinh tế vườn, giúp Tiên Phước ngày càng phát triển thịnh vượng…

Agribank Tiên Phước cam kết sẽ duy trì hỗ trợ vốn cho các mô hình sản xuất nông nghiệp, mở rộng các chương trình vay vốn để thúc đẩy phát triển kinh tế vườn...
Agribank Tiên Phước cam kết sẽ duy trì hỗ trợ vốn cho các mô hình sản xuất nông nghiệp, mở rộng các chương trình vay vốn để thúc đẩy phát triển kinh tế vườn...

Đến nay, Tiên Phước đang là một trong những huyện dẫn đầu Quảng Nam trong việc thực hiện Nghị quyết số 35 về phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Các mô hình kinh tế vườn không chỉ nâng cao giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp mà còn đóng góp vào việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Với tiềm năng đất đai, nguồn tài nguyên phong phú và sự đồng hành của các tổ chức tín dụng như Agribank, Tiên Phước đang khẳng định vị thế là một trong những trung tâm sản xuất nông sản chất lượng cao của tỉnh.

Có thể nói, nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, các tổ chức xã hội và ngân hàng, đặc biệt là Agribank, Tiên Phước đã và đang chuyển mình mạnh mẽ. Những “tỷ phú chân đất” đang từng ngày khẳng định thành công với mô hình kinh tế vườn, góp phần đưa nông sản xứ Quảng vươn xa, mở ra hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp bền vững tại các khu vực trung du miền núi.

Nghi Lộc
Bình luận