Khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch, hữu cơ: Xu hướng của nhiều người trẻ Quảng Ngãi

Bình luận · 31 Lượt xem

TPO - Khởi nghiệp với nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đang trở thành xu hướng, lựa chọn của nhiều thanh niên ở Quảng Ngãi. Qua đó, tạo ra những loại thực phẩm hữu cơ sạch, an toàn cho người ti

Nông trại sạch gắn với trải nghiệm

Năm 2020, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Trịnh Duy Phương (29 tuổi, trú thôn Tân Phước, xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) trở về quê và bắt đầu khởi nghiệp. Thời gian đầu, anh vấp phải sự phản đối của gia đình, bởi cha mẹ muốn anh tìm một việc làm ổn định ở doanh nghiệp, cơ quan nhà nước vì anh đã có bằng đại học. Tuy nhiên, với ý chí và niềm đam mê, chàng trai này lại chọn khởi nghiệp nông nghiệp sạch theo hướng xây dựng nông trại trải nghiệm.

Khác với cách làm truyền thống, anh Phương chọn các loại cây trồng mới và lạ với người dân Quảng Ngãi như: Ớt Peru, đu đủ đực, bí xanh thơm Bắc Kạn.... Đặc biệt, các loại cây trồng này được chăm sóc theo hướng an toàn và thuận tự nhiên. Duy Phương đã tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp để ủ bón cho cây trồng. Hiện nay, với hơn 2ha đất vườn, Duy Phương đã trồng nhiều loại cây trồng khác nhau, trong đó có nhiều loại đang cho thu hoạch tốt.


ComScore Observer
Khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch, hữu cơ: Xu hướng của nhiều người trẻ Quảng Ngãi ảnh 1
Anh Trịnh Duy Phương chọn khởi nghiệp nông nghiệp sạch theo hướng xây dựng nông trại trải nghiệm.

Sau những khó khăn ban đầu, đến nay anh đã thành công cung cấp ra thị trường nhiều nông sản sạch mang giá trị kinh tế cao. “Các loại cây trồng tôi chọn không phải là cây trồng mới, mà nó đã được nông dân tại nhiều tỉnh, thành khác chọn trồng và thành công. Sau hơn 3 năm trải nghiệm thì tôi thấy các loại cây này không khó trồng, chăm sóc. Quan trọng nhất là các sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay là sạch, ngon, chất lượng”, anh Phương chia sẻ.

Ngoài trồng các loại cây nông sản sạch, anh Phương còn trồng nhiều loại hoa để tạo cảnh quan, xây dựng khu vườn thành nông trại trải nghiệm để khách hàng có thể trực tiếp hái rau, chụp ảnh, cắm trại vui chơi.

 

Khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch, hữu cơ: Xu hướng của nhiều người trẻ Quảng Ngãi ảnh 2
Anh Trịnh Duy Phương thu hoạch ớt Peru.

Theo anh Phương, khởi nghiệp với nông nghiệp đã khó, với nông nghiệp sạch lại càng khó hơn. Do đó, để cạnh tranh với thị trường, anh đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, liên tục thay đổi không gian khu vườn cũng như thay đổi tư duy để kịp thời nắm bắt thị hiếu của du khách. Đồng thời, tạo thành một sân chơi giúp các bạn trẻ tham quan, học hỏi các mô hình lẫn nhau và cùng nhau làm giàu, phát triển kinh tế.

Hay anh Nguyễn Tấn Kỳ (34 tuổi, trú thôn 3, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) đã khởi nghiệp thành công với mô hình trồng hoa lan, hoa giấy kết hợp nuôi dê để lấy nguồn phân bón cho các loại hoa, cây cảnh trong vườn.

Anh Kỳ cho biết, trước đây với diện tích đất vườn hơn 1.200m2, gia đình anh trồng hoa màu nhưng thu nhập không cao. Nhận thấy những năm gần đây, hoa giấy được thị trường ưa chuộng lại dễ trồng, dễ chăm sóc nên anh học hỏi và chuyển sang trồng loại cây này.

Khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch, hữu cơ: Xu hướng của nhiều người trẻ Quảng Ngãi ảnh 3
Du khách tham quan, check in ở khu vườn của anh Phương

Năm 2019, anh nhập về 100 cây hoa giấy trồng thử, may mắn cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu nhập ổn định nên anh tăng dần diện tích. Giống cây được nhập từ các nước như: Ấn Độ, Đài Loan... Bình quân mỗi năm anh bán ra thị trường gần 100 chậu lan và hơn 100 gốc hoa giấy. Giá bán bình quân 600 nghìn đồng/chậu lan, 500 đồng/chậu hoa giấy. Mỗi năm, anh có nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng.

“Hoa giấy và lan là hai loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc. Việc sử dụng phân dê để bón cho cây không chỉ tạo ra nguồn phân hữu cơ giàu dinh dưỡng, mà còn giảm lượng phân, thuốc hóa học, giúp bảo vệ nguồn nước và hệ sinh thái xung quanh”, anh Kỳ chia sẻ.

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp

Việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi. Thời gian qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh triển khai nhiều chương trình nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong người trẻ.

Khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch, hữu cơ: Xu hướng của nhiều người trẻ Quảng Ngãi ảnh 4
Anh Nguyễn Tấn Kỳ (trú huyện Mộ Đức) khởi nghiệp với mô hình trồng hoa giấy và hoa lan.

Đặc biệt, việc thành lập các câu lạc bộ, đội, nhóm về khởi nghiệp có vai trò rất lớn trong việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp và đã mang lại những hiệu quả tích cực. Hàng trăm thanh niên đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, tìm hiểu, học tập các mô hình hiệu quả ở các địa phương khác để khởi nghiệp tại địa phương.

Chị Đỗ Thị Hạ Huyên - Bí thư Huyện Đoàn Mộ Đức cho biết, nhiều thanh niên trên địa bàn huyện đã mạnh dạn khởi nghiệp, lập nghiệp từ các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bước đầu các mô hình đã phát huy hiệu quả.

“Để tiếp sức cho thanh niên khởi nghiệp, bên cạnh hỗ trợ về mặt kỹ thuật, kinh phí duy trì mô hình, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất, Huyện Đoàn còn tổ chức nhiều chuyến tham quan, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các chủ thể đang thực hiện các mô hình. Qua đó, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên giao lưu, học hỏi cách làm hay, tìm hiểu về chính sách khởi nghiệp... để lựa chọn mô hình khởi nghiệp phù hợp”, chị Huyên nói.

Khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch, hữu cơ: Xu hướng của nhiều người trẻ Quảng Ngãi ảnh 5
Anh Lê Vịnh (trú huyện Mộ Đức) khởi nghiệp với mô hình trồng cây ăn trái theo hướng nông nghiệp hữu cơ.

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi Hồ Thị Thu Thanh cho biết, để giúp các bạn trẻ định hình tốt hơn, cụ thể hơn về khởi nghiệp nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, Tỉnh Đoàn sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều lớp khai tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nền tảng cho thanh niên khởi nghiệp, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn.

Đồng thời, Tỉnh Đoàn sẽ chú trọng tạo lập và kết nối các kênh phân phối, tổ chức các phiên chợ thanh niên, nhằm kết nối, tiêu thụ các sản phẩm khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên.

Bình luận