Quất cảnh Văn Giang được giá, dễ bán

Bình luận · 19 Lượt xem

Giữ được các loại cây cảnh vượt qua mưa bão khắc nghiệt, quất, bưởi cảnh ở Văn Giang (Hưng Yên) năm nay tiêu thụ dễ, giá cao hơn mọi năm.

Năm 2024, toàn xã Liên Nghĩa (huyện Văn Giang, Hưng Yên) trồng 125ha cây cảnh có múi, chủ yếu là quất cảnh (115ha) và bưởi cảnh (10ha). Đến nay, nhà vườn trên địa bàn đã bán được khoảng 40% sản lượng cây cảnh này cho thương lái thu mua để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên Đán Ất Tỵ. Giá bán tăng từ 30 - 50 nghìn đồng mỗi cây so với cùng kỳ năm 2023.

Được giá, dễ bán

Ông Nguyễn Xuân Cường ở thôn Quán Trạch (Liên Nghĩa) cho biết, ông trồng 2.150 cây quất cảnh và bưởi cảnh, hiện đã bán được trên 50% số lượng cho các nhà vườn ở Tứ Liên (Hà Nội), giá quất năm nay tăng hơn cùng kỳ năm trước không đáng kể nhưng dễ bán hơn, dự kiến sau bán hết các loại cây cảnh trên vườn, ông Cường sẽ thu được trên 1 tỷ đồng.

Bưởi cảnh trồng trong bể của nhà vườn Mai Chuyên (thôn Đan Kim, xã Liên Nghĩa, Văn Giang). Ảnh: Hải Tiến.

Bưởi cảnh trồng trong bể của nhà vườn Mai Chuyên (thôn Đan Kim, xã Liên Nghĩa, Văn Giang). Ảnh: Hải Tiến.

Theo ông Cường, Tứ Liên là vựa quất cảnh có tiếng của Hà Nội nhưng bị cơn bão số 3 trong tháng 9/2024 gây hại nặng nề nên phải sang Văn Giang mua quất cảnh sớm hơn, nhiều hơn so với mọi năm nhằm bù đắp nguồn cây bị hư hỏng sau bão và có thời gian dài chăm sóc thêm theo ý muốn, cũng để giữ nghề, giữ thị phần, giữ chân các khách hàng quen biết.

Ông Ngô Duy Phong (cùng thôn Quán Trạch) cũng mới nhận đặt cọc để giữ lại 30% số lượng quất cảnh cho thương lái, giá bán dao động từ 450.000 - 4.000.000 đồng/cây tuỳ theo kích thước bình và độ đẹp của cây. Cụ thể, quất trồng trong dù cao 50cm, bán tại ruộng khoảng 450.000 - 500.000 đồng/cây; trồng trong bình gốm 30 lít có giá 1.000.000 - 1.200.000 đồng/cây; trồng trong khánh hoặc ang rộng 0,6 - 0,7m2 có giá 1.800.000 - 2.200.000 đồng/cây; trồng trong bom sành 80 lít giá bán từ 2.500.0000 - 3.000.000 đồng/cây...

Về kiểu dáng quất cảnh, phải đảm bảo cây nào lá cũng xanh dày, sai quả, không tỳ vết sâu bệnh, dáng siêu hoặc dáng thác đổ, có từ 2 cành lộc trở lên và phải cao hơn tán cây chừng 20 - 30cm, đẹp bắt mắt.

Ông Phong cho biết, các nhà vườn ở Tứ Liên thường chọn mua những cây quất cảnh đẹp xuất sắc và yêu cầu sang vườn ngay từ đầu tháng 10 dương lịch, thương lái các địa phương khác chỉ đến chọn vườn, đánh dấu, đặt cọc rồi lưu cây tại vườn tới cách Tết Nguyên Đán nửa tháng mới đến gom hàng. Vì vậy, chủ vườn vẫn phải chăm sóc giữ cho cây quất khoẻ đẹp, bắt mắt tới tay người tiêu dùng.

Để phòng mưa bão và phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, quất cảnh ở Văn Giang đều trồng và kê cao trong anh, chậu, khánh, bình... Ảnh: Hải Tiến.

Để phòng mưa bão và phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, quất cảnh ở Văn Giang đều trồng và kê cao trong anh, chậu, khánh, bình... Ảnh: Hải Tiến.

Nhà vườn Mai Chuyên ở thôn Đan Kim (Liên Nghĩa) trồng 120 cây bưởi cảnh, mới chỉ bán được 20 cây, giá bán tương đương cùng kỳ năm 2023, cụ thể như cây trồng trong bể kích thước 90cm x 90cm giá từ 12 - 13 triệu đồng/cây; trồng trong bể 1,5m x 1,5m giá bán 25 triệu đồng/cây (chưa tính tiền thuê máy cẩu lên, xuống và xe ô tô chuyển tới nơi tiêu dùng, khoản phụ phí này đôi khi còn đắt gấp 2 - 3 lần so với giá cây cảnh, tuỳ theo cung đường vận chuyển tải xa, gần).

Nguyên nhân bưởi cảnh bán được ít hơn quất cảnh là do khách hàng hầu hết là người có thu nhập cao, mua để nhà chơi hoặc biếu Tết nên ít đắn đo về giá và không cần mua quá sớm. Bà Mai chia sẻ, năm nào bà cũng trồng trên 100 bể bưởi cảnh, loại cây to, gốc to, sai quả, cành lá sum suê, xanh đẹp, và đều bán hết vào gần Tết Nguyên Đán. Bà Mai đã làm bưởi cảnh từ hơn 10 năm nay nên có nhiều khách hàng biết tiếng, mách nhau đến cùng mua.

Bí quyết giúp quất cảnh, bưởi cảnh chống chịu mưa bão

Ông Nguyễn Xuân Cường (thôn Quán Trạch, xã Liên Nghĩa) chia sẻ, để giữ được những vườn quất cảnh vượt qua mưa bão khắc nghiệt, nhà nông ở đây phải luôn căng mình chống đỡ cho cây rất vất vả.

Khi nghe dự báo sẽ có mưa bão vào các tỉnh đồng bằng sông Hồng, các nhà vườn đã phải phun thuốc bảo vệ thực vật phòng nhiễm khuẩn rễ cây và nấm sương mai hại lá, quả và lộc non; lúc mưa gió đang diễn ra mạnh vẫn phải thăm đồng, kê kích cao đôn, chậu và kịp thời dựng lại các cây bị đổ ngã hoặc úng ngập. Khi trời vừa dứt mưa phải phun thuốc phòng khuẩn hại rễ quất và nấm sương mai xâm nhập qua các vết rách xước của lá cây, ngọn cây, phun kết hợp với các chế phẩm chống rụng quả và tưới siêu lân kích cho cây ra thêm nhiều rễ mới, đồng thời tháo gạn, bơm rút kiệt nước khỏi vườn.

Khi cây hồi phục, sinh trưởng, phát triển ổn định mới được bón bột đậu tương hoặc NPK tổng hợp và phân bón lá. Đối với những vườn bưởi cảnh, khi gió bão sắp vào tới, địa phương còn phải chằng chống cây, chậu, bể và dùng băng dính cố định các quả bưởi vào một điểm tựa nào đó trên cây để quả bưởi không bị rung lắc rơi rụng do gió, lốc. Đây là khâu rất quan trọng với các nhà vườn trồng bưởi cảnh, nhất là với những hộ trồng các loại bưởi cảnh "khủng".

Quất cảnh trồng trong khánh của vườn ông Nguyễn Xuân Cường (thôn Quán Trạch, xã Liên Nghĩa). Ảnh: Hải Tiến.

Quất cảnh trồng trong khánh của vườn ông Nguyễn Xuân Cường (thôn Quán Trạch, xã Liên Nghĩa). Ảnh: Hải Tiến.

Kể cả hiện nay, những nhà vườn đã bán cây cho thương lái vẫn phải tưới nước vào chiều mát 1 lần/ngày (trừ khi thời tiết có mưa) và phun phòng nấm bệnh sương mai, sương muối, chống rụng quả bằng thuốc bảo vệ thực vật Azotop 400 SC, kết hợp định kỳ 10 - 15 ngày/lần tưới chế phẩm Humic kích rễ và bón NPK Đức 15-15-15 đặc hiệu cho hoa và cây cảnh. Trong đó vào những ngày mưa, rét phải dừng bón phân, đặc biệt vào những ngày rét đậm, rét hại tuyệt đối không bón bất cứ loại phân gì.

Nhờ những cách làm chủ động, sáng tạo này, trong đợt mưa bão khắc nghiệt, hiếm có vừa qua, vựa quất cảnh Liên Nghĩa chỉ bị mất trắng khoảng 5% (6ha) cây trồng ngoài đê bối, bất khả kháng vì nước sông dâng quá cao.

Tìm hiểu thực tế cho thấy cây cảnh ở Liên Nghĩa ít bị mưa bão gây thiệt hại còn do phần lớn các loại quất cảnh và toàn bộ diện tích bưởi cảnh đều được trồng trong ang, chậu, bể, bình, dù, bom, con giống bằng sành, sứ, gốm hoặc xi măng đặt trên đôn kiên cố hoặc kê cao cách biệt với mặt ruộng nên không bị úng ngập.

Ngoài ra, hệ thống thuỷ nông trên địa bàn đã được các cấp, các ngành của địa phương đầu tư xây dựng đồng bộ, đảm bảo tiêu thoát nước nhanh khi có mưa. Đây có thể coi là những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực sản xuất hoa, cây cảnh của xã Liên Nghĩa nói riêng, huyện Văn Giang nói chung.

"Huyện Văn Giang có 950ha hoa, cây cảnh sẵn sàng đáp ứng cho thị trường Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025. Trong đó có 410ha quất, bưởi và cam cảnh trồng tại các xã Thắng Lợi, Mễ Sở, Long Hưng, Tân Tiến, Liên Nghĩa cùng 340ha hoa, cây cảnh ngắn ngày (lan ý, trầu bà, cúc mâm xôi, dạ yến thảo, hoa đồng tiền, vạn liên thanh, lan hồ điệp... gieo trồng chủ yếu ở 2 xã Xuân Quan, Phụng Công.

Ngoài ra còn có 160ha các cây cảnh lưu niên như trà hoa cảnh, sanh, sứ, lộc vừng và hoa hồng cổ", ông Nguyễn Hoàng Tùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Văn Giang thông tin.  

Bình luận