Nam Định: Phát triển ngành nghề nông thôn hướng tới nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường

Bình luận · 35 Lượt xem

UBND tỉnh Nam Định vừa ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu phát triển theo hướng bền vững, thông minh, thân thiện với môi trường.

Mục tiêu chung của Chiến lược là phát triển ngành nghề nông thôn (NNNT) nhằm phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần bảo vệ môi trường, tôn tạo, giữ gìn cảnh quan, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển kinh tế nông thôn gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Nam Định: Phát triển ngành nghề nông thôn hướng tới nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường - Ảnh 1
Nam Định phát triển kinh tế nông thôn gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái, hiện đại và văn minh. Ảnh: Việt Nam Hội Nhập

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng của nhóm NNNT tại tỉnh này đạt khoảng 6%/năm. Thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động NNNT gấp 2,5-3 lần so với năm 2020. Thu hút thêm khoảng 7.000 lao động hoạt động trong các NNNT. Hỗ trợ phát triển các sản phẩm NNNT, làng nghề gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Toàn tỉnh có từ 600-700 sản phẩm OCOP. Có từ 3-5 sản phẩm trở lên hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực ngành nghề nông thôn trên 85%. Hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định đáp ứng 70% nhu cầu phát triển NNNT.

Định hướng đến năm 2045, NNNT tiếp tục là hoạt động mang lại thu nhập, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển NNNT theo hướng phát triển bền vững, thông minh, thân thiện với môi trường, gắn với xây dựng không gian nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Nam Định đề ra các giải pháp trọng tâm gồm: Phát triển làng nghề gắn với môi trường và du lịch, chú trọng đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề, khuyến khích sử dụng nguyên liệu tái tạo, thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn. Đẩy mạnh đào tạo và hội nhập quốc tế, tăng cường hỗ trợ các cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu; Hỗ trợ cơ sở sản xuất: Khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào vùng nguyên liệu lớn, đạt chứng chỉ bền vững; Tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của NNNT.

UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ vai trò chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai các chương trình phát triển ngành nghề, làng nghề. Các sở: Công Thương, Khoa học - Công nghệ, Tài nguyên - Môi trường, Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Lao động - Thương binh - Xã hội, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư sẽ phối hợp thực hiện theo nhiệm vụ được giao. Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về vai trò, tầm quan trọng của phát triển NNNT trong phát triển kinh tế - xã hội. Các huyện, thành phố chịu trách nhiệm tuyên truyền, kiểm tra, và hướng dẫn các cơ sở sản xuất bảo đảm quy định pháp luật, bảo vệ môi trường, đồng thời đề xuất công nhận làng nghề, ngành nghề truyền thống đáp ứng tiêu chuẩn.

Chiến lược phát triển NNNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một bước đi quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp xanh bền vững, hiện đại thân thiện với môi trường.

Sông Hồng

Bình luận