Công nghệ biến nước thải hữu cơ thành 'nước tốt cho động vật'

Bình luận · 20 Lượt xem

Việt Nam mỗi năm có trên 60 triệu tấn chất thải gia súc, gia cầm và hàng trăm triệu m3 nước thải chăn nuôi xả ra môi trường.

Tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ khoáng, vi sinh và nước xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi hướng tới sản xuất nông nghiệp tuần hoàn” vừa diễn ra ở Hà Nội, ông Đào Ngọc Nam, Chủ tịch HĐQT AnVietGroup cho biết, hiện mỗi năm tại Việt Nam có khoảng trên 160 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp, trong đó trên 60 triệu tấn chất thải gia súc, gia cầm và hàng trăm triệu m3 nước thải chăn nuôi được xả ra môi trường.

Tuy nhiên, mới chỉ hơn 20% lượng chất thải này được xử lý và tái sử dụng; gần 80% còn lại chưa qua xử lý, gây lãng phí và cũng là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Toàn cảnh hội thảo 'Ứng dụng công nghệ khoáng, vi sinh và nước xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi hướng tới sản xuất nông nghiệp tuần hoàn'. Ảnh: HT.

Toàn cảnh hội thảo “Ứng dụng công nghệ khoáng, vi sinh và nước xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi hướng tới sản xuất nông nghiệp tuần hoàn”. Ảnh: HT.

Ông Đỗ Hoàng Thạch, Tổng Giám đốc An Việt Group nhấn mạnh, ngành chăn nuôi Việt Nam đang trên đà phát triển và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tạo sinh kế cho khoảng 10 triệu người dân. Tuy nhiên, phần lớn chăn nuôi hiện nay vẫn diễn ra ở quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, gây nhiều khó khăn trong quản lý và xử lý vấn đề môi trường.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội cho rằng, thực tế chăn nuôi đã đem lại giá trị lớn để phát triển kinh tế nông thôn, nhưng đi cùng đó là bài toán xử lý chất thải. Việc liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tạo ra môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp là cần thiết.

Một giải pháp mang tính đột phá được giới thiệu tại Hội thảo là Công nghệ BMW - Ứng dụng công nghệ khoáng, vi sinh và nước xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi hướng tới sản xuất nông nghiệp tuần hoàn.

Sơ đồ ứng dụng công nghệ BMW - ứng dụng công nghệ khoáng, vi sinh và nước xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi hướng tới sản xuất nông nghiệp tuần hoàn.

Sơ đồ ứng dụng công nghệ BMW - ứng dụng công nghệ khoáng, vi sinh và nước xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi hướng tới sản xuất nông nghiệp tuần hoàn.

Ông SumieAkiyama, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Takumi Shudan Sola (Nhật Bản) cho hay, Công nghệ BMW được viết tắt bởi 3 chữ cái: B (Bacteria - vi sinh), M (Mineral - khoáng chất), W (Water - nước).

Công nghệ này được mô phỏng theo hệ thống tuần hoàn của thế giới tự nhiên, tận dụng hiệu quả các chất hữu cơ từ đất, kích hoạt vi khuẩn (vi sinh vật) có sẵn trong đất. Công nghệ này đã được cấp bằng sáng chế và đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới, tiêu biểu là khu vực châu Á.

Hệ thống tái chế nông nghiệp tuần hoàn tự nhiên. 

Hệ thống tái chế nông nghiệp tuần hoàn tự nhiên. 

BMW mượn sức mạnh của các vi sinh vật trong thế giới tự nhiên để biến nước thải hữu cơ (phân, nước tiểu) thành “nước tốt cho động vật” bằng cách sử dụng vi sinh và đá.

“Nước tốt cho động vật” này sẽ giúp điều chỉnh đường ruột, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và giúp hấp thụ dinh dưỡng từ thức ăn tốt hơn, đồng thời giảm mùi hôi của phân, từ đó phân lỏng được tái tạo thành phân bón cho cây trồng hoặc được tái sử dụng làm nước rửa chuồng trại chăn nuôi.

Công nghệ BMW hiện nay được ứng dụng trong 8 lĩnh vực chính gồm: Cải tạo nước uống cho vật nuôi; chuyển đổi chất thải lỏng thành phân bón và cải thiện xử lý chất thải; chế tạo “Liquid Vigor” - chứa các đặc tính phong phú bắt nguồn từ sự tương tác khoáng chất và quá trình chuyển hóa của vi sinh góp phần nâng cấp chất lượng sản phẩm và về cả số lượng; làm phân hữu cơ (bằng cách lên men nhanh chất thải rắn của động vật tại trang trại); làm thức ăn chăn nuôi, biến thức ăn thừa thành thức ăn chất lượng bằng công nghệ lên men đặc biệt; xử lý nước thải nhà máy chế biến thực phẩm; thu gom nước nhà vệ sinh (xử lý nước thải nhà vệ sinh để tái sử dụng làm nước dội, nước tưới, nước cho hồ cá); xử lý các loại nước thải sinh hoạt, gồm xử lý nước sinh hoạt đã qua sử dụng từ nhà vệ sinh, nhà bếp và nhà tắm để có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày và nông nghiệp.

Bình luận