Vựa rau Túc Duyên vượt khó

Bình luận · 17 Lượt xem

Sau khi lũ rút, vựa rau Túc Duyên còn phải đối mặt với tình trạng đất màu chuyên canh cây ngắn ngày bị bùn bồi lắng, thời tiết khô hanh, mưa ít.

Nông dân vượt khó

Phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên hiện có hơn 400 hộ làm nông nghiệp, trong đó chủ yếu trồng rau màu trên diện tích hơn 30ha.

Là hộ canh tác lâu năm tại vựa rau Túc Duyên, ông Nguyễn Văn Hoàn cho biết: “Đợt mưa lũ lịch sử sau bão số 3 khiến 1 mẫu ruộng nhà tôi mất trắng. Toàn bộ diện tích rau màu bị ngập nước dài ngày dẫn đến thối hỏng, đất nông nghiệp cũng bị xói mòn, đất đá, rác vùi lấp. Lũ rút để lại rất nhiều bùn trên mặt ruộng, đất cứng khiến việc xuống giống gặp nhiều khó khăn”.

Ngoài ra, thời tiết khô hanh, mưa ít kéo dài cũng gây ra tình trạng thiếu nước tưới. Ông Hoàn cùng nhiều hộ dân trong khu vực phải sử dụng máy bơm nước từ giếng khoan để bổ sung nước cho vựa rau.

“Mưa ít khiến rau chậm lớn. Việc phải thuê máy bơm, mua xăng khiến chi phí sản xuất tăng lên đáng kể, kéo theo lợi nhuận giảm. Ngoài ra, giá giống năm nay cũng tăng hơn 75% so với năm trước, thị trường tiêu thụ chậm”, ông Hoàn liệt kê.

Mưa ít khiến bà Nguyễn Hồng Quyến phải tăng lượng nước tưới. Ảnh: Quang Linh.

Mưa ít khiến bà Nguyễn Hồng Quyến phải tăng lượng nước tưới. Ảnh: Quang Linh.

Canh tác liền kề ruộng rau của ông Hoàn, bà Nguyễn Hồng Quyến phải đầu tư máy bơm mới do mưa ít, thiếu nước tưới.

“Năm nay sản xuất khó khăn lắm, mưa ít nên cây chậm lớn. Tôi phải bơm nước từ giếng khoan lên liên tục cho 5 sào ruộng trồng su su, su hào, rau cải các loại”, bà Quyến cho hay.

Khó khăn nhiều nhưng ông Hoàn, bà Quyến cùng các nông dân tại vựa rau Túc Duyên không hề nản chí. Bà con nơi đây đã chủ động bón phổ sung phân ure, kali... thường xuyên thăm đồng, nắm bắt tình hình sâu bệnh hại rau màu để có biện pháp xử lý kịp thời. Nhờ đó, vựa rau Túc Duyên vẫn duy trì được năng suất đồng đều, cung cấp nguồn thực phẩm ổn định cho địa bàn thành phố Thái Nguyên. 

Ông Ngô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Thái Nguyên. Ảnh: Quang Linh.

Ông Ngô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Thái Nguyên. Ảnh: Quang Linh.

Phòng trừ sâu, bệnh hại từ sớm, từ xa

Để hoạt động canh tác đạt hiệu quả cao, ông Ngô Mạnh Tiến (Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Thái Nguyên) đề nghị người dân cung cấp đủ nước tưới, bón kali để tăng khả năng quang hợp, giúp cây trồng khỏe và chịu rét tốt. 

"Bà con nên tưới nước vào buổi sáng bằng phương pháp tưới phun sương, giúp tăng nhiệt độ của đất, giảm tác động của sương. Cần làm đất kỹ và thường xuyên xới xáo để tạo điều kiện cho bộ rễ được thông thoáng, tăng khả năng hút chất dinh dưỡng. Bón phân cân đối, ưu tiên bón nhiều phân chuồng hoai mục, cung cấp đủ phân lân, kali cho rau màu", ông Tiến khuyến cáo.

Công tác phòng, trừ sâu bệnh hại trên cây rau màu phải được thực hiện "từ sớm, từ xa", bà con cần chú ý tới các đối tượng như: sâu xanh, sâu tơ, bọ trĩ, nhện, thối nhũn, héo xanh vi khuẩn... Nông dân phải kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, khi phát hiện các loại sâu, bệnh hại nên ưu tiên dùng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch. 

Đối với cây cà chua, ớt, khoai tây có thể tỉa thưa cành, nhánh hợp lý, giúp bộ tán thông thoáng, hạn chế các loại sâu bệnh hại.

Đặc biệt, người dân cần mua giống tại các cửa hàng uy tín, đầy đủ bao bì, nhãn mác có nguồn gốc xuất xứ. Không mua các loại giống cây trồng không có nguồn gốc rõ ràng trên các trang mạng xã hội để tránh "tiền mất, tật mang".

Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày gần đây, các hộ trồng rau đều ồ ạt xuống giống, trồng lứa rau mới, thu hoạch gần như cùng một thời gian nên dẫn tới cung vượt quá cầu. Hiện nay, rau cải có giá bán buôn 7.000 đồng/kg, su hào là 8.000 đồng/kg, mướp là 12.000 đồng/kg.

Để phát huy thế mạnh của địa phương, ngoài việc tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu đơn vị cung ứng phân bón, giống cây uy tín..., thành phố Thái Nguyên đang khuyến khích, vận động người dân thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tạo thuận lợi trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 

Bình luận