Nuôi gà rừng làm cảnh, thu hàng trăm triệu đồng

Bình luận · 21 Lượt xem

Mô hình nuôi gà rừng của bà Nguyễn Thị Liên vừa bán gà cảnh vừa cung cấp gà thịt cho thị trường đem lại thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng.

Trước đây, bà con ở gần rừng thường nuôi nhốt vài con gà rừng bắt được để làm cảnh. Nhưng hiện nay, nuôi gà rừng để thành hàng hóa cho thu nhập cao đã có tại gia đình bà Nguyễn Thị Liên (xã Quảng Hợp, Quảng Trạch, Quảng Bình).

Buổi sáng, bà Liên bưng thúng đựng thức ăn bồn lúa, hạt ngô ra sân và cất tiếng gọi: tục, tục… Chỉ một loáng, đã nghe tiếng rào rào và hàng trăm con gà rừng đủ màu sắc bay từ trên cây, phóng ra từ bụi rậm trong vườn nhà để đến trước sân ăn lúa ngô.

Thấy có người lạ, gần nửa số đàn gà đã táo tác và vụt chạy vào dưới bụi cây rậm, có con vỗ cánh bay vù lên cành cây con rồi ngoái đầu nhìn xuống. Khi thấy chúng tôi chỉ đứng yên trong thềm nhà chúng lại chạy nhanh xuống sân tranh ăn với những chú gà dạn người.

Bà Liên cho hay, trước đây ông Phạm Văn Trực (chồng bà Liên), nhiều lần vào rừng đặt bẫy và được vài con gà rừng đưa về nuôi làm cảnh. “Dần dần rồi gà rừng cũng ít đi, có khi cả năm trời cũng không bẫy được con nào. Vì vậy, tôi suy tính tới việc thuần hóa gà rừng để nuôi thành đàn”, bà Liên nói.

Vậy rồi, hay tin ở đâu có gà rừng là ông bà lặn lội đến xem và mua về cho bằng được. Khi đàn gà có được vài chục con thì nghe tin ở Tây Ninh người ta có bán con gà trống đẹp. Hai ông bà tìm vào và đã mua với giá 30 triệu đồng để đưa về làm giống.

Đàn gà rừng lớn được chọn để đẻ trứng lấy giống. Ảnh: T. Phùng.

Đàn gà rừng lớn được chọn để đẻ trứng lấy giống. Ảnh: T. Phùng.

Để đàn gà nhanh thuần chủng và không bay mất, bà Liên thường pha thức ăn với nước muối để cho gà ăn. “Theo kinh nghiệm truyền lại thì khi gà rừng được cho ăn lúa, ngô có pha muối thì sẽ quen và đến bữa hay nghe hiệu lệnh lại về chứ khổng bỏ đi xa”, bà Liên nói.

Ban đầu, bà Liên cho làm chuồng có quay lưới để nuôi, nhưng sau một thời gian không cần nuôi nhốt nữa mà cứ thả cho gà tự do. Vườn nhà nuôi được gà rừng phải có cây lớn, cành lá sum suê để gà đậu, ngủ. Tầng dưới có nhiều cây bụi rậm cho gà kiếm ăn, hoặc chọn nơi làm tổ.

Giữa vườn, ông Trực cũng cho làm mấy cái chòi nhỏ để gà trú mưa hay là nơi gà mái chọn làm quay rơm rạ làm tổ để trứng. Gà mái thường đẻ trứng quanh năm nên cứ mỗi sáng, ông bà lại đi kiểm tra dưới gốc cây xem có trứng thì nhặt về. “Khi đủ số lượng thì soi kiểm tra trứng có trống là cho vào lò ấp. Trứng còn lại thì mang ra chợ bán cho bà con. Trứng gà rừng bán giá cao gấp đôi, gấp ba gà thường”, bà Liên cho biết thêm.

Khi trứng nở thành gà con phải canh chừng cho vào khu nuôi được quây kín, vì lúc này gà con thường đi theo bản năng chứ không tìm về. Phải chờ khi gần được chừng 3 - 4 tháng và đã quen với thức ăn mới thả cho nhập đàn gà thả tự nhiên và chúng lại bay lên cây để ngủ hoặc chui vào bụi rậm.

Gà rừng dưới tán cây trong vườn nhà. Ảnh: T. Phùng.

Gà rừng dưới tán cây trong vườn nhà. Ảnh: T. Phùng.

Bây giờ, đàn gà rừng của gia đình bà Liên cũng được gần 300 con. Trong đó có hơn 150 con gà lớn là gà đẻ trứng và gà bán thịt thương phẩm. Bà Liên bảo, gà thương phẩm bán với giá 500.000 đồng/kg. “Giá cũng cao gấp ba lần so với gà ta thả vườn. nhưng người đặt mua cũng nhiều. Lắm khi, gà thương phẩm không đủ bán”, bà Liên chia sẻ.

Chọn trong bầy gà có những con gà trống đẹp với mào gà đỏ chót, bộ lông đủ màu sắc sặc sỡ và đuôi dài để chọn nuôi nhốt vào lồng làm gà cảnh. Ông Trực cho chúng tôi xem những lồng gà trống treo dưới mấy gốc cây to gần sân nhà. “Có đôi gà trống cảnh có người đánh tiếng mua với giá 30 triệu đồng rồi đó. Nhưng gia đình chưa muốn bán mà”, ông Trực nói.

Ông Tưởng Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Trạch cho hay, đã chọn mô hình nuôi gà rừng làm điểm để nhân rộng. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng mô hình trên địa bàn để bà con có kinh nghiệm phát triển muôi gà rừng”, ông Thành nói.

Bình luận