Nâng tầm chăn nuôi vùng ven biển: [Bài 1] Thay thế tư duy nuôi vịt truyền thống

Bình luận · 16 Lượt xem

Chăn nuôi vịt trên sàn là một trong những tiến bộ kỹ thuật đang được nhiều hộ dân áp dụng ở thành phố Hải Phòng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít dịch bệnh.

Phải đầu tư mới có ăn

Tại Hải Phòng, trước đây, chăn nuôi vịt chủ yếu được thực hiện theo phương thức truyền thống, thả đồng, dựa vào thời gian nhàn rỗi, mang tính tự phát, hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên, với sự thay đổi trong tư duy chăn nuôi, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi vịt khép kín, tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Ông Hoàng Văn Dương, một hộ chăn nuôi tại xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, là một ví dụ điển hình. Ông đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi vịt khép kín với chuồng sàn hiện đại, diện tích 2.000m2. Hệ thống chuồng trại được thiết kế khoa học, đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ, với chuồng sàn nâng cao cách mặt nền 30cm, hệ thống tự động hóa cung cấp thức ăn và nước uống, cùng hố bioga xử lý rác thải hiệu quả.

Việc lựa chọn giống vịt siêu nạc, tăng trọng nhanh, chu kỳ sinh trưởng ngắn, tỷ lệ chết thấp, đồng đều, dễ bán là yếu tố quan trọng góp phần vào hiệu quả kinh tế của mô hình chăn nuôi. Với phương pháp chăn nuôi khoa học, đàn vịt của ông Dương tăng trưởng nhanh chóng, đạt khối lượng 3,3 kg/con sau 37-40 ngày nuôi. Năng suất chăn nuôi cao, sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu, giúp ông Dương đạt doanh thu khoảng 300 triệu đồng/năm, vượt xa mức thu nhập từ chăn nuôi truyền thống.

Với sự phát triển của mô hình chăn nuôi vịt trên sàn khép kín, ngành chăn nuôi vịt tại Hải Phòng đang hướng đến một tương lai phát triển bền vững. Chăn nuôi khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao.

Trước đây, mô hình chăn nuôi vịt của gia đình ông Phạm Đức Thanh tại xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, chủ yếu dựa vào phương thức quảng canh, tận dụng ao hồ tự nhiên. Tuy nhiên, phương thức này tiềm ẩn nhiều bất cập, gây khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh, hạn chế khả năng tiêm phòng vắc xin, kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi, thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng con giống và môi trường chăn nuôi.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật tận tình, cụ thể cho người dân nuôi vịt. Ảnh: Đinh Mười.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật tận tình, cụ thể cho người dân nuôi vịt. Ảnh: Đinh Mười.

Việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi để ứng phó với dịch bệnh ngày càng gia tăng, dẫn đến tác động tiêu cực đến chất lượng và an toàn vệ sinh của sản phẩm, khiến cho việc xuất bán gặp nhiều khó khăn, giá bán thấp. Ông Phạm Đức Thanh chia sẻ: “Tôi nuôi vịt đã lâu nhưng trước đây rất bấp bênh, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, giá bán thấp, làm quần quật quanh năm nhưng lời lãi chẳng đáng là bao”.

Để khắc phục tình trạng trên, đầu năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã triển khai mô hình “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi vịt (vịt thịt) theo tiêu chuẩn VietGAHP, gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm”, lựa chọn gia đình ông Phạm Đức Thanh và một hộ khác tại thộ Xuân Úc, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy để thực hiện mô hình này.

Gia đình ông Thanh được hướng dẫn áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi an toàn, nuôi trên sàn, sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng theo từng giai đoạn sinh trưởng, đồng thời tăng cường tiêm phòng vắc xin.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng chế phẩm sinh học bổ sung vào thức ăn đã góp phần giảm thiểu và hạn chế sử dụng kháng sinh, hóa chất độc hại. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng thịt, cho sản phẩm thịt tươi sạch, mà còn tăng hiệu quả kinh tế và cải thiện môi trường chăn nuôi.

Ông Phạm Đức Thanh cho biết: “Sau 6 tháng nuôi, được Trung tâm Khuyến nông và Sở NN-PTNT hướng dẫn, hỗ trợ về mặt kỹ thuật, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGHAP, đàn vịt đạt tỷ lệ sống trên 95%, khỏe mạnh. Giá vịt xuất tại chuồng đạt từ 42.000 - 45.000 đồng/kg. Lợi nhuận ước tính sẽ đạt khoảng 130 triệu đồng cho đàn vịt 5 nghìn con”.

Tiến sĩ Vũ Đức Hạnh - Trưởng phòng chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng (áo sọc) thường xuyên xuống mô hình để nắm bắt tình hình, hỗ trợ người dân kịp thời. Ảnh: Đinh Mười.

Tiến sĩ Vũ Đức Hạnh - Trưởng phòng chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng (áo sọc) thường xuyên xuống mô hình để nắm bắt tình hình, hỗ trợ người dân kịp thời. Ảnh: Đinh Mười.

Gắn sản xuất với tiêu thụ

Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng tại xã Thuận Thiên, Hải Phòng là một minh chứng cho thành công của mô hình "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi vịt (vịt thịt) theo tiêu chuẩn VietGAHP, gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm" do Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng triển khai.

Điểm nổi bật của mô hình chính là việc sử dụng các giống vịt chất lượng cao như Super M, CV, Super M2, M3,... Những giống vịt này được chọn lựa bởi khả năng thích nghi với khí hậu địa phương, tỷ lệ sống cao, tăng trưởng nhanh và hiệu quả kinh tế vượt trội.

Ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: "Tôi đã tiết kiệm được trên 4,4 triệu đồng đồng chi phí thuốc thú y và đạt lợi nhuận trên 35 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế của mô hình tăng 19% so với chăn nuôi truyền thống".

Để hỗ trợ người chăn nuôi, dự án cung cấp 50% giá trị giống, thức ăn, vắc xin, thuốc thú y, hóa chất sát trùng và chế phẩm sinh học bổ sung. Đồng thời, các chuyên gia nông nghiệp sẽ trực tiếp tư vấn và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học theo tiêu chuẩn VietGHAP.

Kết quả thu được sau 6 tháng triển khai mô hình thật sự khả quan. Tỷ lệ sống của đàn vịt đạt trên 95%, cao hơn 1,5% so với chăn nuôi thông thường. Trọng lượng bình quân đạt 3,2 kg/con khi xuất chuồng ở tuần tuổi thứ 7, với lượng thức ăn tiêu thụ trung bình dưới 2,7 kg/con.

Tiến sĩ Vũ Đức Hạnh - Trưởng phòng Chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp (Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng) cho biết: "Mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh cùng với việc bổ sung thức ăn, nước sinh hoạt và máy bơm khử mùi sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Với việc bổ sung chế phẩm sinh học, thực hiện đúng quy trình vacxin, chăn nuôi áp dụng VietGHAP, tỷ lệ nuôi sống tăng, giá thuốc thú y giảm, giá bán tăng".

Đàn vịt sau đủ trọng lượng, đủ ngày tháng sẽ được doanh nghiệp thu mua trực tiếp thông qua sự kết nối của Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Đàn vịt sau đủ trọng lượng, đủ ngày tháng sẽ được doanh nghiệp thu mua trực tiếp thông qua sự kết nối của Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Hạnh cũng nhấn mạnh những điểm mới của mô hình: "Thứ nhất là con giống phải đảm bảo theo Thông tư 01 năm 2018 của Bộ NN-PTNT, thứ hai là mô hình ứng dụng chăn nuôi cho vịt theo quy trình VietGHAP, thứ 3 là ứng dụng các chế phẩm vào để chăn nuôi (cho vào thức ăn, nước uống, môi trường) để giảm thiểu tác động dịch bệnh đến đàn vịt. Ứng dụng chăn nuôi trên sàn, đây là một trong những tiến bộ kỹ thuật đang được áp dụng trong chăn nuôi ngan, vịt ở thành phố Hải Phòng”.

Bên cạnh hỗ trợ về con giống, vật tư, kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng còn chủ động kết nối, ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và các hộ thực hiện mô hình. Nhờ đó, người chăn nuôi đã thu được lợi nhuận, xóa bỏ nỗi sợ bị thương lái ép giá, yên tâm chăn nuôi. Sản phẩm có kiểm định về chất lượng, có uy tín trên thương trường. Đồng thời, doanh nghiệp thu gom được sản phẩm đảm bảo chất lượng, nâng cao uy tín thương hiệu doanh nghiệp.

Việc ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm đã đảm bảo đôi bên đều có lợi. Mô hình ứng dụng các kỹ thuật mới, có sự hưởng ứng tích cực của đông đảo hộ chăn nuôi cùng hướng dẫn trực tiếp của đội ngũ cán bộ kỹ thuật đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với người chăn nuôi, thích hợp với điều kiện chăn nuôi ở Hải Phòng.

Mô hình cần được nhân rộng ra toàn bộ số xã khác trong quy hoạch đô thị, có nhu cầu phát triển chăn nuôi vịt trên toàn địa bàn. Việc áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến giúp nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm tạo ra sự kết nối vững chắc giữa người sản xuất và thị trường, mang lại lợi ích kinh tế cho người chăn nuôi.

Tính đến tháng 11/2024, tổng đàn gia cầm toàn thành phố Hải Phòng ước đạt 7,9 triệu con giảm 7,74%, trong đó đàn gà ước đạt 6,6 triệu con, còn lại chủ yếu là đàn gà, vịt, ngan, ngỗng,…. Sau bão số 3, những thiệt hại cơ bản đã được người dân khắc phục và việc chăn nuôi đã ổn định trở lại, dự kiến lượng thịt gia cầm phục vụ dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 vẫn đảm bảo.

Bình luận