Tận dụng không gian đô thị, giúp nông dân vươn lên làm giàu

Bình luận · 19 Lượt xem

Ngày 30/11/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Hội thảo định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố.

Hiện tại, Thành phố hiện đã chuyển đổi hơn 40.227 ha đất lúa sang các mô hình sản xuất mới. Trong đó, hơn 15.600 ha được sử dụng trồng lúa chất lượng cao, gần 3.000 ha sản xuất rau an toàn, khoảng 7.400 ha trồng cây ăn quả và 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phân bổ trên nhiều lĩnh vực như trồng trọt (185 mô hình), chăn nuôi (45 mô hình), thủy sản (54 mô hình).

Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tập trung nhiều ở các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng… Một số mô hình bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp tình hình thực tế của Hà Nội, khẳng định vị thế trên thị trường.

Riêng chăn nuôi, Hà Nội phát triển theo vùng, xã trọng điểm với 12 xã chăn nuôi bò sữa, 15 xã chăn nuôi bò thịt. Toàn Thành phố có 722 trang trại chăn nuôi lợn ngoài khu dân cư, bình quân 1,1ha/hộ; 2.147 trại chăn nuôi gia cầm, diện tích bình quân 8.800 m2/trại; 9 hợp tác xã hoạt động sản xuất chăn nuôi.

Hà Nội phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại.

Bên cạnh những thành tựu, nông nghiệp đô thị Hà Nội cũng đối mặt với không ít thách thức. Trong vòng vài năm qua, diện tích đất nông nghiệp đã giảm gần 800 ha do mở rộng không gian đô thị và triển khai các dự án hạ tầng. Nhiều khu vực sản xuất vẫn mang tính manh mún, chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, công tác quy hoạch còn bất cập, chưa có sự liên kết đồng bộ giữa các khu vực. Điều này làm giảm hiệu quả sử dụng đất và tiềm năng phát triển bền vững của nông nghiệp đô thị.

Theo TS. KTS. Trương Văn Quảng, Phó tổng thư ký Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, tại Hà Nội, không gian nông nghiệp vùng ven đô (khu vực đô thị hóa - vùng 2), khu vực này gồm 6 huyện dự kiến thành lập quận hoặc nằm trong vùng định hướng phát triển đô thị gồm: Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức và Thanh Trì, đây là những đơn vị hành chính kề cận các quận. 

Theo đó, không gian nông nghiệp đô thị còn chiếm tỷ lệ lớn trên tổng diện tích tự nhiên theo hình thức đa dạng hóa. Tuy nhiên có xu hướng chuyển dịch sang chuyên canh tương đồng như không gian nông nghiệp đô thị tại các quận.

Đây là không gian luôn có nhiều biến động về đất đai, chức năng; do tác động trực tiếp của quá trình đô thị hóa… nên việc phát triển nông nghiệp đô thị tuy có tiềm năng, lợi thế hơn nhiều so với vùng lõi đô thị nhưng cũng có những hạn chế nhất định.

Chính vì vậy, theo TS. KTS Trương Văn Quảng, Hà Nội cần tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao; phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc. 

Đồng thời, ưu tiên xây dựng vành đai xanh, bảo đảm môi trường sống. Chú trọng phát triển công nghệ giống, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch gắn với phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Cũng tại hội thảo, GS. TS Khoa học Trần Duy Quý nhấn mạnh rằng, phát triển nông nghiệp đô thị tại Hà Nội cần dựa trên quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất. Mục tiêu là tạo ra một cấu trúc cân bằng, hợp lý giữa các yếu tố trong hệ sinh thái nông nghiệp, đồng thời đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường.

Ông Quý đề xuất xây dựng các quy hoạch cụ thể để hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có sức cạnh tranh cao, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị. Trong đó, các khu vực đô thị cần tập trung phát triển những ngành hàng có giá trị kinh tế cao như hoa, cây cảnh, và rau an toàn.

Bên cạnh đó, việc rà soát và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cũng là yêu cầu cấp bách. Hà Nội cần chuyển đổi các vùng đất nông nghiệp có năng suất và hiệu quả kinh tế thấp sang những mục đích sử dụng mang lại giá trị cao hơn, ưu tiên hướng tới tập trung và chuyên canh. Điều này sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực đất đai, đảm bảo sự phát triển nông nghiệp đô thị bền vững và hiệu quả.

Bình luận