Đồng Nai đi tiên phong phát triển nông nghiệp tuần hoàn

Bình luận · 14 Lượt xem

Phát triển nông nghiệp tuần hoàn (NNTH) là xu hướng chung của thế giới. Đồng Nai có diện tích đất nông nghiệp lớn với gần 464 ngàn hécta, diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 244 ngàn hécta. Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh r

Ngành nông nghiệp tỉnh cũng rất quan tâm triển khai các chủ trương, chính sách, hướng dẫn kỹ thuật về NNTH. Đặc biệt, là “thủ phủ” chăn nuôi, Đồng Nai đi đầu ứng dụng công nghệ số trong chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Chất thải nông nghiệp đe dọa môi trường

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong lĩnh vực nông nghiệp, với một số lĩnh vực chủ đạo như: trồng lúa, cây ăn trái, thủy sản và chăn nuôi đã phát thải ra môi trường hàng ngàn tấn chất thải hữu cơ. Nếu được tái sử dụng hiệu quả, đây có thể là nguồn tài nguyên tái tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này chưa được quan tâm tái sử dụng hiệu quả và đúng mục đích để mang lại giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

 

Cụ thể, khối lượng nguồn thải ra môi trường của ngành chăn nuôi gần 100 triệu tấn/năm. Trong đó, chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trùn, cho cá ăn..., còn lại thải ra môi trường. Ở lĩnh vực trồng trọt, mới có khoảng 10% phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm chất đốt tại chỗ, 5% làm nhiên liệu công nghiệp, 3% làm thức ăn gia súc; còn hơn 80% chưa được sử dụng và thải trực tiếp ra môi trường hoặc đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường.

Làm NNTH hiện được nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh quan tâm ứng dụng. Tiêu biểu, nhiều trang trại, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã thu gom các phế phụ phẩm nông nghiệp tự ủ thành phân bón hữu cơ. Các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã thu gom chất thải trong chăn nuôi làm biogas, bán lại cho các DN sản xuất phân bón.

Đây cũng là nguyên nhân khiến nông nghiệp là một trong những tác nhân chính gây biến đổi khí hậu khi phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực này chiếm 18% tổng lượng phát thải. Lượng phát thải dự kiến sẽ lên tới 120 triệu tấn CO2 vào năm 2030, trong đó có tới một nửa xuất phát từ ngành sản xuất lúa gạo.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Văn Thắng cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh rất quan tâm phát triển NNTH. Sở vừa tổ chức Tọa đàm Giải pháp phát triển nông nghiệp tuần hoàn và ứng dụng công nghệ số trong chăn nuôi. Mục tiêu để nông dân trên địa bàn tỉnh trực tiếp chia sẻ, trao đổi với các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia về các nội dung liên quan đến phát triển NNTH và ứng dụng công nghệ số trong chăn nuôi. Đây cũng là dịp tuyên truyền các chủ trương, chính sách, hướng dẫn kỹ thuật về NNTH và ứng dụng công nghệ số trong chăn nuôi. Đồng thời, giới thiệu kết quả nghiên cứu, các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về NNTH và các phần mềm của công nghệ số có thể áp dụng trong chăn nuôi phù hợp với địa phương.

Thu hút đầu tư nông nghiệp tuần hoàn

Nhờ quan tâm thu hút đầu tư phát triển NNTH, Đồng Nai thu hút được cả doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, nông dân cùng tham gia, không ngừng nhân rộng các mô hình NNTH.

Đề tài Nghiên cứu hoàn thiện quy trình thu gom, xử lý phân và xác hữu cơ từ các trang trại chăn nuôi gà để sản xuất phân bón hữu cơ là mô hình điểm về phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện Xuân Lộc trong xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Đề tài do Công ty TNHH Trang Trại Việt triển khai từ năm 2019 với việc đầu tư nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn phân và chất thải trong chăn nuôi gà với công suất đạt 200 tấn/ngày. DN đã ký hợp đồng xử lý chất thải cho một số tập đoàn chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh, hoạt động sản xuất phân bón theo quy trình khép kín từ khâu chăn nuôi với mô hình trang trại nuôi gà không mùi hôi, không chất thải, được làm khô, xử lý ngay trong trại nuôi.

Theo kết quả khảo sát của Công ty TNHH Trang Trại Việt, tổng khối lượng phân gà phát sinh tại các trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh gần 1,46 triệu tấn/năm, gồm phân gà lẫn trấu. Ngoài ra, gà bị loại, gà chết trong quá trình chăn nuôi cũng là lượng chất thải lớn. Theo đó, DN đang triển khai Đề tài cấp bộ Nâng cấp hệ thống xử lý phân và xác gà làm phân hữu cơ bằng công nghệ hiện đại, quy mô đạt 500 tấn/ngày. Điểm nổi bật của đề tài là tất cả chất thải trong chăn nuôi, từ phân đến xác gà, gà loại thải đều trở thành nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ, vừa giúp chủ trại chăn nuôi tăng thu nhập, vừa giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) cũng là DN tiên phong làm NNTH. Sản phẩm nổi bật của DN là rượu vang ca cao được ủ từ thịt của trái ca cao trước đó vốn bị đổ bỏ trong quá trình sản xuất. Theo dự án, vỏ trái ca cao bỏ đi được phơi khô và đem đốt thành biochar (than sinh học) - một sản phẩm có giá trị cao, góp phần vào việc bảo vệ môi trường và tối ưu hóa tài nguyên. Đây là phương pháp mới, không chỉ giải quyết vấn đề quản lý chất thải trong chế biến nông sản, mà còn thúc đẩy ngành ca cao tiếp cận kinh tế tuần hoàn đang được khuyến khích nhân rộng.

Không chỉ DN mà nhiều hợp tác xã, nông dân trên địa bàn tỉnh cũng rất quan tâm làm NNTH. Cụ thể, Hợp tác xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom) là đơn vị tiên phong làm NNTH với mô hình xuất khẩu trái chuối tươi, sản phẩm chế biến từ chuối cho đến sản xuất bẹ chuối khô xuất khẩu. Trước đây, cây chuối sau thu hoạch bị chặt bỏ thì nay được phơi khô làm nguyên liệu sản xuất nhiều mặt hàng thủ công thân thiện với môi trường, xuất khẩu tốt vào các thị trường khó tính như: châu Âu, Nhật Bản…

Bình Nguyên

Bình luận