Vùng hồng giòn đặc sản 'hom hem, ốm yếu', người dân mong sớm được cứu chữa

Bình luận · 20 Lượt xem

Vùng đặc sản hồng giòn Vĩnh Lạc từng có diện tích hơn 70ha, sai trĩu quả, mang lại ấm no cho bà con nhưng nay đang có nguy cơ bị xóa sổ do nấm bệnh.

Cây đặc sản trước nguy cơ bị xóa sổ

Hồng giòn không hạt đã từng là cây đặc sản nổi tiếng mang lại cuộc sống khấm khá cho nhiều hộ dân xã Vĩnh Lạc (huyện Lục Yên, Yên Bái). Tuy nhiên hiện vùng hồng ở đây đang dần mất đi sức sống, những cây hồng không còn ra quả đẹp, quả hỏng nhiều hơn quả lành, và cái tên hồng giòn không hạt đang dần chìm vào quá khứ.

Chiều muộn một ngày giữa tháng 11, chúng tôi thăm vườn hồng của gia đình bà Hoàng Thị Hán ở xã Vĩnh Lạc. Đứng bên cây hồng già hơn 50 năm tuổi, gốc xù xì, những cành khẳng khiu và thưa thớt vài chùm quả, bà Hoàng Thị Hán (78 tuổi) nhớ lại, năm 1972, bà xin được hai cây giống từ một người quen để về trồng trong vườn nhà. Dù không cần chăm bón nhiều, cây hồng vẫn phát triển rất tốt, khoảng 5 năm sau bắt đầu ra quả. Có thời điểm mỗi cây hồng cho thu hoạch đến vài tạ quả, tạo nên một khung cảnh tươi đẹp trong khu vườn.

Bà Hán bên gốc cây hồng già, một thời mang lại thu nhập khá cho gia đình. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Hán bên gốc cây hồng già, một thời mang lại thu nhập khá cho gia đình. Ảnh: Thanh Tiến.

Thế rồi theo năm tháng, 1 cây hồng đã chết khô, cây hồng còn lại gốc đã nhuốm màu thời gian, hàng năm vẫn ra hoa kết trái, tiếc thay sau một thời gian ngắn, hầu hết quả lại rụng đi, số quả còn được thu hái không đáng kể. Dù vậy, bà Hán vẫn không nguôi nhớ về những năm tháng cây hồng đã mang lại cho gia đình bà niềm vui và thu nhập ổn định.

Cũng chung tâm trạng như bà Hán, bà Nông Thị Hợp về làm dâu tại thôn Trung Tâm, xã Vĩnh Lạc từ năm 1986. Thấy trong làng nhà nào cũng trồng rất nhiều cây hồng giòn không hạt, 2 vợ chồng bà đã nhân giống trồng gần 50 cây trong khu vườn xung quanh nhà.

Bà Hợp kể, vào những năm 90 của thế kỷ trước, mỗi cây hồng có thể thu được từ 2 - 3 tạ quả mỗi mùa. So với các loại cây ăn quả khác, cây hồng cho năng suất và hiệu quả kinh tế vượt trội. Đến mùa thu hoạch, cả xã nhộn nhịp, tấp nập thương lái đến thu mua nên cuộc sống của bà con khấm khá lên nhiều.

Hiện nay, những cây hồng giòn không hạt cho năng suất quả rất thấp. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, những cây hồng giòn không hạt cho năng suất quả rất thấp. Ảnh: Thanh Tiến.

Tuy nhiên đến những năm 2000 trở lại đây, dù cây hồng vẫn sai hoa và đậu quả nhưng chỉ khoảng một tháng sau nấm bệnh khiến quả non rụng la liệt, mỗi cây chỉ còn sót lại số quả ít ỏi. Nhiều cây hồng già cỗi, bị sâu bệnh tấn công chết dần. Từ đó gia đình bà Hợp và một số gia đình trong làng đã phải chặt bỏ dần vì năng suất thấp, không còn hiệu quả kinh tế như trước.

Theo bà Hợp, giống hồng giòn không hạt là cây bản địa đã có từ lâu đời, quả hồng thường thu hái khi già, sau đó sẽ được ngâm trong nước sạch 3 ngày rồi vớt ra là ăn được, quả giòn, ngọt đậm và có vị thơm, không chát.

Mong mỏi sớm có biện pháp khôi phục

Sau một thời gian sum suê, trĩu quả, những vườn hồng ở xã Vĩnh Lạc dần bị thoái hóa, nhiễm bệnh, quả hồng non bị nấm tấn công và rụng hàng loạt khắp vườn. Chính quyền huyện và xã đã mời các chuyên gia đến để tìm hiểu nguyên nhân, hỗ trợ bà con khắc phục nhưng chưa có biện pháp nào đem lại hiệu quả. Người dân cũng đã thử áp dụng nhiều phương pháp như bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật nhưng không có tác dụng do cây hồng cao, việc chăm sóc, phòng trừ nấm bệnh gặp khó khăn.

Nhiều cây hồng chỉ còn lại cành lá xác xơ, số lượng quả được thu hoạch không đáng kể. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều cây hồng chỉ còn lại cành lá xác xơ, số lượng quả được thu hoạch không đáng kể. Ảnh: Thanh Tiến.

Không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, cây hồng giòn không hạt đã gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần và sự phát triển kinh tế của xã Vĩnh Lạc. Sản phẩm hồng giòn không hạt không chỉ nổi tiếng trong khu vực mà còn được nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh biết đến, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Giống hồng này có đặc điểm quả giòn, ngọt, không có hạt, nếu để chín cây có thể ăn ngay mà không có vị chát, nếu ngâm nước khi ăn không cần phải gọt vỏ. Người dân địa phương từng coi đó là “vàng xanh” của quê mình, bởi nó không chỉ đem lại thu nhập ổn định, mà còn là sản phẩm nông sản mang đậm bản sắc địa phương.

Gần 20 năm trở lại đây, diện tích trồng hồng ở Vĩnh Lạc giảm dần bởi các vườn hồng bị bệnh nấm quả, quả ra ít, thậm chí không có quả. Những vườn hồng thưa thớt với vài cây khẳng khiu, đơm hoa kết trái chẳng được bao nhiêu. Không ai còn nhìn thấy những cây hồng trĩu quả, mướt mắt một màu đỏ rực nữa.

Hình ảnh những vườn hồng đỏ rực giờ chỉ còn là hoài niệm. Ảnh: Thanh Tiến.

Hình ảnh những vườn hồng đỏ rực giờ chỉ còn là hoài niệm. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Hoàng Văn Kính, một nông dân đã trồng hồng từ khi còn trẻ chia sẻ, ngày trước, mỗi năm gia đình ông thu được vài tấn hồng. Nhưng giờ đây, chỉ có thể thu hoạch vài trăm kg, giá hồng cũng khá cao, trung bình từ 25.000 – 30.000/kg nhưng sản phẩm ít nên thu hoạch chỉ đủ để bán lẻ ngoài chợ huyện.

Đứng giữa vườn hồng đang tàn lụi, ông Kính bày tỏ mong muốn có sự hỗ trợ từ các nhà khoa học để khôi phục lại giống hồng giòn không hạt của địa phương. Người dân mong chờ có những giải pháp lâu dài để chữa trị nấm bệnh cũng như tìm cách phát triển giống cây ăn quả đặc sản này để bà con có thể sống khỏe nhờ nó một lần nữa.

Ông Nông Đình Đoạn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lạc cho biết thêm, thời kỳ hoàng kim, toàn xã có gần 70ha hồng giòn không hạt. Cây đặc sản bản địa này phát triển xanh tốt nên gần như nhà nào cùng trồng. Các vườn hồng sai trĩu quả, những cây hơn 10 năm tuổi có thể thu hoạch từ 2,5 - 3 tạ/cây.

Nhiều người dân mong muốn được hỗ trợ về kỹ thuật để có thể khôi phục vùng hồng. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều người dân mong muốn được hỗ trợ về kỹ thuật để có thể khôi phục vùng hồng. Ảnh: Thanh Tiến.

Tuy nhiên từ giai đoạn 2003 - 2004 đến nay, cây hồng bắt đầu bị mắc nấm bệnh và rụng quả. Xã đã mời các chuyên gia và nhà khoa học đến nghiên cứu, tìm biện pháp khắc phục nhưng không có phương pháp đặc trị hiệu quả. Vì vậy diện tích trồng hồng giảm mạnh, hiện mỗi gia đình chỉ còn vài cây, tổng diện tích còn lại chỉ khoảng 1 - 2ha. Do cây hồng không còn cho hiệu quả kinh tế cao như trước, người dân đành phải chặt bỏ và chuyển sang trồng các loại cây khác.

Dù hiện tại diện tích hồng ở Vĩnh Lạc chỉ còn là một phần nhỏ so với trước kia nhưng người dân nơi đây vẫn luôn nuôi hi vọng về việc phục tráng vùng hồng. Niềm mong mỏi đó không chỉ là vì miếng cơm manh áo, mà còn là niềm tự hào về một sản vật quý mà cha ông để lại. Nếu được hỗ trợ bài bản, đúng cách, giống hồng giòn này hoàn toàn có thể trở lại thời kỳ hoàng kim, góp phần nâng cao đời sống của bà con.

Hi vọng rằng trong tương lai không xa, những vườn hồng sẽ lại trĩu quả, mang đến niềm vui cho người dân và cả những ai yêu thích sự ngọt ngào, tinh khiết của loại quả đặc sản này.

Bình luận