Chuyển đổi số trên nương chè: Giảm chi phí nhờ dự báo chính xác

Bình luận · 34 Lượt xem

Trạm thời tiết thông minh iMetos giúp nông dân nhanh chóng nắm bắt các hiện tượng thời tiết cực đoan, từ đó chủ động đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời.

Các chuyên gia luôn nhắc về tinh thần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nông dân nếu chuẩn bị tốt phương án trước các đợt sâu bệnh hại sẽ giảm được lượng thuốc BVTV sử dụng, thậm chí có thể thay thế bằng các giải pháp hữu cơ, sinh học. 

Trạm iMetos tại TP Sông Công (Thái Nguyên). Ảnh: Quang Linh.

Trạm iMetos tại TP Sông Công (Thái Nguyên). Ảnh: Quang Linh.

Dự báo sớm, lợi ích lớn

Thời gian qua, trạm thời thời tiết thông minh iMetos đã được tỉnh Thái Nguyên triển khai dự án ứng dụng rộng rãi trong trồng trọt nói chung và canh tác cây chè nói riêng. Trạm iMetos phục vụ đắc lực cho nông dân thông qua việc tính toán lịch gieo trồng, thu hoạch, dự báo thời tiết, cảnh báo sớm sâu bệnh gây hại.

Trạm quan trắc thời tiết thông minh iMetos hoạt động nhờ pin năng lượng mặt trời, cung cấp điện ổn định cho thiết bị ngay cả trong điều kiện thiếu ánh nắng.

Hệ thống có thể dự báo, cảnh báo thời tiết từ 1 - 6 ngày với độ chính xác 70 - 80%, dự báo 24 giờ có thể đạt độ chính xác 90 - 100%. Hệ thống còn dự báo được lượng mưa và thời gian mưa từ khi bắt đầu đến kết thúc, báo động lượng mưa quá ngưỡng, nhiệt độ cực đoan như nóng, lạnh, rét đậm, rét hại, sương muối với phạm vi phục vụ bán kính 5 - 25km. Những thông tin cảnh báo thời tiết có thể được truyền tới người sử dụng từ 10 - 60 phút/lần qua mạng thông tin di động và internet.    

Dự án còn hoàn thiện mô hình cảnh báo, dự báo sâu bệnh trên cây chè (rầy lưng xanh và bọ cánh tơ); tổ chức tập huấn cho cán bộ địa phương về truy cập và sử dụng dữ liệu quan trắc, dự báo thời tiết giúp cán bộ địa phương nắm bắt và sử dụng phục vụ trong công tác điều hành, chỉ đạo sản xuất. 

HTX Trà Cao Sơn ở xóm Khe Lim, xã Bình Sơn là nơi đặt trạm iMetos của thành phố Sông Công (Thái Nguyên). Ông Phạm Văn Tiến, Giám đốc HTX Trà Cao Sơn cho biết: “Chúng tôi có lẽ được ưu ái, trạm quan trắc được đặt trong HTX nên từ khi được lắp đặt tới nay chúng tôi không bị bất kì loại sâu bệnh hại nào”.

Đồi chè tại HTX Trà Cao Sơn. Ảnh: Quang Linh.

Đồi chè tại HTX Trà Cao Sơn. Ảnh: Quang Linh.

Toàn bộ 20ha chè của HTX Trà Cao Sơn đã đạt tiêu chuẩn VietGAP và đang từng bước chuyển đổi sang hướng hữu cơ. Trạm quan trắc giúp bà con nắm bắt sớm thông tin dự báo thời tiết, sâu bệnh hại. Từ đó, giúp HTX đề ra kế hoạch sản xuất phù hợp.

“HTX đã có 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, để nâng hạng lên 5 sao phải đạt tiêu chí có thị trường xuất khẩu. Mà muốn được các nước khó tính lựa chọn và tin dùng thì cần đáp ứng yêu cầu về dư lượng thuốc BVTV. Do đó, mục tiêu của chúng tôi là tiến tới sản xuất hữu cơ để kiểm soát dư lượng thuốc BVTV và việc dự báo sớm sâu bệnh hại giúp ích rất nhiều cho quá trình chuyển đổi của HTX”, ông Phạm Văn Tiến nêu định hướng.

Dự báo chính xác đến từng phút

Là đơn vị được triển khi trạm quan trắc thông minh iMetos tại huyện Phú Lương (Thái Nguyên), ông Tô Văn Khiêm, Giám đốc HTX Chè an toàn Khe Cốc cho biết: “Đợt mưa bão vào tháng 9 vừa qua, tôi chỉ tin tưởng dự báo mưa của trạm quan trắc thông minh iMetos vì nó đúng đến từng phút”.

Các ứng dụng dự báo thời tiết thông thường chỉ giúp bà con biết là hôm nay mưa hay không, chứ khó có thể thể chính xác được từng giờ, từng phút chứ chưa nói đến cụ thể với từng khu vực cấp huyện. Đơn cử như việc bà con chỉ hái chè vào buổi sáng khi không có mưa, nếu dự báo chính xác là chỉ mưa buổi chiều, sáng vẫn nắng thì nông dân sẽ không bị lãng phí công lao động.

“Nông dân xem thời tiết không phải để mặc áo mưa, mà phải là thông tin để tính toán thời gian thu hoạch, bón phân… cho cây trồng. Trong trồng trọt, một trận mưa bất chợt, không được dự báo trước sẽ làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch canh tác và hiệu quả sinh trưởng của cây trồng”, ông Khiêm chia sẻ.

Để tăng hiệu quả sử dụng trạm quan trắc thông minh, Giám đốc HTX Chè an toàn Khe Cốc kiến nghị nên thành lập các hội nhóm trên zalo, facebook trong cùng HTX để nhắc nhở, chia sẻ thông tin để nông dân trong khu vực có thể nắm bắt dự báo đơn giản, bởi do thói quen nên bà con vẫn ít theo dõi ứng dụng trên điện thoại.

Bình luận