Lợn nuôi bằng thức ăn bổ sung bột chè xanh giúp tăng miễn dịch

Bình luận · 17 Lượt xem

Nuôi lợn thịt bằng thức ăn bổ sung bột chè xanh có nhiều ưu điểm, như tăng khả năng miễn dịch, giảm các bệnh thông thường trong đường tiêu hóa,...

Nông dân hào hứng tiếp cận kỹ thuật mới

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Lương phối hợp Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu bột lá chè xanh Thái Nguyên cho gia đình thuộc xã Phấn Mễ. Mô hình thử nghiệm tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Phương, xóm Cọ 2, xã Phấn Mễ với quy mô nuôi 25 con lợn thịt, thời gian nuôi 6 tháng.

Theo bà Nịnh Thị Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Lương, các hộ tham gia mô hình sẽ được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu bột lá chè xanh Thái Nguyên (hỗ trợ kinh phí mua nguyên liệu chè xanh).

"Sau khi triển khai mô hình thử nghiệm, cơ quan chuyên môn sẽ đánh giá hiệu quả và nhân rộng sang các hộ chăn nuôi lợn lấy thịt tại một số xã tại địa phương", bà Thắng cho biết.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đạt, chủ nhiệm đề tài hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, cách phối, trộn thức tự nhiên.

Nguyên liệu chính dùng làm thức ăn chủ yếu có nguồn gốc từ tự nhiên như: cám gạo, cám ngô, đậu tương… chuẩn bị theo tỷ lệ phối trộn theo các giai đoạn sinh trưởng khác nhau của lợn thịt. Nguyên liệu bổ sung tính cho 100kg thức ăn phối trộn gồm: bột lá chè Thái Nguyên (3kg), Men vi sinh (500g), Premix-khoáng (1kg), muối ăn (300gam).

Bột chè xanh được sản xuất từ lá chè sấy khô, rồi nghiền nhỏ, sau đó được bổ sung vào nguyên liệu ủ thức ăn tự nhiên chăn nuôi lợn. Bên cạnh đó, các hộ còn được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc và phòng trị bệnh cho lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung bột lá chè xanh, kỹ thuật làm đệm lót sinh học…

Trang trại lợn của ông Nguyễn Văn Phương. Ảnh: Quang Linh.

Trang trại lợn của ông Nguyễn Văn Phương. Ảnh: Quang Linh.

Được chuyển giao kỹ thuật, ông Nguyễn Văn Phương kỳ vọng mô hình nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu bột lá chè xanh giúp vật nuôi có sức đề kháng tốt, hạn chế dịch bệnh, cải thiệt chất lượng thịt…

“Thông qua báo chí, tôi đã biết tới mô hình nuôi lợn từ thức ăn có bổ sung bột chè xanh với nhiều hiệu quả tích cực. Nay được chính nhà khoa học thực hiện đề tài cùng cơ quan chuyên môn hướng dẫn, tôi cam kết sẽ thực hiện theo đúng quy trình đã chuyển giao. Nếu quá trình chuyển giao thuận lợi, tôi sẽ tăng đàn nuôi bằng thức ăn có bổ sung bột chè xanh”, ông Phương hào hứng.

Kỹ thuật nuôi lợn thịt bằng thức ăn bổ sung bột chè xanh đang được chuyển giao tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Quang Linh.

Kỹ thuật nuôi lợn thịt bằng thức ăn bổ sung bột chè xanh đang được chuyển giao tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Quang Linh.

Các bước tiến hành ủ thức ăn

Bước 1: Chuẩn bị 40 lít nước sạch cho vào thùng chứa, bổ sung 3kg cám gạo cùng 3kg cám ngô vào thùng nước, khuấy đều. Cho 500gam men vi sinh vào thùng nước, khuấy đều. Thùng dịch men vi sinh kích hoạt men trong thời gian từ 1-2 giờ, sau đó tiến hành ủ thức ăn.

Bước 2: Chuẩn bị sẵn các nguyên liệu theo tỷ lệ. Sử dụng máy trộn để trộn đều các nguyên liệu theo trình tự từ nguyên liệu có khối lượng lớn nhất đến khối lượng nhỏ nhất. Cho cám ngô vào máy trộn, tiếp theo cho cám gạo vào, bật máy, trộn đều 2 nguyên liệu trên; tiếp tục cho đậu tương vào máy trộn, trộn đều.

Đối với các loại nguyên liệu khối lượng nhỏ (Bột lá chè xanh, khoáng-vitamin, muối ăn) phải trộn trước với một lượng ngô nghiền để tăng khối lượng, sau đó mới trộn lẫn với các nguyên liệu khác để đảm bảo phân bố đều trong hỗn hợp thức ăn.

Bước 3: Cho dịch men vi sinh đã chuẩn bị từ từ vào máy trộn, trộn đều hỗn hợp với dịch men vi sinh trong thời gian từ 3-5 phút. Kiểm tra những vị trí thức ăn chưa được làm ẩm, đóng vón cục, trộn lại cho thật đều hỗn hợp và dịch men.

Bước 4: Chuyển hỗn hợp thức ăn đã phối trộn ra thủng chứa để tiến hành ủ men vi sinh, để hỗn hợp thức ăn 1-2 giờ, sau đó tiến hành dùng túi nilong bịt kín miệng thùng ủ thức ăn, cố định bằng dây chun, đậy kín nắp và tiến hành bảo quản từ 1 đến 2 ngày, sau đó kiểm tra thức ăn ủ men vi sinh đạt yêu cầu là thức ăn có mùi thơm, chua nhẹ, không bị mốc, không có mùi hôi thối. Thức ăn phối trộn ủ men sử dụng 3-5 ngày.

Bình luận