Phát triển kinh tế số nông nghiệp

Bình luận · 30 Lượt xem

(Báo Quảng Ngãi)- Đầu tháng 11 vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT và Hội Khoa học kinh tế tỉnh tổ chức Hội thảo Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế số nông nghiệp trên

Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh, cán bộ quản lý, đại diện doanh nghiệp. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp có ứng dụng hiệu quả công nghệ số; chủ thể sản phẩm OCOP.

Nhiều khó khăn, thách thức

Công tác CĐS, phát triển kinh tế số nông nghiệp tại Quảng Ngãi đã đạt được một số  kết quả. Rõ nét nhất là nông dân đã chủ động tiếp cận công nghệ số và tích cực tham gia thu thập, cung cấp dữ liệu mở phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản... Tuy nhiên, công tác CĐS, đặc biệt phát triển kinh tế số của tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức. 

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương, công tác CĐS, đặc biệt phát triển kinh tế số nông nghiệp của Quảng Ngãi còn hạn chế về hạ tầng công nghệ, gây khó khăn trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực có chuyên môn về công nghệ thông tin trong lĩnh vực nông nghiệp còn thiếu, đặc biệt trong các khu vực nông thôn.

Hiện nay, dữ liệu về nông nghiệp còn rời rạc, chưa được số hóa và quản lý một cách tập trung, đồng bộ, khiến cho việc triển khai các hệ thống phân tích, dự báo và ra quyết định trở nên khó khăn. Chính phủ đã có nhiều chủ trương lớn nhưng việc triển khai chi tiết vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình thực hiện.

Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị sản xuất.Trong ảnh: Nông dân huyện Nghĩa Hành chăm sóc vườn bưởi. Ảnh: LÊ MINH THỂ
Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị sản xuất. Trong ảnh: Nông dân huyện Nghĩa Hành chăm sóc vườn bưởi. Ảnh: LÊ MINH THỂ

Trong quá trình số hóa, vấn đề bảo mật thông tin dữ liệu nông nghiệp chưa được chú trọng đầy đủ. Các hệ thống công nghệ dễ bị tấn công, gây mất mát hoặc lộ lọt thông tin quan trọng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Công tác đào tạo kết hợp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp, hỗ trợ nông dân phát triển kỹ năng và tri thức số, sử dụng công nghệ số trong nông nghiệp, kỹ năng về sử dụng, khai thác các sàn giao dịch điện tử, thanh toán điện tử còn nhiều hạn chế.

Hướng đi tất yếu

Trước thực trạng nêu trên, tại hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý và doanh nghiệp tập trung thảo luận và đề xuất một số giải pháp phát triển kinh tế số nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

“Ngành nông nghiệp cần đẩy nhanh, nhiều hơn nữa các chương trình đào tạo, tận dụng đào tạo trực tuyến để nhiều người dân có thể tham gia. Người dân được thụ hưởng để họ có khả năng áp dụng công nghệ vào sản xuất và đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, Quảng Ngãi cần có những giải pháp hoàn thiện cơ sở hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin cũng như hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ cho phát triển kinh tế số trong nông nghiệp”, GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh), nhấn mạnh.

Nông dân huyện Lý Sơn ứng dụng công nghệ tưới phun tự động vào sản xuất nông nghiệp.                      Ảnh: HỒNG HOA
Nông dân huyện Lý Sơn ứng dụng công nghệ tưới phun tự động vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: HỒNG HOA

Theo TS Nguyễn Anh Tuấn- Trưởng khoa Kinh tế (Phân hiệu Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi), cần nâng cao nhận thức cho hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân về lợi ích của thương mại điện tử đối với việc tìm kiếm thị trường và đưa sản phẩm ra thị trường. Nhất là hỗ trợ trong việc thiết lập website và các nền tảng ứng dụng thương mại điện tử. Đồng thời, tuyên truyền và đào tạo nguồn nhân lực cho hợp tác xã, doanh nghiệp để thực hiện ứng dụng thương mại điện tử ngày càng tốt hơn.

Hội thảo cung cấp 20 nghiên cứu và tham luận tập trung khai thác dưới những góc nhìn đa chiều về các chủ đề lớn như: Đánh giá thực trạng và sự ảnh hưởng của CĐS, kinh tế số nông nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025; đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả CĐS, kinh tế số trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua; những đề xuất, kiến nghị với Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh. 

Trong cơ cấu GDP của Quảng Ngãi, nông nghiệp chỉ chiếm 16 - 18%, trong khi công nghiệp chiếm khoảng 52%, thương mại - dịch vụ khoảng 30%. Như vậy, Quảng Ngãi cần đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp. Nhiều ý kiến của các nhà khoa học cũng như các tham luận đề cập đến các giải pháp căn cơ để thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.

“Các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực, nghiên cứu thị trường. Các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật mới, đảm bảo xuất khẩu đến các thị trường cao hơn, tốt hơn và xa hơn”, TS Phạm Hoài Nam - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế tỉnh, đề xuất.

Hiện nay, trong lĩnh vực trồng trọt, nhiều địa phương đã ứng dụng khoa học kỹ thuật trong tưới tiết kiệm, vận hành tưới tự động đối với cây lúa, cây rau màu... với diện tích gần 3.000ha. Đến nay, toàn tỉnh có 13 mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa và 1 mã số vùng trồng xuất khẩu trong lĩnh vực trồng trọt. Tất cả 13/13 huyện, thị xã, thành phố có sản phẩm OCOP, với 130 sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Những năm qua, Sở NN&PTNT đã đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng nhiều hệ thống phần mềm quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói, quản lý vùng nuôi và trang trại nuôi... giúp hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm sản, thủy lợi...

Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, giúp nông dân bắt nhịp với xu hướng và thời đại mới. Từ đó, thực hiện thành công chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

Bình luận