Bạc Liêu phấn đấu đạt 46.000ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Bình luận · 23 Lượt xem

Đến năm 2030, tỉnh Bạc Liêu phấn đấu diện tích tham gia Đề án đạt 46.000ha, được triển khai tại 5 huyện, thị trọng điểm trồng lúa.

Tham gia thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, đến năm 2030, tỉnh Bạc Liêu phấn đấu diện tích tham gia Đề án đạt 46.000ha, được triển khai tại 5 huyện, thị trọng điểm trồng lúa là Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai.

Trong giai đoạn 1 từ năm 2024 đến cuối 2025, tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung rà soát, chọn vùng tham gia thực hiện Đề án, xây dựng kế hoạch đăng ký, triển khai thực hiện theo từng năm. Trong đó, chú trọng hoàn thiện các tiêu chí về quy hoạch và cơ sở hạ tầng, canh tác bền vững và tăng trưởng xanh, tổ chức sản xuất và mời doanh nghiệp tham gia liên kết.

Ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu chú trọng sản xuất lúa chất lượng cao gắn với cơ giới hóa. Ảnh: Trọng Linh.

Ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu chú trọng sản xuất lúa chất lượng cao gắn với cơ giới hóa. Ảnh: Trọng Linh.

Giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2030, tỉnh sẽ tập trung vào các hoạt động mở rộng diện tích, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng diện tích mới. Tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện ứng dụng hệ thống đo đạc - báo cáo - thẩm định. Đồng thời duy trì sản xuất bền vững ở những vùng đã đạt các mục tiêu của Đề án giai đoạn 2024 - 2025.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, Đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng với nông dân vùng ĐBSCL và ngành hàng lúa gạo. Mục tiêu quan trọng nhất của Đề án là tạo sinh kế và định hướng phát triển bền vững, tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa.

"Hằng năm tỉnh Bạc Liêu có tổng sản lượng lúa gần 1,2 triệu tấn, đóng góp cho mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và phục vụ cho xuất khẩu. Để thực hiện thành công Đề án, cần sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương. Về phía các doanh nghiệp, cần có những đầu tư, hợp tác liên kết trong thời gian tới, giúp nông dân thuận lợi nhất trong việc tiếp cận các nguồn vật tư đầu vào chất lượng với giá cả hợp lý", ông Ly nhấn mạnh.

Bình luận