Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng phát triển bền vững giúp nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân. Đây là điều kiện quan trọng, bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyề
Thành lập từ năm 2017, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Xanh ở xã Đú Sáng (Kim Bôi) đang thực hiện mô hình trồng dưa chuột Nhật và chanh leo. Đến nay, HTX có trên 20 thành viên. Bắt tay vào sản xuất, HTX đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi. Các mô hình thực hiện theo quy trình kỹ thuật với sự hướng dẫn của các công ty, HTX liên kết sản xuất ở các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Ninh Bình.... Năm 2024, HTX tập trung phát triển trồng ớt tại 5 huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy, Đà Bắc, Kim Bôi, tổng diện tích hơn 20ha. Trung bình 1 ha, 1 vụ nếu đầu tư chăm sóc tốt cho thu hoạch 70 - 80 tấn. Giá bán được bao tiêu ổn định từ 6 - 10 nghìn đồng/kg.Trừ chi phí, mỗi 1 ha ớt người dân thu về từ 350 - 400 triệu đồng/vụ.
Ông Bùi Thanh Sơn, Giám đốc HTX nông nghiệp Xanh cho biết: Khi sản xuất theo chuỗi, HTX có thể đảm bảo được chất lượng sản phẩm thông qua việc kiểm soát được quy trình sản xuất từ đầu vào giống, phân bón đến quá trình thu hái và sơ chế sản phẩm. Tuy ban đầu khá vất vả nhưng khi các hộ thành viên đã thành thục quy trình sản xuất, sản phẩm đầu ra đảm bảo.
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thời gian qua, huyện Kim Bôi tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung đề án nhằm từng bước tổ chức lại sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Đến nay, toàn huyện đã có 7 chuỗi liên kết phát triển sản xuất: ớt chỉ địa, dưa chuột, cây lấy hạt, mật ong, ngô ngọt, cây gai xanh, cây ăn quả có múi, với diện tích trên 70ha. Huyện Kim Bôi cũng có trên 150 ha cây trồng đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, được cấp chứng nhận.
Thời gian tới, huyện Kim Bôi xác định đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến, giới thiệu những sản phẩm nông nghiệp sạch, đạt chất lượng. Các HTX tiếp tục liên kết với doanh nghiệp và kinh tế hộ để hình thành, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Qua đó, góp phần đưa nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp - thương mại Bình Sơn cho biết: Việc tạo chuỗi giá trị sản phẩm có tính phát triển bền vững đang trở thành xu thế tất yếu của kinh tế tập thể. Vì vậy, cũng như nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp khác, chúng tôi phải xác định những giải pháp đồng bộ để bắt kịp xu thế này. Để có nền tảng vững chắc xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, chúng tôi mong có cơ chế tạo điều kiện ưu tiên cho phát triển các chuỗi sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ về hạ tầng, công nghệ, vốn, chuyển đổi số và nâng cao chất lượng quản lý doanh nghiệp, HTX.
Thực tế cho thấy, việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã đem lại hiệu quả thiết thực cho các HTX và thành viên, góp phần giảm nhiều khâu trung gian, chi phí, hạ giá thành, tăng giá trị sản phẩm... Đây là yếu tố tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện Kim Bôi.
Đinh Hòa