Nông dân cho thuê ruộng vẫn có tâm lý sợ mất đất
Chủ đề: "Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn" thu hút hơn 200 nông dân tiêu biểu tham gia. Tại diễn đàn, bà Trần Thị Lanh, HTX tiêu biểu năm 2024, thực hiện mô hình đại điền 100ha đất lúa ở xã Bình Minh (Kiến Xương, Thái Bình) cho hay, người nông dân cho thuê ruộng vẫn có tâm lý sợ mất ruộng do chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên việc thuê đất của người dân để sản xuất quy mô lớn của những nông dân có mong muốn làm đại điền như bà Lanh đang gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, theo bà Lanh, một trong những trở ngại của đại điền hiện nay là vấn đề mặt bằng, bãi để khay mạ, kho chứa, nhà xưởng. Diện tích canh tác lớn nhưng nông dân lại chưa có đủ điều kiện để thuê đất làm nhà kho, nhà chứa thóc gạo, máy móc, nhà xưởng sấy thóc... Trong khi đó, xu thế hiện nay của nhiều đại điền Thái Bình là vừa canh tác lớn vừa mở rộng làm dịch vụ nông nghiệp cho các hộ, hợp tác xã khác. Do vậy, bà Lanh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hỗ trợ đại điền có mặt bằng hợp pháp để phát triển hệ thống kho, nhà xưởng phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Trả lời băn khoăn của nông dân Trần Thị Lanh, Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ TN&MT) Đoàn Thị Thanh Mỹ cho hay, Luật Đất đai năm 2024 đã có điểm rất mới, đó là tập trung tích tụ đất nông nghiệp. Riêng với phương thức cho thuê đất nông nghiệp, Nhà nước sẽ có chính sách để hỗ trợ trong việc đo đạc, cấp giấy, chỉnh lý trên hồ sơ địa chính đối với trường hợp dồn điền đổi thửa thì ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Còn các trình tự, phương án, trong Điều 77 và 78 của Nghị định số 102/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2024 đã quy định rõ, trong đó quy định cụ thể phần làm phương án sử dụng đất, làm sao để sử dụng đất có hiệu quả và trên cơ sở phương án sử dụng đất đó thì UBND cấp huyện sẽ xác nhận phương án.
Theo bà Đoàn Thanh Mỹ, ngoài trường hợp tập trung đất nông nghiệp theo hướng hợp tác, cho thuê, chuyển đổi đất nông nghiệp thì còn một phương thức nữa, đó là tích tụ đất nông nghiệp thông qua nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn… trong Điều 194 Luật Đất đai 2024 cũng đã quy định cụ thể phương án này và tại Khoản 6 Điều 45 thì đã cho phép các tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và sẽ có phương án.
Liên quan đến vấn đề làm sao để có mặt bằng xây dựng kho bãi, bảo quản nông cụ sản xuất, nông sản, Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ cho hay, tại Điều 9 Luật Đất đai năm 2024 cũng như tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 Nghị định số 102/NĐ- CP đã quy định chi tiết phần phân loại đất, trong đó nhóm đất nông nghiệp khác sẽ có một phần diện tích để xây kho, bãi. Đây là những điểm rất mới tại Luật Đất đai năm 2024.
Cũng về vấn đề cho thuê đất nông nghiệp, ông Nguyễn Cường, Nông dân Việt Nam xuất sắc nuôi tôm công nghệ cao xã Diễn Trung (Diễn Châu, Nghệ An) cho hay, cái khó của nhiều nông dân là bị vướng vào các bất cập trong vấn đề đất đai. Đơn cử như gia đình ông, thuê đất để nuôi tôm nhưng chỉ có thời hạn tối đa 20 năm, nên không dám đầu tư lâu dài bằng các thiết bị, công nghệ mới. “Thêm vào đó, đến nay quá hạn thuê đất rồi, nhưng gia đình tôi vẫn chưa làm được thủ tục gia hạn cho thuê đất. Đây là tình trạng không chỉ gia đình tôi mà còn của nhiều nông dân sản xuất quy mô lớn ở cùng địa phương”, ông Cường băn khoăn.
Trả lời câu hỏi của ông Cường, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất Đào Trung Chính cho biết, nếu là đất giao, theo Luật Đất đai kể cả Luật Đất đai 2013 là tự động kéo dài 50 năm, người dân không phải làm thêm cái gì, nhà nước phải tự làm cho người dân. Nếu đất thuê hết 20 năm, nhà nước không lấy làm gì mà người dân vẫn có nhu cầu thì vẫn tiếp tục cho thuê tiếp.
Công khai tên người trúng đấu giá đất nhưng bỏ cọc
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội chia sẻ câu chuyện thời gian qua, một số địa phương của Hà Nội như Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Mê Linh tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở, tạo nên cơn sốt rất cao, có những nơi lên tới cả 100 triệu đồng/m2.
Ông Hiếu cho rằng, chủ trương đấu giá đất là đúng, nhưng cũng lo ngại, nhiều đối tượng lợi dụng cơ hội để thổi giá đất. Đại diện Hội Nông dân xã Phú Yên mong muốn được biết, thời gian tới nhà nước sẽ có công cụ và chính sách gì để kiểm soát việc đẩy giá đất “ảo” lên quá cao, đồng thời vẫn tiếp tục áp dụng hình thức đấu giá đất để đảm bảo hài hòa lợi ích, tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Chia sẻ về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy cho biết, nhằm khắc phục bất cập, vướng mắc, trong đó có các trường hợp trục lợi từ đấu giá đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp khả thi, hiệu quả, cứng rắn và đồng bộ.
Trước hết, yêu cầu các địa phương phải thực hiện nghiêm quy định của Luật Đấu giá tài sản, Luật Giá, Luật Đất đai 2024. Hai là phải công khai minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị tại các khu vực đấu giá đất. Giải pháp thứ ba là điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất làm cơ sở để tính giá khởi điểm khi thực hiện đấu giá đất.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chia sẻ thêm, theo quy định, đất đấu giá được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, kỹ thuật thì cơ quan có thẩm quyền phải xác định lại giá đất khởi điểm cho phù hợp. Tuy nhiên có những địa phương đầu tư đồng bộ về mặt hạ tầng kỹ thuật nhưng lấy giá đất khởi điểm theo phương án khi chưa đầu tư hạ tầng, dẫn đến giá khởi điểm và giá trúng giá có sự chênh lệch rất lớn, xuất hiện nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động đấu giá để mua bán kiếm lời.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, có thể quy định rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá trong quy chế đấu giá, đồng thời bổ sung quy định công khai các trường hợp bỏ cọc trúng giá đất để chuộc lợi. Cuối cùng là tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân có vi phạm pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất. Bộ trưởng cho rằng, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp như trên sẽ khắc phục được bất cập trong hoạt động đấu giá đất thời thời gian qua, nhất là các huyện vùng ven Hà Nội.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn khẳng định, ngày càng có thêm nhiều làng quê đáng sống. Về vấn đề tuyên truyền cho hội viên nông dân thực hiện tốt nội dung chuyển đổi xanh có rất nhiều nội dung, đây cũng là 1 trong những cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26.
Ngoài đổi mới công tác tuyên truyền, Hội Nông dân Việt Nam cũng phối hợp với Bộ TN&MT xây dựng các mô hình cụ thể. Đặc biệt, Hội Nông dân Việt Nam đã thực hiện hiệu quả Dự án áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường ở 26 tỉnh, thành. Điển hình như ở tỉnh Bắc Giang mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường đã nhân rộng với hơn 70.000 nông dân gia với diện tích hơn 7.100ha.
Kết luận Diễn đàn, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đỗ Đức Duy đề nghị các đơn vị trực thuộc của hai cơ quan và các bộ, ngành tiếp tục rà soát, tổng hợp, giải đáp, hướng dẫn kịp thời các câu hỏi, ý kiến chưa được trực tiếp trả lời tại Diễn đàn. Bên cạnh đó, tập trung rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực thi có hiệu quả hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn; tập trung giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, các nguy cơ suy giảm, cạn kiệt tài nguyên và đa dạng sinh học.