Lắng nghe nông dân để cùng phát triển nông nghiệp xanh

Bình luận · 19 Lượt xem

Ngày 24-11, tại Trung tâm Hội nghị 11 Lê Hồng Phong (quận Ba Đình, thành phố Hà Nội), Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn lắng nghe nông dân...

Đồng chủ trì Diễn đàn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn.

Diễn đàn năm nay có chủ đề “Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn”. Đây là cơ hội quan trọng để lắng nghe khó khăn, vướng mắc của nông dân liên quan đến đất đai, môi trường và định hướng phát triển nông nghiệp xanh bền vững.

Chương trình được tường thuật trực tiếp trên các nền tảng số và kết nối tới hơn 10.000 điểm cầu của Hội Nông dân trên cả nước, nhằm lan tỏa thông điệp và nội dung thảo luận.

dien-dan.jpg
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Dân Việt

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh: Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu. Tuy nhiên, vẫn tồn tại thách thức lớn, như tích tụ đất đai khó khăn, sản xuất nhỏ lẻ, chuyển đổi công nghệ sản xuất xanh còn hạn chế, tác động của biến đổi khí hậu.

Diễn đàn là dịp để Hội Nông dân lắng nghe, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nông dân, nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân sắp tới.

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định: "Chúng tôi mong lắng nghe nguyện vọng, sáng kiến và giải pháp từ nông dân để tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực đất đai, tài chính. Đây là điều kiện để chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp xanh, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050". Theo đó, các nội dung tập trung thảo luận, giải đáp tại diễn đàn, gồm: Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai 2024; các mô hình tái chế chất thải nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy tiếp cận nguồn lực đất đai, tài chính và công nghệ...

dien-dan3.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam chủ trì diễn đàn. Ảnh: Dân Việt

Diễn đàn đã ghi nhận, lắng nghe, thảo luận hơn 20 nhóm câu hỏi, ý kiến phản ánh với tinh thần thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm cao của cán bộ Hội Nông dân, hội viên nông dân xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp nhóm vấn đề của nông dân cả nước...

Điển hình như ông Nguyễn Bá Tân (Hà Nội) đặt câu hỏi về khó khăn trong chuyển đổi và cấp giấy chứng nhận đất nông nghiệp liên quan đến quy hoạch. Ông bày tỏ lo ngại về việc giải quyết các trường hợp đất "dính" một phần quy hoạch, chưa được quy định rõ trong Luật Đất đai 2024.

Hay như ông Võ Quan Huy (Long An), Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, đề xuất xây dựng công thức thu tiền sử dụng đất hợp lý. Ông Huy kiến nghị cải thiện cơ chế quản lý đất đai từ các nông, lâm trường cũ để hỗ trợ nông dân canh tác hiệu quả hơn...

Gửi kiến nghị đến diễn đàn, ông Nguyễn Cường, Nông dân Việt Nam xuất sắc nuôi tôm công nghệ cao ở xã Diễn Trung (Diễn Châu, Nghệ An) cho hay: Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành luôn động viên, khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất hiệu quả..., nhưng cái khó của nhiều nông dân là bất cập trong vấn đề đất đai. Ông chia sẻ, gia đình ông thuê đất để nuôi tôm, nhưng chỉ có thời hạn tối đa 20 năm, khiến gia đình không dám đầu tư lớn, công nghệ mới...

dien-dan2.jpg
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến xung quanh vấn đề thực thi Luật Đất đai 2024 đã được gửi tới lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Dân Việt

Các nội dung nêu tại diễn đàn, cơ bản được đại diện các cơ quan, đơn vị chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam giải đáp, làm rõ...

Kết thúc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, việc thực hiện các kết luận và nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị, đặc biệt Kết luận số 81-KL/TƯ và Nghị quyết số 46-NQ/TƯ cùng các chương trình hành động của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tinh thần đồng hành, hỗ trợ nông dân đã được thể hiện rõ, lấy nông dân làm trung tâm, tạo môi trường thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội.

dien-dan1.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Dân Việt

Bộ trưởng đề nghị tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao nhận thức về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số; gắn công tác tuyên truyền với tháo gỡ khó khăn thực tế, giúp nông dân tiếp cận chính sách mới để phát triển bền vững; tổ chức thực thi hiệu quả Luật Đất đai 2024, Luật Bảo vệ môi trường và các luật liên quan, đặc biệt phổ biến sâu rộng chính sách đất đai mới để hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông thôn mới; giải quyết ô nhiễm môi trường nông thôn, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường các-bon trong nông nghiệp; cập nhật kế hoạch phòng ngừa, di dời tái định cư tại khu vực rủi ro cao, bảo vệ an toàn cho người dân trước tác động của biến đổi khí hậu; đưa đất chưa sử dụng vào khai thác, quản lý chặt chẽ việc khai thác khoáng sản và nguồn nước, bảo đảm an ninh nguồn nước trong nông nghiệp; xử lý nước thải, chất thải rắn, cải thiện môi trường làng nghề, cung cấp nước sạch cho vùng nông thôn, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và phát triển kinh tế hữu cơ...

"Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đồng hành, hỗ trợ nông dân và các cấp Hội Nông dân cùng hướng tới mục tiêu “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Các đơn vị trực thuộc được yêu cầu nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại diễn đàn để sớm đưa vào thực tiễn", Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định.

Bình luận