Kiên Giang khởi động 12 cánh đồng tham gia Đề án 1 triệu ha lúa

Bình luận · 38 Lượt xem

Ngoài 2 cánh đồng tại Tân Hiệp và An Minh được Bộ NN-PTNT phối hợp cùng tỉnh khởi động, Kiên Giang sẽ đồng loạt khởi động 10 cánh đồng ở các huyện còn lại.

12/15 huyện, thành phố tham gia Đề án

Kiên Giang là tỉnh sản xuất lúa lớn nhất tại vựa lúa ĐBSCL với diện tích gieo trồng hơn 700.000ha/năm, sản lượng đạt từ 4,4 - 4,5 triệu tấn/năm. Ngoại trừ huyện đảo Kiên Hải và thành phố Phú Quốc, các huyện, thành phố còn lại đều có sản xuất lúa, trong đó riêng huyện Hòn Đất mỗi năm đạt sản lượng hơn 1 triệu tấn.

Kiên Giang đã khởi động 2 cánh đồng thí điểm tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, còn 10 cánh đồng đang được tiếp tục triển khai ở các địa phương khác trong thời gian tới. Ảnh: Trung Chánh.

Kiên Giang đã khởi động 2 cánh đồng thí điểm tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, còn 10 cánh đồng đang được tiếp tục triển khai ở các địa phương khác trong thời gian tới. Ảnh: Trung Chánh.

Tham gia Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang đăng ký thực hiện với diện tích 200.000ha. Theo đó, tỉnh đã chọn 12/15 huyện, thành phố trên địa bàn để triển khai Đề án, gồm: Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và TP Rạch Giá.

Tại Kiên Giang, có 2 cánh đồng được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang khởi động tham gia Đề án. Trong đó, cánh đồng thuộc vùng chuyên sản xuất lúa 2 - 3 vụ/năm được thực hiện tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp), khởi động vụ đầu tiên trên diện tích 50ha, với 25 hộ tham gia.

Cánh đồng tiếp theo khởi động trên vùng sản xuất luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ tôm (lúa – tôm) tại Hợp tác xã Dịch vụ Tôm cua lúa Thạnh An (xã Đông Thạnh, huyện An Minh) với diện tích 10ha, có 13 hộ thành viên tham gia làm “Lúa hữu cơ - Tôm sinh thái”. Cánh đồng thí điểm trên đất lúa – tôm là mô hình đặc biệt, Kiên Giang là tỉnh đầu tiên tại ĐBSCL làm thí điểm.

Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, để có cơ sở nhân rộng diện tích tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao theo diện tích tỉnh đã đăng ký, Kiên Giang sẽ triển khai 12 mô hình thí điểm tại 12 huyện, thành phố có trồng lúa. Ngoài 2 cánh động đã khởi động, còn lại 10 mô hình tỉnh đã có kế hoạch triển khai trong vụ lúa đông xuân 2024 - 2025.

Tập huấn kỹ thuật cho nông dân

Tiền đề để Kiên Giang đăng ký tham gia thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là nông dân trong tỉnh đã tham gia Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam – VnSAT. Hàng chục ngàn lượt nông dân đã được tập huấn kỹ thuật và có khoảng 25.000ha lúa đang duy trì áp dụng quy trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”.

Theo ông Lê Văn Dũng, Sở NN-PTNT Kiên Giang đã chỉ đạo một số đơn vị chuyên môn, trong đó có Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện quy trình “1 phải, 6 giảm” (thêm 1 tiêu chí giảm nữa là giảm lượng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa). Đồng thời, tiếp tục tăng cường tập huấn cho nông dân với tổng số 120 lớp tại 12 địa phương có mô hình khởi động thí điểm.

Nông dân tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ngoài được khuyến nông tập huấn kỹ thuật còn được hỗ trợ ứng dụng thiết bị cơ giới hóa trong các khâu sản xuất lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ngoài được khuyến nông tập huấn kỹ thuật còn được hỗ trợ ứng dụng thiết bị cơ giới hóa trong các khâu sản xuất lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Lực lượng cán bộ tổ khuyến nông cộng đồng sẽ trực tiếp tham gia tập huấn cho nông dân, nội dung chủ yếu là về quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL, áp dụng cho vùng sản xuất trong Đề án 1 triệu ha lúa đã được Cục Trồng trọt ban hành.

Cùng với đó, tỉnh Kiên Giang cũng đã có chính sách hỗ trợ ngân sách cho các hợp tác xã tham gia Đề án thực hiện mô hình thí điểm với mức hỗ trợ 50% vật tư đầu vào như giống, phân bón và một số dụng cụ, thiết bị cơ giới hóa, cảm biến đo mực nước... để gắn trên đồng ruộng áp dụng kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ.

Theo đó, mức hỗ trợ này sẽ được duy trì trong 3 vụ lúa liên tiếp đối với các cánh đồng thực hiện thí điểm ở các địa phương. Mục tiêu là giảm lượng lúa giống gieo sạ còn dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, di chuyển rơm rạ ra khỏi đồng ruộng sau các vụ thu hoạch lúa.

Bình luận