Cà phê robusta thời đại mới: Cơ hội rộng mở cho người trồng cà phê robusta

Bình luận · 140 Lượt xem

Trên thế giới, Việt Nam là quốc gia cung cấp lượng lớn cà phê robusta. Do vậy, khi nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ thị trường, nông dân vùng Tây Nguyên phấn khởi.

Tín hiệu vui từ thị trường

Gia đình bà Nguyễn Thị Hường (huyện Di Linh, Lâm Đồng) bắt đầu trồng cà phê từ năm 2010 và đến nay, tổng diện tích vườn của gia đình khoảng 9ha. Bà Hường cho biết, suốt 13 năm gắn bó với cà phê, gia đình bà đã trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí có những lúc rơi vào bế tắc do giá cà phê xuống thấp.

“Để sống được với cà phê trong những năm tháng giá lên xuống sụt sùi đó, gia đình đã phải thực hiện nhiều biện pháp trong trồng trọt. Trên 9ha vườn đó, vợ chồng tôi đã trồng thêm dâu nuôi tằm, trồng xen vào đó các loại cây như bơ, mít, mắc ca… để kiếm thêm nguồn thu nhập”, bà Nguyễn Thị Hường nói.

Lâm Đồng hiện có khoảng 176 nghìn ha cà phê, trong đó cà phê robusta chiếm trên 160 nghìn ha. Ảnh: Minh Hậu.

Lâm Đồng hiện có khoảng 176 nghìn ha cà phê, trong đó cà phê robusta chiếm trên 160 nghìn ha. Ảnh: Minh Hậu.

Trước thông tin thị trường thế giới có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến dòng cà phê robusta, bà Nguyễn Thị Hường không giấu được niềm vui, thổ lộ: “Khu vườn của gia đình chỉ phù hợp để phát triển cà phê robusta nên thị trường quan tâm nhiều hơn sẽ là cơ hội rất lớn cho gia đình”. Cũng theo bà Nguyễn Thị Hường, mùa vụ vừa qua, gia đình thu hoạch cà phê và được các cơ sở, nhà máy chế biến thu mua với giá cao hơn so với mùa vụ trước.

Là một người gắn bó với cà phê từ năm 1994, ông Bùi Trung Đảng (ngụ xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, gia đình canh tác 1,5ha cà phê robusta và đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình. Trong giai đoạn giá cà phê xuống thấp, để duy trì vườn, gia đình buộc phải thực hiện biện pháp “lấy ngắn nuôi dài”. Theo đó, gia đình ông Đảng đã tổ chức trồng xen dâu, lấy lá nuôi tằm và tiết giảm chi phí đầu vào như tăng sử dụng phân bón tự ủ thay cho phân bón hoá học, cắt giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật.

Nói về cà phê robusta, ông Bùi Trung Đảng chia sẻ, đây là cây trồng có sự thích ứng với điều kiện khí hậu, có sự phát triển rất tốt. Huyện Di Linh từng trải qua những đợt nắng hạn kéo dài và những lần như vậy, cây bị suy kiệt, rụng lá. Tuy nhiên, chỉ cần tưới một lượng nước nhỏ là cây có thể duy trì sự sống để vượt qua mùa khô hạn và phát triển mạnh mẽ vào mùa mưa. Cà phê robusta cũng có sức kháng sâu, bệnh hại tốt hơn nhiều lần so với cà phê arabica nên việc trồng trọt, chăm sóc cũng dễ dàng. Ông Bùi Trung Đảng chia sẻ: “Hiện nay, cây trên vườn phát triển tốt và cho năng suất từ 3,5 đến 4 tấn nhân/ha. Đây là năng suất rất tốt trong điều kiện sản xuất tiết giảm chi phí đầu tư”.

Cà phê robusta có sức kháng sâu, bệnh hại, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Ảnh: Minh Hậu.

Cà phê robusta có sức kháng sâu, bệnh hại, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Nguyễn Minh Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã Tân Nghĩa (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, Lâm Đồng) cho hay, hiện nay hợp tác xã có gần 70 hộ thành viên và chuyên sản xuất cà phê robusta. Trước thông tin thị trường quan tâm, sử dụng sản phẩm cà phê này, bà con nông dân, các hộ thành viên trong hợp tác xã rất phấn khởi.

“Thị trường quan tâm, giá cả được cải thiện sẽ là điều kiện tốt cho người trồng cà phê robusta. Điều này sẽ giúp nông dân cải thiện nguồn thu nhập, vươn lên làm giàu. Về lâu dài, đây sẽ là động lực để bà con gắn kết trong sản xuất, đặc biệt sẽ là điều kiện để nông dân tập trung đầu tư, sản xuất cà phê một cách khoa học, bài bản, bền vững hơn”, ông Nguyễn Minh Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã Tân Nghĩa nói.

Cà phê robusta được thị trường quan tâm, giá cả được cải thiện giúp nông dân Lâm Đồng cải thiện nguồn thu nhập. Ảnh: Minh Hậu.

Cà phê robusta được thị trường quan tâm, giá cả được cải thiện giúp nông dân Lâm Đồng cải thiện nguồn thu nhập. Ảnh: Minh Hậu.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích cà phê của tỉnh gần 176 nghìn ha, trong đó cà phê robusta chiếm trên 160 nghìn ha (khoảng 93%), cà phê arabica trên 12 nghìn ha (chiếm 7%). Hiện nay, diện tích cà phê giai đoạn kinh doanh ở vào khoảng 162 nghìn ha, năng suất 3,3 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng trên 500 nghìn tấn. Sản phẩm cà phê robusta của tỉnh chủ yếu xuất khẩu qua các thị trường châu Âu như Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Italia…, châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia… Theo thống kê, năm 2022, sản lượng cà phê nhân xuất khẩu của tỉnh đạt trên 90 nghìn tấn với giá trị đạt trên 175 triệu USD.

Ông Nguyễn Thái Nam, người đồng sáng lập Công ty Nông sản thực phẩm hữu cơ Việt Nam (đóng tại huyệnh Di Linh, Lâm Đồng) cho biết, thị trường có sự dịch chuyển và giá cà phê robusta đang được cải thiện, tăng lên từng ngày.

Theo đó, năm 2021, giá nhân xô robusta ở vào khoảng 36.000 đồng/kg, năm 2022 tăng lên 42.000 đồng/kg và hiện nay đạt 66.000 đồng/kg. “Đây là tín hiệu vui cho người trồng cà phê cũng như ngành hàng cà phê của Việt Nam”, ông Nguyễn Thái Nam nói.

Nâng chất lượng cho cà phê robusta

Khác với trước đây, hiện nay, người sản xuất cà phê robusta ở huyện Di Linh nói riêng, Lâm Đồng nói chung đã có hướng quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Ông Nguyễn Thái Nam cho biết, để vượt lên trong thời kỳ giá cả thị trường nhiều biến động, doanh nghiệp đã hướng đến thực hiện mô hình sản xuất cà phê sạch, cà phê chất lượng cao. Trên toàn bộ 35ha vườn, doanh nghiệp đã tổ chức sản xuất hữu cơ và đã được tổ chức USDA Hoa Kỳ chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc tế.

Hiện nay, 35ha cà phê của Công ty Nông sản thực phẩm hữu cơ Việt Nam cho thu về 100 tấn nhân xanh. Cùng với việc tổ chức sản xuất, doanh nghiệp này cũng đầu tư xây dựng nhà máy chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Nguyễn Thái Nam chia sẻ, doanh nghiệp đang bán cà phê hữu cơ qua thị trường Hoa Kỳ, các nước châu Âu và một số thị trường châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Nhờ thực hiện tốt từ quy trình canh tác đến chế biến nên giá sản phẩm robusta của doanh nghiệp được đối tác hợp đồng tiêu thụ với giá cao. Sản phẩm nhân cà phê robusta hữu cơ của doanh nghiệp đang được bán với giá lên đến 280.000 đồng/kg.

Công ty Nông sản thực phẩm hữu cơ Việt Nam sản xuất 35ha cà phê hữu cơ ở huyện Di Linh (Lâm Đồng). Trong đó, sản phẩm nhân robusta của doanh nghiệp này đang được thị trường tiêu thụ với giá 280.000 đồng/kg. Ảnh: Minh Hậu.

Công ty Nông sản thực phẩm hữu cơ Việt Nam sản xuất 35ha cà phê hữu cơ ở huyện Di Linh (Lâm Đồng). Trong đó, sản phẩm nhân robusta của doanh nghiệp này đang được thị trường tiêu thụ với giá 280.000 đồng/kg. Ảnh: Minh Hậu.

Cũng như Công ty Nông sản thực phẩm hữu cơ Việt Nam, ông Đỗ Tùng (huyện Di Linh) đã liên kết với các nông hộ trong vùng sản xuất cà phê robusta hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam. Theo đó, vùng sản xuất cà phê hữu cơ của ông Đỗ Tùng hiện nay trên 5,6ha với sản lượng 15 tấn nhân/năm.

“Thị trường thế giới đang mở ra cơ hội cho người làm cà phê như chúng tôi và chúng tôi sẽ không ngừng cải thiện về chất lượng để phát triển hơn nữa trong tương lai. Hiện nay, các sản phẩm cà phê robusta hữu cơ của chúng tôi đã được các đối tác hợp đồng tiêu thụ với mức giá 200.000 đồng/kg”, ông Đỗ Tùng nói và cho biết thêm, việc sản xuất hữu cơ được ông và các thành viên thực hiện theo hình thức tạo vùng đệm, sử dụng nguồn phân hữu cơ tự ủ, sử dụng thiên địch hoặc các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu, bệnh hại. Từ quy trình sản xuất này, chi phí đầu vào được cắt giảm hơn so với lối sản xuất vô cơ trước đây.

Ông Đỗ Tùng cho biết: “Sau khi trừ chi phí, chúng tôi đạt lợi nhuận lên đến 60%. Quy trình mang lại hiệu quả cao cùng với thị trường đang rộng mở nên sắp tới chúng tôi liên kết với khoảng 10 hộ dân khác để nâng vùng nguyên liệu lên 15ha”.

Bình luận