Nông dân xuất sắc Việt Nam sáng chế máy chiết xuất thảo dược

Bình luận · 24 Lượt xem

Là một trong 63 nông dân xuất sắc Việt Nam 2024, anh Phạm Thành Lộc nghiên cứu thành công quy trình công nghệ nano Emulsion hỗn hợp tinh gừng và một số thảo dược.

Xuất thân là thạc sĩ hóa học nhưng anh Phạm Thành Lộc (xã Tân Thuận Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM) lại bén duyên nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp trước bối cảnh diện tích đất nông nghiệp tại TP.HCM ngày càng thu hẹp, nhu cầu về thực phẩm sạch, tốt cho sức khỏe của người dân ngày càng tăng cao.

Năm 2015, anh và cộng sự nghiên cứu chế tạo thành công hệ thống máy trồng rau Ero-farm bằng công nghệ khí canh trụ đứng, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, tiết kiệm năng lượng. Hệ thống này không thua kém gì so với công nghệ của Israel nhưng giá thành đầu tư thấp hơn nhiều.

Hệ thống này được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ độc quyền và nhận được sự đón nhận của nhiều người dân ở đô thị phía Nam khi không phải mất nhiều công sức chăm sóc, không sử dụng thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học, lại có thể ứng dụng sản xuất nông nghiệp ngay tại đô thị, cho ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc.

Không dừng lại ở đó, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, nông dân trồng gừng tại một số tỉnh thành không tiêu thụ được, anh Phạm Thành Lộc lại “chôn chân” trong phòng thí nghiệm mày mò nghiên cứu, học hỏi từ cơ khí, hàn, điện lạnh, điện tử... để lắp ráp, chưng cất, chiết xuất, nhiều lần phải "đập đi làm lại" để tìm ra phương pháp tách chiết tinh chất từ gừng.

Anh Phạm Thành Lộc say sưa nghiên cứu chế tạo các máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Anh Phạm Thành Lộc say sưa nghiên cứu chế tạo các máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Công trình nghiên cứu quy trình công nghệ nano hóa hỗn hợp tinh gừng và một số dược liệu được chiết xuất bằng công nghệ CO2 nhận được kinh phí tài trợ của Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM năm 2022 - 2023 và nghiệm thu thành công.

Có thể nói, công nghệ Nano Emulsion – siêu âm đi đầu trong xử lý chế biến tinh dầu, dầu thực vật với quy trình nano nhũ nhằm tạo nên các sản phẩm có hoạt chất từ thảo dược như dầu, tinh dầu, chiết xuất để tạo thành các sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Công nghệ sử dụng năng lượng xanh thay cho khuấy trộn cơ học cổ điển, qua đó tạo các hạt nhũ tương có kích thước hạt đến kích cỡ nano mét. Năng lực sản xuất tối ưu của hệ thống này khoảng 5 lít/phút hoạt chất thảo dược dưới dạng nano, giúp tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm.

Anh Lộc (ngoài cùng bên trái) giới thiệu các sản phẩm chiết xuất từ gừng với lãnh đạo TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Anh Lộc (ngoài cùng bên trái) giới thiệu các sản phẩm chiết xuất từ gừng với lãnh đạo TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hiện anh Lộc đã đưa ra thị trường các sản phẩm tốt cho sức khỏe với thương hiệu SAGUCHA từ củ gừng như: Xịt miệng, xoa bóp, tinh dầu xịt khẩu trang, tinh dầu xông hơi. Đây là những sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của TP.HCM và giải thưởng Sáng tạo Khoa học kỹ thuật TP.HCM lần thứ 3 (năm 2023).

“Nghiên cứu gừng tại 35 tỉnh thành cho thấy gừng ở Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Nông chất lượng tốt, phù hợp để chiết xuất. Hiện lượng khách chưa nhiều nhưng ai đã sử dụng rồi thì sẽ quay lại mua bởi công dụng của nó. Bình quân mỗi tháng tôi thu mua khoảng 8 tấn gừng của bà con. Doanh thu ở mảng thảo dược khoảng 500 triệu đồng, con số khá khiêm tốn. Vì vậy, chúng tôi phải gia công thêm cho các đơn vị khác để nuôi sống mình. Khi đúng thời điểm, sẽ đẩy mạnh thị trường, phát triển thêm các sản phẩm mỹ phẩm từ thảo dược, đầu tư xây dựng nhà xưởng khép kín”, anh Lộc nói.

Anh Phạm Thành Lộc (giữa) được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là 1 trong 63 nông dân xuất sắc Việt Nam 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Anh Phạm Thành Lộc (giữa) được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là 1 trong 63 nông dân xuất sắc Việt Nam 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trở về sau chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2024, anh Phạm Thành Lộc phấn khởi bởi những nỗ lực của nông dân 63 tỉnh thành đã được lãnh đạo Đảng, nhà nước, các bộ, ngành trung ương và địa phương ghi nhận. Anh cho biết sẽ cùng các cộng sự tiếp tục phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ để giúp người nông dân sản xuất nông nghiệp có giá trị cao, năng suất tốt, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Bình luận