Từ lâu, xã Tiền An (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) nổi tiếng bởi những vườn na bở trĩu quả với hương vị thơm ngon, không quá ngọt sắc. Tuy nhiên, sau cơn bão số 3 vừa qua, gần 80ha trồng na của hơn 200 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có nhiều cây khó có thể phục hồi. Bằng kinh nghiệm lâu năm và sự quyết tâm, ngay sau bão, các hộ dân cùng nhau đưa ra những biện pháp để “cứu” na.
Đến nay, vườn na của ông Vũ Tất Đạt (khu Vườn Chay, xã Tiền An) đã được dọn dẹp gọn gàng, những cây na được dựng lên, chằng chống cẩn thận. Trò chuyện với chúng tôi, ông Đạt tâm sự: “Đối với những cây na già, dù chằng chống nhưng tỷ lệ cây chết vẫn rất lớn, nếu may mắn sống thì năng suất sau này cũng rất kém do bộ rễ đã bị ảnh hưởng. Bây giờ anh em trồng na chúng tôi chỉ tập trung vào những cây na nhỏ (từ 1-3 năm tuổi để chăm sóc”.
Những cây na non sau khi được chăm sóc kịp thời đã xanh tốt và dần xuất hiện những mầm non. Hiện nay, vườn của ông Đạt có diện tích gần 1ha na bở, trong đó diện tích cây na non chiếm tới 40%, còn lại là những cây na già có tuổi đời hàng chục năm tuổi.
“May mắn là trước bão tôi cũng dùng dây buộc để giảm gió cho các cây na non, vì vậy diện tích na non không bị ảnh hưởng nhiều, chờ 3-4 năm nữa cây sẽ cho thu quả”, ông Đạt nói.
Gần 20 năm gắn bó với cây na, khu vườn của ông Phạm Ngư (khu Vườn Chay, xã Tiền An) có khoảng 2.000 gốc na lâu năm. Cơn bão vừa qua đã làm ảnh hưởng đến 90% diện tích cây na, trong đó có cả những gốc na đã trên 17 năm tuổi.
“Đối với những cây lâu năm, tôi phải đi chặt những thân cây to về để chằng chống, thế nhưng tỷ lệ sống của cây thấp lắm. Chỉ còn một số cây ít bị ảnh hưởng, đến nay tình trạng vẫn ổn định”, ông Ngư bày tỏ.
Những ngày này, bà con xã Tiền An tất bật chuẩn bị nhân giống để tiến tới trồng lại những cây mới. Nhiều nhà nhanh tay đã kịp thời trồng lại ngay thời điểm sau bão, đến nay các cây đều sinh trưởng rất tốt.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, bà Bùi Thị Huyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiền An khuyến cáo: Hiện nay, các hộ đang chuẩn bị trồng mới những vườn na, tuy nhiên phải theo mùa và điều kiện thời tiết thích hợp (vào khoảng tháng 2/2025), khi đó có mưa, đất ẩm thì tỷ lệ sống và khả năng sinh trưởng của cây mới được đảm bảo.
Cùng với đó, Hội Nông dân xã đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ những người dân trồng na. Đối với hộ dân bị hỏng 80% diện tích cây na, Hội Nông dân xã đã đề xuất với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho người dân được vay vốn từ nguồn “Quỹ hỗ trợ nông dân”; kết nối với Trung tâm Dịch vụ Khoa học kỹ thuật thị xã để tập huấn chuyển giao kỹ thuật cải tạo, chăm sóc cây na cho nông dân xã. Hội nông dân xã mong muốn các ngân hàng thực hiện chính sách hỗ trợ giảm lãi suất cho các hộ nông dân khi vay vốn làm vườn hoặc giải quyết việc làm.
Giờ đây, trên những vườn na bở, chồi non đã hé lộ, mang đến một luồng sinh khí mới cho khu vườn từng đổ nát, hoang tàn sau cơn bão dữ. Tất cả đều chung một niềm tin, sự kỳ vọng về ngày vườn na xanh trở lại, mang đến vụ mùa bội thụ.