Đầu tư nâng sức khỏe cây trồng: Chuyên tâm sẽ thành công

Bình luận · 36 Lượt xem

Thay vì lo lắng, bỏ bê rồi phải chặt bỏ, chủ vườn có thể đầu nâng cao sức khỏe cho cây trồng, đáp ứng các tiêu chuẩn canh tác rồi thành quả ắt sẽ tới.

Đáp ứng yêu cầu xuất khẩu thì không lo đầu ra

Ông Dương Tất Tính ở xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) sở hữu 4ha bưởi đỏ, 100% diện tích của nhà ông đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đi nhiều thị trường như châu Âu, Hoa Kỳ, New Zealand từ năm 2022.

Năm nay, dự kiến tổ hợp tác do ông làm tổ trưởng sẽ xuất khẩu được 30 tấn bưởi đỏ Tân Lạc sang Anh, trong đó riêng nhà ông có 20 tấn. Theo ông Tính, số bưởi xuất khẩu được chỉ vào khoảng 50% so với sản lượng toàn vườn nhưng do phần còn lại không đáp ứng đủ tiêu chuẩn nên đành bán trong nước.

Hiện nay, nếu bán trong nước, bưởi đỏ Tân Lạc có giá dao động quanh 5.000 đồng/quả, trong khi đó nếu xuất khẩu được thì giá khoảng 20.000 đồng/quả, giá trị kinh tế cao hơn hẳn.

Mặc dù vậy, việc đầu tư sản xuất đảm bảo sức khỏe cây trồng, đáp ứng yêu cầu cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu là điều không phải ai cũng dám làm. "Ở đây có nhiều người nhận thức chưa thông suốt, không dám đầu tư, không dám thay đổi để có khả năng đưa bưởi xuất khẩu", ông Tính cho biết thêm.

Theo tính toán của chủ vườn bưởi này, nếu làm tốt, tập trung vào xuất khẩu như hiện nay thì mỗi gốc bưởi hàng năm có thể đem lại thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng.

Quả bưởi xuất khẩu đem lại giá trị cao gấp 4 - 5 lần so với bán trong nước. Ảnh: Tùng Đinh.

Quả bưởi xuất khẩu đem lại giá trị cao gấp 4 - 5 lần so với bán trong nước. Ảnh: Tùng Đinh.

"Nếu chuyên tâm sẽ thành công, nếu chú trọng vẫn thắng lợi. Không có vấn đề gì hết", ông Tính quả quyết khi nói về hiệu quả của việc quản lý dịch hại, đảm bảo sức khỏe cây trồng cho vườn bưởi nhà mình.

Cụ thể hơn, ông cho rằng vấn đề đáng lo nhất đối với người sản xuất là đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên nếu đáp ứng được tiêu chuẩn để có mã số vùng trồng thì đầu ra không phải lo, chỉ lo không sản xuất được hàng đúng tiêu chuẩn.

Đây là thành quả của việc liên kết giữa "4 nhà": Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp. Những năm qua, ngoài những chính sách thúc đẩy hay hướng dẫn chuyên môn, các cán bộ của Cục BVTV, Chi cục Trồng trọt – BVTV tỉnh Hòa Bình hay Phòng NN-PTNT huyện Tân Lạc thường xuyên về tận vườn để hỗ trợ, kiểm tra việc tuân thủ các quy trình kỹ thuật của mã số vùng trồng bưởi. Nội dung bao gồm nhật ký đồng ruộng, các ghi chép về nhập vật tư và sử dụng trên cây trồng.

Không khó nhưng phải tuân thủ

Chia sẻ về những thay đổi sau khi áp dụng các biện pháp canh tác mới để được cấp mã số vùng trồng, ông Tính khẳng định, không khó nhưng buộc bải tuân thủ.

Theo đó, các thành viên trong tổ hợp tác phải tuân thủy các quy định của nhà nước về sử dụng thuốc BVTV như dùng thuốc trong danh mục, phun đúng thời điểm, đúng tuần suất, đảm bảo đúng thời gian cách ly. Ngoài ra, còn phải ghi chép nhật ký nhập vật tư, nhật ký canh tác, sử dụng thuốc BVTV.

Mặc dù vậy, vẫn có nhiều hộ dân sản xuất bưởi e dè, lo ngại, không dám đầu tư, chuyển đổi để áp dụng các biện pháp canh tác này vào vườn nhà mình. Kéo theo đó là chất lượng bưởi tiếp tục suy giảm, không xuất khẩu được, bán trong nước cũng khó khăn, giá rẻ.

"Nếu bà con mạnh dạn làm và làm tốt thì lượng bưởi xuất khẩu hàng năm của Tân Lạc còn phải cao gấp chục lần so với hiện nay", ông Tính khẳng định.

Ông Tính nói các quy định canh tác mới không khó nhưng phải tuyệt đối tuân thủ. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Tính nói các quy định canh tác mới không khó nhưng phải tuyệt đối tuân thủ. Ảnh: Tùng Đinh.

Về vấn đề kỹ thuật, ông Tính cho biết cây bưởi vốn khỏe, ít bệnh hơn cam, các đối tượng cần lưu ý thường là nhện đỏ, ruồi vàng gây xấu mã và bệnh xì gôm làm giảm sức khỏe cây.

Để phòng trừ sâu bệnh, cần phun các thuốc BVTV trong danh mục, với côn trùng cần dùng bẫy, bả và bọc quả để đối phó. Hiện nay, một trong những yêu cầu cơ bản của các nhà nhập khẩu là không để xuất hiện sinh vật gây hại trên quả.

Do đó, mặc dù chi phí lên đến 2.000 đồng/quả cho việc bọc quả chống ruồi nhưng ông Tính và tổ hợp tác của ông vẫn đầu tư thực hiện. Chi phí này gồm 1.000 đồng cho giá túi và 1.000 đồng cho công bọc.

Để xuất khẩu đi Anh, bưởi phải là loại từ 0,9 – 1,2kg/quả, to hơn hay bé hơn đều không được, mẫu mã phải đẹp, vỏ bóng, tròn đều, không có vết đốt của ruồi vàng.

Số bưởi không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sẽ được bán cho thương lái trong nước, theo tính toán của ông Tính là sẽ đủ được tiền phân bón và nhân công.

Những quả bưởi không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vẫn có thể tiêu thụ trong nước, bù lại phần nhân công và vật tư cho vườn. Ảnh: Tùng Đinh.

Những quả bưởi không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vẫn có thể tiêu thụ trong nước, bù lại phần nhân công và vật tư cho vườn. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện nay, giá nhân công theo ngày đang có xu hướng tăng nhưng vì sức khỏe không cho phép nên ông Tính vẫn phải thuê, bao gồm người tưới nước, phun thuốc, cắt cỏ...

"Vì chi phí nhân công tăng nên tôi không muốn mở rộng diện tích, thay vào đó làm ít đi nhưng chất lượng hơn thì sẽ có giá trị, hiệu quả cao hơn", ông chủ 4ha bưởi đỏ Tân Lạc chia sẻ.

Năm nay thời tiết gió Lào vào thời điểm bưởi ra hoa, cộng thêm mưa nhiều nên sản lượng bưởi nhà ông Tính giảm đi đáng kể, chỉ đạt khoảng 40 tấn so với 50 – 60 tấn mọi năm.

Chia sẻ về mục tiêu trong tương lai, ông nói sẽ thu hẹp diện tích, duy trì ở mức sản lượng 30 tấn/năm nhưng sẽ đầu tư để 30 tấn này có thể xuất khẩu được hoàn toàn.

Bình luận